KTNN tham gia thẩm định dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động đối ngoại

14/09/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều 13/9/20016, tại trụ sở Bộ Tư Pháp, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Lê Quang Bính tham gia họp Hội đồng tư vấn thẩm định dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động đối ngoại. Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư Pháp chủ trì buổi họp. Tham dự có đại diện các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Ngoại giao, Công thương, Quốc Phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư và Sở ngoại vụ TP Hà Nội.
 

Theo đại diện Bộ Tài Chính – cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định, cùng với sự phát triển của hoạt động đối ngoại Nhà nước, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh chế độ, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại ngày càng hoàn thiện, giữ vai trò quan trọng, là nguồn lực tập trung góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị đối ngoại được Đảng và Nhà nước giao phó. Tuy nhiên, chế độ, chính sách trong công tác đối ngoại cũng bộc lộ các tồn tại, hạn chế: Quy định phân tán, điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp quy; Nhiều chế độ, chính sách đối với thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài đã lạc hậu; Nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam hiện chưa bao quát các nội dung đặc thù của Cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài.
 
Dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động đối ngoại được thiết kế với mục tiêu: Xây dựng khuôn khổ pháp lý đồng bộ trong quản lý NSNN, tạo điều kiện tập trung triển khai các nhiệm vụ đối ngoại nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; Kiên quyết đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường hữu nghị, hợp tác bình đẳng phục vụ phát triển; Tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách trong hoạt động đối ngoại; Đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý kinh tế và hội nhập.
 
Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 24 điều quy định các nội dung:
 
Nhiệm vụ chi NSNN cho hoạt động đối ngoại: Nhiệm vụ chi hoạt động đối ngoại của ngân sách Trung ương và nhiệm vụ chi hoạt động đối ngoại của ngân sách địa phương.
 
Chế độ, chính sách đối với thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài: Chế độ đối với các thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; Chế độ sinh hoạt phí; Chế độ phụ cấp, trợ cấp; Một số chế độ khác; Chế độ phu nhân/phu quân.
 
Lập, chấp hành, quyết toán và công khai NSNN đối với một số hoạt động đối ngoại: Lập, chấp hành, quyết toán và công khai NSNN cho hoạt động đối ngoại; Lập dự toán NSNN hàng năm; Phân bổ và giao dự toán NSNN; Tổ chức thu, nộp NSNN tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Cấp NSNN đối với Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; Quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; Lập, quản lý, thanh toán và quyết toán các dự án đầu tư xây dựng của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; Quản lý, sử dụng số thu phí được để để lại theo chế độ; Mở tài khoản giao dịch, sử dụng NSNN của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; Kế toán, quyết toán NSNN đối với các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thực hiện.
 
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, sau khi xin ý kiến các Bộ, Ngành và địa phương trên cả nước, Bộ Tài chính đã nhận được 61 văn bản tham gia ý kiến của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Dự thảo được hoàn thiện sau khi tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia.
 
Đại diện các Bộ, ngành tham dự buổi họp đã thảo luận, góp ý về các nội dung của Dự thảo Nghị định. Các ý kiến thảo luận tập trung thảo luận: Làm rõ những hoạt động đối ngoại được quản lý theo các quy định của pháp luật hiện hành và những hoạt động đối ngoại đặc thù được quản lý theo quy định tại Nghị định này; Loại bỏ một số nội dụng thu, chi có sự trùng lắp, bao hàm; Làm rõ một số khái niệm đặc thù trong hoạt động đối ngoại; Giải trình rõ thêm các quy định về quản lý, sử dụng số thu phí được để lại theo chế độ.
 
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, quy định về quản lý, sử dụng số thu phí được để lại theo chế độ ngoài phần chi phí cần thiết cho các hoạt động cung cấp dịch vụ, việc thu phí thực hiện theo quy định của Luật phí và lệ phí và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành, cần có giải trình rõ ràng về việc bổ sung số một số nội dung chi từ nguồn thu phí được để lại như trong dự thảo Nghị định quy định.
 
Bộ Ngoại Giao cho rằng, hoạt động đối ngoại là hoạt động đặc thù, ngoài tuân thủ pháp luật Việt Nam, cần tuân thủ pháp luật nước sở tại, Luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế, thỏa thuận cấp Chính phủ mà Việt Nam tham gia. Vì vậy, Bộ Ngoại giao mong muốn với Nghị định này sẽ góp phần từng bước giải quyết những khó khăn, vướng mắc do sự không tương thích giữa pháp luật các bên liên quan.
 
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện của KTNN cho rằng, việc ban hành Nghị định này là cần thiết để đảm bảo hoạt động đối ngoại được triển khai hiệu quả, kịp thời, phù hợp với đặc thù công tác đối ngoại và góp phần tháo gỡ những tồn tại, hạn chế về cơ chế, chính sách, chế độ áp dụng trong lĩnh vực đối ngoại. Điều quan trọng trong tờ Trình của Chính phủ cần nêu bật tính hiệu quả của việc thay đổi các quy định, chế độ về quản lý, sử dụng ngân sách đối với hoạt động đối ngoại, đồng thời cần xác định rõ cân đối ngân sách khi áp dụng các quy định này.
 
Kết luận buổi họp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư Pháp Lê Đại Hải cho biết, các ý kiến phát biểu của các Bộ, ngành là cơ sở để Bộ Tài chính tiếp thu, giải trình và chỉnh sửa để hoàn thiện Dự thảo Nghị định. Bộ Tư Pháp soạn thảo Văn bản thẩm định Dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động đối ngoại trình Chính phủ ngay trong tháng 9/2016, nhằm đảm bảo hiệu lực thi hành của Nghị định áp dụng từ năm ngân sách 2017, theo đúng thời hạn áp dụng của Luật NSNN 2015./.
 
Ngọc Bích

Xem thêm »