KTNN tham gia thẩm định dự thảo Nghị định về kiểm toán nội bộ

08/09/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều 7/9/20016, tại trụ sở Bộ Tư Pháp, Vụ Pháp chế Kiểm toán nhà nước đã tham gia họp Hội đồng tư vấn thẩm định dự thảo Nghị định về kiểm toán nội bộ. Ông Lê Đại Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư Pháp chủ trì buổi họp. Tham dự có đại diện các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Công thương, Quốc Phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam.
 

Vụ Chế độ và Kế toán - Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định đã trình bày về Dự thảo Tờ trình Nghị định về kiểm toán nội bộ và những nội dung chính của dự thảo Nghị định.
 
Theo đó, việc ban hành Nghị định về kiểm toán nội bộ nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Kế toán, tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức kiểm toán nội bộ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trong hoạt động kiểm toán nội bộ.
 
Dự thảo Nghị định gồm 3 chương và 35 điều, bao gồm:
 
Quy định chung gồm 7 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ, mục tiêu của kiểm toán nội bộ; các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ; các yêu cầu nhằm đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ và nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ.
 
Quy định cụ thể gồm 25 điều quy định về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của kiểm nội bộ, trách nhiệm của các bên đối với kiểm toán nội bộ và quản lý nhà nước về kiểm toán nội bộ.
 
Điều khoản thi hành gồm 3 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành.
 
Đại diện các Bộ, ngành đã thảo luận, góp ý về các nội dung của Dự thảo Nghị định. Các ý kiến thảo luận tập trung thảo luận: Xác định rõ đối tượng áp dụng của Nghị định; Cơ cấu tổ chức của kiểm toán nội bộ; Tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn của Kiểm toán viên nội bộ; Chức năng, nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ để tránh trùng lắp, chồng chéo với các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm soát hiện hành; Làm rõ quy trình hoạt động của kiểm toán nội bộ để đảm bảo tính thực thi…
 
Bộ Nội Vụ cho rằng, việc tổ chức bộ phận kiểm toán nội bộ nên theo mô hình bộ phận thuộc đơn vị có chức năng tham mưu về tài chính – kế hoạch trong đơn vị để tránh phát sinh thêm bộ máy trong đơn vị. Đại diện Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương đồng nhất quan điểm cho rằng đối tượng áp dụng của Nghị định nên tập trung vào doanh nghiệp. Đối với các cơ quan hành chính, cơ quan nhà nước cần xem xét vì việc thành lập kiểm toán nội bộ sẽ liên quan tới mở rộng bộ máy, tăng ngân sách hoạt động của đơn vị. Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đề xuất Bộ Tài chính nên quy định rõ quy trình kiểm toán nội bộ thay vì để cho các đơn vị tự xây dựng quy trình riêng như trong dự thảo nhằm đảm bảo việc áp dụng thống nhất, hiệu quả.
 
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp chế KTNN cho biết, kiểm toán nội bộ là hoạt động rất cần thiết phục vụ cho công tác quản trị của đơn vị; độc lập với chức năng kiểm tra, giám sát của các cơ quan ngoại kiểm như Thanh tra, KTNN... Vì vậy, việc ban hành Nghị định hướng dẫn về kiểm toán nội bộ là cần thiết để làm cơ sở cho các đơn vị thực hiện hoạt động này được hiệu quả. Đại diện của KTNN cho rằng, Dự thảo Nghị định cần đưa ra các tiêu chí phù hợp để làm rõ về tổ chức kiểm toán nội bộ tại từng đối tượng áp dụng - cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp, nhằm đảm bảo chủ trương giảm biên chế của Nhà nước; đồng thời vẫn đảm bảo thực thi các được các chức năng, nhiệm vụ. Dự thảo Nghị định cũng cần đưa ra tiêu chuẩn cụ thể về Kiểm toán viên nội bộ nhằm đảm bảo Kiểm toán viên nội bộ có đủ năng lực để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao. Cơ quan soạn thảo Nghị định cũng cần quy định chung thống nhất về quy trình kiểm toán nội bộ để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của hoạt động kiểm toán nội bộ.
 
Kết luận buổi họp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư Pháp Lê Đại Hải cho biết, các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành là cơ sở để Bộ Tài chính tiếp thu, giải trình và chỉnh sửa để hoàn thiện Dự thảo Nghị định; đồng thời Bộ Tư Pháp soạn thảo Văn bản thẩm định Dự thảo Nghị định về Kiểm toán nội bộ trình Chính phủ theo đúng trình tự của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.
 
Ngọc Bích

Xem thêm »