“Chủ động, khẩn trương xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về bộ chuẩn mực Kiểm toán nhà nước một cách bài bản, khoa học”

02/08/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng và ban hành hệ thống Chuẩn mực kiểm toán nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên là người gắn bó với các hoạt động liên quan đến hệ thống Chuẩn mực kiểm toán, từ khâu tiếp cận, đánh giá đến cả quá trình dài chuẩn bị, biên soạn và tiến tới ban hành chính thức Hệ thống này, áp dụng trong toàn ngành. Tạp chí Nghiên cứu Khoa học kiểm toán đã có buổi trao đổi với Ông để cung cấp cho độc giả, các nhà nghiên cứu, các kiểm toán viên cái nhìn bao quát và cụ thể nhất về Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán nhà nước. Trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc.
 

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên

1. Thực hiện Kế hoạch xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước theo hướng tuân thủ ISSAI, được biết, đến nay Tổ Soạn thảo hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước đã hoàn thành việc soạn thảo dự thảo 39 chuẩn mực kiểm toán nhà nước (CMKTNN) và Danh mục thuật ngữ sử dụng trong hệ thống CMKTNN theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Ông có thể cho biết động lực nào thúc đẩy chúng ta thực hiện hệ thống chuẩn mực này?

Trên cơ sở nhận thức được vai trò và ý nghĩa của việc thực hiện các chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAIs) trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước, tại Hội thảo “Quản lý chương trình Sáng kiến thực hiện ISSAIs - Hội thảo “Quản lý Chương trình 3i” do IDI-ASOSAI (Ủy ban Sáng kiến phát triển của INTOSAI) tổ chức tại Campuchia (từ 27/02 đến 01/3/2013), lãnh đạo KTNN đã ký Bản cam kết thực hiện ISSAI.

Việc áp dụng ISSAIs sẽ nâng cao tính độc lập, tính hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động kiểm toán của các SAI, tăng cường năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp, vị thế, uy tín và hình ảnh của các SAI trong cộng đồng INTOSAI; từ đó, nâng cao chất lượng kiểm toán và tính minh bạch trong khu vực công trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, việc áp dụng ISSAIs cũng thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các SAI, trên cơ sở đó không ngừng cập nhật và hoàn thiện ISSAIs.

Đối với Việt Nam, việc áp dụng ISSAIs là cơ hội, điều kiện thuận lợi để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động của KTNN nói chung và hoạt động kiểm toán nói riêng; góp phần giúp KTNN thực hiện những mục tiêu và nội dung quan trọng nhất trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, từ hoàn thiện cơ sở pháp lý đến phát triển tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp hóa; từ đa dạng hóa các loại hình kiểm toán đến nâng cao chất lượng kiểm toán toàn diện về năng lực, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán cho phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế...

2. Vậy Ông có thể chia sẻ đôi chút về quá trình xây dựng hệ thống chuẩn mực này?

Sau Hội thảo tôi nói ở trên, KTNN đã xác định 3 mục tiêu của Mục đích chiến lược số 3 trong Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 là: Đánh giá việc tuân thủ ISSAI trong tổ chức và hoạt động của KTNN; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống CMKTNN theo hướng tuân thủ ISSAI; Áp dụng chuẩn mực kiểm toán trong hoạt động kiểm toán. Đồng thời tổ chức khóa đào tạo về đánh giá việc tuân thủ ISSAI, thành lập Nhóm Đánh giá việc tuân thủ ISSAI gồm 13 thành viên do 1 lãnh đạo KTNN làm trưởng nhóm và các thành viên là công chức, kiểm toán viên có trình độ đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Nhóm đã tiến hành đánh giá một cách toàn diện tính tuân thủ trong tổ chức và hoạt động của KTNN theo các thông lệ quốc tế ISSAI, trình Tổng KTNN ban hành. Đây chính là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống CMKTNN theo hướng tuân thủ ISSAI.

Sau khi hoàn thành đánh giá việc tuân thủ ISSAI, ngay trong tháng 10/2013 KTNN đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và ban hành hệ thống CMKTNN (Ban Chỉ đạo) với thành viên là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong và ngoài ngành. Khi bắt tay vào xây dựng hệ thống CMKTNN, Ban chỉ đạo Chúng tập trung chủ yếu vào một số nguyên tắc chính, đó là: xây dựng hệ thống CMKTNN trên cơ sở các quy định của hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế của các cơ quan Kiểm toán tối cao (ISSAI), tham khảo hệ thống chuẩn mực kiểm toán độc lập và kết quả đánh giá việc tuân thủ ISSAI của KTNN; tiếp thu một cách có chọn lọc các chuẩn mực kiểm toán quốc tế phù hợp với hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý của Việt Nam, điều kiện và môi trường hoạt động của KTNN Việt Nam, phù hợp với bối cảnh trong hiện tại và cả trong tương lai. Hơn thế nữa, hệ thống CMKTNN mới được xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu: đầy đủ, toàn diện, rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện; Hệ thống CMKTNN mới sẽ được áp dụng cho cả 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động).

Trong năm 2014, Tổ soạn thảo đã hoàn thành và trình Tổng KTNN ban hành 04 CMKTNN (cấp độ 2 và 3) là những chuẩn mực mang tính nguyên tắc trong chỉ đạo hoạt động kiểm toán của KTNN. Từ cuối năm 2014 đến hết Quí I năm 2016, Tổ soạn thảo đã tiếp tục soạn thảo 35 CMKTNN và danh mục thuật ngữ, đồng thời tiến hành lấy ý kiến tham gia của các đơn vị trực thuộc KTNN để hoàn thiện 4 CMKTNN đã ban hành năm 2014. Đến nay Tổ soạn thảo đã hoàn thành dự thảo 39 chuẩn mực (bao gồm cả việc hoàn thiện 04 chuẩn mực đã ban hành 2014). Các chuẩn mực này được xây dựng một cách cẩn trọng, xuất phát từ tinh thần làm việc khoa học, giàu nhiệt huyết của Tổ soạn thảo cộng với sự đóng góp nhiệt tình, chất lượng, có trách nhiệm của các chuyên gia trong và ngoài ngành. Xuyên suốt trong quá trình xây dựng, và đặc biệt là sau các cuộc hội thảo lấy ý kiến, các thành viên Tổ soạn thảo đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng toàn bộ hệ thống CMKTNN với tinh thần cầu thị, tôn trọng chân lý. Kết quả là toàn bộ 39 chuẩn mực và danh mục thuật ngữ đến này về cơ bản đã đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa hình thức, kết cấu, nội dung và đảm bảo theo định hướng tuân thủ thông lệ quốc tế (ISSAI) phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; đảm bảo nguyên tắc, yêu cầu được đặt ra và phê duyệt của Lãnh đạo KTNN trước khi thực hiện xây dựng các chuẩn mực.

3. Là người đã có kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các SAI bạn, Ông thấy chúng ta có những tương đồng và khác gì trong việc áp dụng ISSAI với các SAI thuộc các nước có hoàn cảnh kinh tế xã hội tương đồng?

Theo ghi nhận của IDI, hầu hết các SAI đều phải đối mặt với những thách thức nhất định khi vận dụng bộ chuẩn mực ISSAIs đồ sộ, và trong quá trình ứng dụng bộ chuẩn mực ISSAI này thì những khác biệt phổ biến nhất giữa các SAI chủ yếu xuất phát từ môi trường pháp lý cụ thể của từng SAI ở các nước, năng lực, trình độ và tính chuyên nghiệp của từng SAI và của kiểm toán viên tại mỗi SAI.

Trước hết, về mặt pháp lý, với các quy định khác nhau liên quan đến hoạt động của cơ quan kiểm toán tối cao thị địa vị pháp lý, quy định về chức năng, nhiệm vụ của từng SAI trong hệ thống pháp luật mỗi nước sẽ tạo ra cơ hội cũng như thách thức đối với hoạt động kiểm toán tối cao nói chung và việc áp dụng các chuẩn mực kiểm toán quốc tế nói riêng. Điểm chung của hầu hết các SAI trên thế giới là sự tôn trọng và tuân thủ Tuyên bố Lima, chính vì thế mà việc tiếp thu một cách có chọn lọc các thông lệ quốc tế là điều cơ bản mà các SAI theo đuổi. Đó chính là mấu chốt thuận lợi để chúng ta triển khai thực hiện các chuẩn mực này.

Còn xét riêng về Luật Kiểm toán nhà nước của từng nước thì tất nhiên sẽ có sự khác biệt. Tôi lấy ví dụ của Tòa thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ (TCA). Điều 35 Luật Kiểm toán Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra các nguyên tắc chung về hoạt động kiểm toán, trong đó “Hoạt động kiểm toán phải phù hợp với các chuẩn mực kiểm toán quốc tế đã được thông qua.” Điều này giúp cho TCA vượt qua được một thách thức lớn mà nhiều SAI phải đối mặt: thiếu cơ sở pháp lý. Với sự tồn tại của một quy định pháp lý được xác định cụ thể về việc tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán quốc tế, TCA có cơ hội để áp dụng ISSAI theo luật định.

Với cơ quan KTNN chúng ta, dù không trực tiếp đề cấp đến việc áp dụng chuẩn mực kiểm toán quốc tế như SAI bạn nhưng theo điều 6, Luật KTNN năm 2015 thì “Chuẩn mực kiểm toán nhà nước là những quy định và hướng dẫn về yêu cầu, nguyên tắc, thủ tục kiểm toán và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán mà Kiểm toán viên nhà nước phải tuân thủ khi tiến hành hoạt động kiểm toán; là cơ sở để kiểm tra, đánh giá chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước.” Có thể nói, đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng mà không phải SAI nào cũng có được để áp dụng bộ CMKTNN vào trong hoạt động kiểm toán.

Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng dù môi trường pháp lý thuận lợi đến đâu mà chúng ta không có nguồn lực đáp ứng được yêu cầu thì tất cả cũng mới chỉ dừng lại ở văn bản pháp quy. Nguồn lực ở đây chính là nhân lực, vật lực và thời gian; trong đó trình độ, năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ kiểm toán viên là yếu tố then chốt. So với nhiều SAI khác thuộc các nước có hoàn cảnh kinh tế xã hội tương đồng với Việt Nam, KTNN chúng ta là một cơ quan còn trẻ, đội ngũ kiểm toán viên có độ tuổi trung bình dưới 40, do đó vấn đề năng lực, trình độ đội ngũ và bề dày kinh nghiệm vẫn còn tương đối hạn chế. Tuy nhiên, việc KTNN tích cực tạo điều kiện cho đội ngũ kiểm toán viên tham gia nhiều chương trình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán với các chuyên gia đến từ các SAI tiên tiến trên thế giới như Hàn Quốc, Úc, Canada, Đức,…cùng các khóa học, các lớp cập nhật kiến thức được tổ chức hàng năm sẽ góp phần củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp cho đội ngũ kiểm toán viên nhà nước.

4. Vậy với hệ thống CMKTNN sắp được ban hành, ông nhìn nhận thế nào về những khó khăn mà chúng ta sẽ gặp phải khi triển khai vận dụng vào thực tiễn hoạt động kiểm toán và những gì chúng ta có thể làm để vượt qua những khó khăn này?

Khó khăn đầu tiên mà chúng ta phải nói đến là thói quen, là tâm lý ngại đổi mới, là chủ nghĩa kinh nghiệm. Cũng phải nói thêm đây không phải là trở ngại mà chúng ta là nước duy nhất gặp phải. Không phải ngẫu nhiên mà tại nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới lại có hẳn một ngành học nghiên cứu về cái gọi là change management - quản trị sự thay đổi. Khi mà công việc hàng ngày đã trở thành thói quen, thành lối mòn thì việc đón nhận một cái mới và thay đổi để phù hợp với nó không phải là chuyện dễ dàng. Đối với một cơ quan kiểm toán tối cao, thay đổi trên cơ sở ISSAI là sự thay đổi toàn diện từ khâu khảo sát, phân tích, lập kế hoạch và tiến hành kiểm toán. Mỗi bước đều có những sự điều chỉnh ít nhiều. Ngay cả khi không có sự thay đổi to lớn và phương pháp kiểm toán hiện tại đã khá phù hợp với ISSAI thì quản trị sự thay đổi vẫn rất quan trọng bởi phản ứng của chính kiểm toán viên. Khi mà họ không nhìn thấy sự cần thiết phải thay đổi thì thái độ đón nhận bộ chuẩn mực mới sẽ không tích cực, đó là điều dễ hiểu.

Thứ hai, như tôi đã nói ở trên, trình độ kiểm toán viên cũng là một rào cản để có thể tiếp cận và triển khai bộ chuẩn mực kiểm toán nhà nước mới. Về cả hai vấn đề này, chúng ta đều giải quyết thông qua một giải pháp. Đó chính là thông qua công tác đào tạo bồi dưỡng.

Lợi thế của KTNN chúng ta là quyết tâm chính trị, sự ủng hộ và tạo điều kiện tuyệt đối của Lãnh đạo KTNN nhằm đưa bộ CMKTNN đi vào thực tế cuộc sống. Để phát huy tối đa lợi thế đó và triển khai áp dụng bộ chuẩn mực kiểm toán mới được toàn diện, chúng ta cần chủ động, khẩn trương xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về bộ CMKTNN một cách bài bản, khoa học. Song song với đó, KTNN cũng cần xây dựng một kế hoạch, lộ trình thực hiện áp dụng CMKTNN một cách rõ ràng, không nôn nóng, chủ quan, không đốt cháy giai đoạn, đồng thời bám sát kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã được Quốc hội phê duyệt. Theo hướng đó, cùng với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn ngành, tôi tin tưởng KTNN chúng ta sẽ phát huy được tối đa giá trị sâu sắc của bộ CMKTNN, qua đó nâng cao chất lượng công tác kiểm toán, gia tăng giá trị và tác động của hoạt động KTNN.

Diệu Thúy (thực hiện)

Xem thêm »