Kiểm soát chất lượng kiểm toán ngân sách địa phương

29/07/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) 2015 quy định, KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Việc kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN các cấp thực hiện trước khi QH, HĐND phê chuẩn quyết toán ngân sách. Vì vậy, chất lượng kiểm toán là yếu tố then chốt quyết định vị thế của cơ quan KTNN Việt Nam trong nỗ lực phấn đấu trở thành một cơ quan kiểm toán tài chính công có uy tín và có trách nhiệm, góp phần mang lại sự phát triển bền vững và sự phồn thịnh của đất nước.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước
Hoàng Hồng Lạc
 

 
Trong những năm qua, KTNN Việt Nam đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán trong tất cả các lĩnh vực. Đối với các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP), việc thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, hạn chế thất thoát, lãng phí, ngăn ngừa tham nhũng, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của việc quản lý sử dụng NSĐP; đồng thời làm cơ sở cho HĐND các cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách. Hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN ngày càng được hoàn thiện, bao gồm 05 cấp độ (Tổng KTNN, Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn, Tổ trưởng và kiểm toán viên), thực hiện kiểm soát đồng bộ ở tất cả các khâu của quá trình kiểm toán. Do đó, công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán đã từng bước đi vào nề nếp và ngày càng có hiệu quả.

Thiếu cơ chế giám sát trực tiếp

Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, công tác kiểm soát chất lượng các cuộc kiểm toán NSĐP còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể: KTNN khu vực là đơn vị trực thuộc KTNN thực hiện kiểm toán đối với NSĐP. Do hoạt động phân tán nên các cuộc kiểm toán NSĐP chủ yếu được kiểm soát thông qua hình thức kiểm soát gián tiếp - giám sát thường xuyên thông qua nhật ký điện tử và tài liệu do các đoàn gửi về cho các Tổ kiểm soát. Việc kiểm soát mới chỉ dừng lại ở Kế hoạch kiểm toán của đoàn kiểm toán, kế hoạch kiểm toán chi tiết và các báo cáo định kỳ.

Việc kiểm soát trực tiếp đối với hoạt động kiểm toán rất hạn chế (khoảng 20% các cuộc kiểm toán) và gặp nhiều khó khăn như: Thiếu cán bộ đủ kinh nghiệm để bao quát các lĩnh vực; các tổ kiểm soát chủ yếu kiểm soát thông qua tài liệu, hồ sơ do các Tổ kiểm toán cung cấp nên việc tiếp cận tài liệu bằng chứng gốc của đơn vị được kiểm toán gặp nhiều khó khăn; sự phối kết hợp của một số kiểm toán viên chưa tốt, cung cấp tài liệu, hồ sơ chậm nên kết quả kiểm toán bị hạn chế. Kiểm soát chất lượng do KTNN khu vực thực hiện, cán bộ kiểm soát nhiều khi là cấp dưới của các Tổ trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán, do đó còn có tình trạng nể nang, hình thức.

Kiểm soát chất lượng các cuộc kiểm toán NSĐP là lĩnh vực khó và phức tạp, cần các cán bộ am hiểu nhiều lĩnh vực và phải có trình độ chuyên môn trong khi nhân sự kiểm soát chất lượng còn thiếu những kiểm toán viên có kinh nghiệm thực tế, chuyên môn còn chưa phù hợp, phương pháp cách làm chưa hợp lý.

KTNN mới xây dựng được cơ chế kiểm tra, giám sát thông qua hồ sơ, tài liệu, chưa xây dựng được cơ chế giám sát trực tiếp tại các đơn vị được kiểm toán.

          
KTNN khu vực IV thực hiện kiểm toán tại đơn vị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Để hạn chế những tồn tại, bất cập, tăng cường kiểm soát các cuộc kiểm toán NSĐP, KTNN cần thực hiện đồng bộ và có hiệu quả một số giải pháp sau: Một là, bộ máy kiểm soát chất lượng kiểm toán cần phải được tăng cường các kiểm toán viên có chuyên môn sâu về tài chính, ngân sách, đặc biệt là NSĐP, tăng cường những kiểm toán viên có kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng khái quát tổng hợp, bảo đảm cơ cấu hợp lý các cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực kiểm toán.

Hai là, thực hiện phân cấp mạnh về kiểm soát chất lượng cho KTNN khu vực, quy định rõ trách nhiệm kiểm soát của Kiểm toán trưởng; nâng cao trách nhiệm kiểm soát của Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và kiểm toán viên đối với sai sót về kết quả kiểm toán, sai sót đối với việc vi phạm quy định trong hoạt động kiểm toán.

Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, quy mô, đa dạng hóa hình thức và phương pháp kiểm soát; tăng cường kiểm soát trực tiếp, bảo đảm kiểm soát đầy đủ hoạt động kiểm toán; giám sát 100% các đoàn kiểm toán thông qua việc ghi chép nhật ký điện tử; thực hiện kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng soát xét tính đầy đủ, thích hợp của các bằng chứng kiểm toán; tăng cường kiểm soát đột xuất đối với các đoàn, các tổ kiểm toán có dấu hiện vi phạm và kết quả thấp.

Bốn là, xây dựng cơ chế giám sát từ phía đơn vị được kiểm toán: Phối hợp với Tỉnh ủy, UBND, HĐND trong việc giám sát, quản lý hoạt động kiểm toán; công khai, minh bạch hoạt động kiểm soát chất lượng để địa phương biết và tham gia phối hợp trong việc giám sát các đoàn kiểm toán; xây dựng đường dây nóng để đơn vị có thể thông tin phản ánh kịp thời các hành vi nhũng nhiễu, vi phạm quy chế kiểm toán của các kiểm toán viên.

Năm là, xây dựng cơ chế bảo đảm cơ sở cho hoạt động giám sát thường xuyên tất cả các đoàn kiểm toán: ghi chép nhật ký kiểm toán, có bổ sung đính kèm các bằng chứng do kiểm toán viên lập để các cấp kiểm soát có thể giám sát và soát xét các phát hiện một cách kỹ lưỡng những vấn đề trọng yếu; quản lý tiến độ; quản lý kết quả kiểm toán sẽ hạn chế được các tiêu cực trong xử lý kết quả kiểm toán.

Sáu là, xây dựng cơ chế bảo đảm minh bạch kết quả kiểm toán: Sửa đổi Kế hoạch kiểm toán chi tiết theo hướng phân kỳ thời gian phân công thực hiện các nội dung; xử lý kết quả kiểm toán của từng cấp phải được hồ sơ hóa; có giải pháp buộc các kiểm toán viên phải ghi trung thực kết quả kiểm toán.

Bảy là, thực hiện các giải pháp đánh giá hiệu quả hoạt động kiểm toán theo từng cấp độ: Thực hiện thống kê đánh giá chất lượng ở mức những kiểm toán viên nhiều ngày liên tục không có kết quả để nhắc nhở, đồng thời làm cơ sở cho đánh giá cán bộ cuối năm; thực hiện tổng hợp, đánh giá hiệu quả hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên theo từng nhiệm vụ, lĩnh vực để xử lý những kiểm toán viên có kết quả phát hiện thấp và tôn vinh những kiểm toán viên có kết quả kiểm toán cao.

Tám là, tăng cường công tác tuyên truyền, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật trong hoạt động kiểm soát chất lượng, nâng cao hơn nữa công tác nhận thức, tạo chuyển biến tích cực cho cán bộ, kiểm toán viên trong từng đơn vị và toàn ngành về tầm quan trọng và trách nhiệm trong công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, xây dựng văn hóa nội bộ về kiểm soát chất lượng kiểm toán; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán, kiện toàn phương pháp và thủ tục kiểm soát bảo đảm hiệu lực và hiệu quả.

Chín là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, trưởng đoàn, tổ trưởng tổ kiểm toán, đặc biệt là bộ phận kiểm soát chất lượng kiểm toán trong những thiếu sót làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán./.


Xem thêm »