Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, chiều 27/7, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát năm 2017 với 473/481 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 95,75% tổng số đại biểu Quốc hội.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát năm 2017
Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2017 xác định, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; Xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV; Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và Giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận Báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; Xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV; Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và Giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016.
Trước đó, ngày 25/7 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017 cùng với dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017, đa số đại biểu Quốc hội đều tán thành với Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017, tập trung vào các nhóm nội dung chính là xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề và hậu giám sát; đồng thời, nhất trí với dự kiến chi tiết các nội dung của chương trình.
Về nội dung chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về lựa chọn chuyên đề giám sát đã nêu trong Tờ trình. Đã có 426 phiếu trên tổng số 494 đại biểu Quốc hội khóa XIV, trong đó có 377 ý kiến (76,3%) tán thành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016; có 248 ý kiến (50,2%) tán thành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016;có 215 ý kiến (43,5%) tán thành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (BOT);có 164ý kiến (33,1%) tán thành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trên cơ sở kết quả xin ý kiến và tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016 và chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016 vào chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017; hai chuyên đề còn lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát và báo cáo kết quả với Quốc hội trong năm 2017.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư trong nước và đầu tư có vốn nước ngoài liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên, môi trường; tổ chức giám sát về ô nhiễm môi trường do Tập đoàn Formosa gây ra tại một số tỉnh khu vực miền Trung; giám sát về tổng thể cải cách hành chính nói chung và hoạt động công vụ của bộ máy công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật nói riêng hay giám sát về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và các Bộ, ngành.
Bên cạnh các vấn đề nêu trên, đại biểu Quốc hội cũng đề xuất nhiều nội dung giám sát khác như: Việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành bộ máy hành chính; đảm bảo an toàn giao thông; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giai đoạn 2011- 2016; bảo vệ và phát triển rừng từ năm 2000 đến nay; chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người nghèo; thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án; việc tuân thủ nguyên tắc “độc lập trong xét xử và bảo đảm tranh tụng nhằm chống oan, sai”…
Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các vấn đề đại biểu Quốc hội đã nêu là xác đáng và phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giao cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách, nghiên cứu đưa vào chương trình giám sát của mình vào thời điểm thích hợp và báo cáo kết quả với Quốc hội. Đối với những chuyên đề lớn, quan trọng, có phạm vi rộng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018 và các năm sau.
Theo http://quochoi.vn