Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ

26/07/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất, sáng 26/7, tại Nhà Quốc hội, với 462/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,52% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội khóa XIV đã nhất trí thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021 sẽ có 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ, cơ bản giữ nguyên như nhiệm kỳ khóa trước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội

 
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ý kiến từ 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về cơ cấu tổ chức của Chính phủ.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị thành lập Bộ Gia đình, Phụ nữ và Trẻ em hoặc Bộ Thanh niên và Trẻ em; thành lập cơ quan quản lý nhà nước về biển đảo gồm kinh tế biển, môi trường, an ninh biển; cơ quan quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp… Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị tách Bộ Tài nguyên và Môi trường thành 2 Bộ; nhập Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Kinh tế tổng hợp; nhập Bộ Giao thông vận tải với Bộ Xây dựng; nhập Bộ Nội vụ vào Ban Tổ chức Trung ương; đổi tên Bộ Công an thành Bộ An ninh, Ngân hàng Nhà nước thành Ngân hàng Quốc gia Việt Nam hoặc Ngân hàng Trung ương...

Thay mặt Chính phủ giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội cơ cấu tổ chức của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cơ cấu của Chính phủ theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và đã được giữ ổn định từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đến nay, phù hơp với xu thế chung của thế giới, phát huy hiệu quả, góp phần cải cách hành chính, thu gọn bộ máy cơ quan nhà nước. Do đó, Chính phủ đề nghị giữ nguyên tên gọi các Bộ như hiện nay vì việc đổi những tên gọi đã được sử dụng thời gian dài, cả trong nước và quốc tế sẽ gây lãng phí và nảy sinh nhiều phức tạp trong hoạt động.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết sẽ khẩn trương ban hành quy chế làm việc của Chính phủ, Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, cơ quan ngang Bộ; bảo đảm thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành địa phương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu...

Cơ bản nhất trí với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo của Chính phủ về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, bằng hệ thống biểu quyết điện tử, đã có 462/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,52% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu không tán thành là 6, bằng 1,21%; không biểu quyết là 1, bằng 0,20%.

                  
Quốc hội thông qua cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021

Như vậy, theo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021 sẽ gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ. 18 Bộ gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.

4 cơ quan ngang Bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ. 

Cũng tại phiên họp sáng nay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét, bầu Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về nội dung này và chính thức tiến hành bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021 vào chiều nay.

(quochoi.vn)

Xem thêm »