Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc: 'Người làm kiểm toán phải giỏi nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức'

19/07/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

“Trách nhiệm Kiểm toán nhà nước không chỉ là qua kiểm toán xử lý tài chính được bao nhiêu tiền, mà quan trọng là kiến nghị thay đổi chính sách, cách làm, giải pháp; phát hiện, cảnh báo những lỗ hổng chính sách, những hậu quả có thể xảy ra để sử dụng nguồn lực công hiệu quả hơn”.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc


PV: Thưa ông, qua gần 3 tháng được Đảng, Nhà nước, Quốc hội giao phó giữ trọng trách Tổng Kiểm toán Nhà nước – vị trí đứng đầu của một lĩnh vực có tính chuyên ngành cao và hẹp, ông cảm nhận công việc mới mẻ này như thế nào?
 
Ông Hồ Đức Phớc: Kiểm toán nhà nước (KTNN) có địa vị pháp lý được hiến định tại Điều 118 trong Hiến pháp 2013 "là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện  kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công". Luật Kiểm toán Nhà nước ban hành năm 2015 là nền tảng hết sức quan trọng để KTNN thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình
     
Có thể nói nghề kiểm toán thuộc chuyên ngành hẹp, đòi hỏi chuyên môn cao, hàm lượng khoa học lớn, quy trình chặt chẽ, kỷ luật nghiêm nhưng đối tượng rộng lớn. Tôi thấy đây là một nghề hết sức cao quý, đòi hỏi người trong nghề phải trung thực, khách quan, bản lĩnh, tận tụy, liêm chính và có chuyên môn cao.
 
Tôi nhận thấy trách nhiệm của mình hết sức lớn lao, nhiệm vụ nặng nề nhưng tôi hiểu nghề, yêu nghề và sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Quốc hội giao phó.
 
PV:  Được biết, ông là người được đào tạo bài bản, chính qui về lĩnh vực tài chính, rồi lại là người trưởng thành và kinh qua nhiều chức vụ từ cấp cơ sở, chính quyền địa phương, từng bước đi lên đến Bí thư Tỉnh ủy. Điều này chắc hẳn sẽ giúp ông vững tin cả trong công tác quản lý lãnh đạo của một ngành đặc biệt, cũng như cả về mặt chuyên môn nghiệp vụ KTNN, thưa ông?
 
Ông Hồ Đức Phớc: Tôi được đào tạo đại học chính quy, ngành Tài chính, thực tế đã làm Kế toán trưởng doanh nghiệp, Ban quản lý các dự án đầu tư 10 năm; rồi gần 4 năm làm Trưởng  phòng Tài chính Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch Thị xã đến Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND Tỉnh, Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy (Nghệ An) trực tiếp điều hành, quản lý tài chính ngân sách, tài sản công. Khoảng thời gian đó đã phần nào cho tôi một số kiến thức, kinh nghiệm; thực tiễn sẽ giúp ích, thuận lợi hơn cho tôi khi đảm nhận trọng trách mới.
 
Tôi cũng sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thêm ở vị trí công tác mới đảm nhận hết sức quan trọng này để hoàn thành nhiệm vụ.  
 
PV: Xã hội vẫn quan niệm “Tân quan tân chính sách”. Ông có thể chia sẻ điều ông mong muốn đối với Kiểm toán Nhà nước trong giai đoạn tới là gì? Điều gì sẽ được coi là mới trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước tới đây?
 
Ông Hồ Đức Phớc: Tôi mong muốn ngành Kiểm toán sẽ lớn mạnh cả về lượng và chất. Thực sự là cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công, có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại. Đối tượng của KTNN sắp tới không chỉ là quản lý sử dụng ngân sách, tài sản Nhà nước mà phải hướng tới các quỹ ngoài ngân sách, nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước, công trình BOT, BT, lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, công nghệ thông tin...
 
Loại hình kiểm toán không chỉ kiểm toán báo cáo tài chính, mà tăng cường kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động và kiểm toán tổng hợp. Thời gian tới phải nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán.
 
Thời gian qua, KTNN đã xây dựng và ban hành hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán, quy chế hoạt động đoàn kiểm toán, quy chế Ban cán sự Đảng, Quy chế làm việc của KTNN; Quy chế bổ nhiệm, đề bạt, miễn nhiệm; Nghị quyết luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái đối với đảng viên, công chức, viên chức KTNN.
Trong tháng 7/2016 này, KTNN sẽ ban hành bộ 39 chuẩn mực kiểm toán phù hợp chuẩn mực quốc tế, quy trình kiểm toán chung và kiểm toán theo loại hình; áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong kiểm toán như phần mềm tính dự toán, quyết toán, bóc tách khối lượng, lập kế hoạch kiểm toán...
 
Trọng tâm của công tác đổi mới là con người, KTNN luôn lấy con người là trung tâm. Vì vậy kiểm toán viên phải giỏi nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức; liêm chính, tận tụy, khách quan, trách nhiệm, trung thực, bản lĩnh. Đồng thời, KTNN sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương; chọn Tổ kiểm toán là hạt nhân để lãnh đạo quản lý, ngày càng nâng cao chất lượng kiểm toán.
 
PV: Có thể thấy rằng, vai trò của KTNN đang ngày càng được người dân và dư luận chú ý quan tâm. Điều đó cũng cho thấy trách nhiệm của KTNN ngày càng nặng nề hơn và áp lực theo đó cũng nhiều hơn. Ông có thể chia sẻ về quan điểm, cũng như phương châm hành động của KTNN trong thực thi nhiệm vụ của mình?
 
Ông Hồ Đức Phớc: Để đất nước ta phát triển và hội nhập, cần phải sử dụng nguồn lực công có hiệu quả. KTNN là công cụ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong việc kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ lãnh đạo điều hành, quản lý sử dụng nguồn lực công một cách hiệu quả nhất.
 
Trách nhiệm KTNN không chỉ là qua kiểm toán xử lý tài chính được bao nhiêu tiền, mà quan trọng là kiến nghị thay đổi chính sách, cách làm, giải pháp; phát hiện, cảnh báo những lỗ hổng chính sách, những hậu quả có thể xảy ra để sử dụng nguồn lực công hiệu quả hơn.
 
Phương châm, hành động của KTNN là nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm toán, giám sát quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công.
 
Giá trị cốt lõi mà KTNN hướng tới là Minh bạch - Chất lượng - Hiệu quả - Không ngừng gia tăng giá trị. Giá trị cốt lõi của cán bộ kiểm toán hướng tới là Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng.
 
Để đạt được điều đó, KTNN đang thực hiện các nội dung kế hoạch cơ bản như: Nâng cao địa vị pháp lý và hiệu lực hoạt động của KTNN; phát triển hệ thống bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ về số lượng, cơ cấu, chất lượng, chuyên nghiệp. Tăng cường năng lực KTNN trong việc áp dụng chuẩn mực Quốc tế, xây dựng kế hoạch kiểm toán, nâng cao chất lượng kiểm soát chất lượng kiểm toán. Tăng cường giá trị và lợi ích trong việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán.
 
Bản thân tôi và tập thể cán bộ công chức KTNN sẽ nỗ lực phấn đấu và tin tưởng chắc chắn KTNN sẽ hoàn thành trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước  và Quốc hội.
 
PV: Xin cám ơn ông!
     
Huy Sáu thực hiện

Xem thêm »