Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc: Sẽ kiểm toán chuyên đề tại các Tập đoàn kinh tế

19/07/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

“Nhìn chung việc đầu tư tại các Tập đoàn kinh tế hiện nay có vấn đề, đây sẽ là một trong những lĩnh vực trọng tâm của Kiểm toán nhà nước (KTNN), sẽ kiểm toán chuyên đề trong phạm vi toàn quốc trong thời gian tới”


                   
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc trao đổi với phóng viên
 
Kiểm toán viên nhà nước phải có “bản lĩnh từ chối”
 
(?) Sau khi Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 được thông qua và chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2016 đã tạo ra những thay đổi gì trong ngành, thưa ông?
 
Thay đổi rõ nhất là phạm vi, đối tượng kiểm toán lớn hơn, mở rộng hơn. Chẳng hạn trước đây Luật KTNN năm 2005 chỉ quy định kiểm toán trong lĩnh vực ngân sách nhà nước và tài sản nhà nước, không được kiểm toán các lĩnh vực khác như quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, đất đai, khoáng sản... Theo Luật KTNN năm 2015 thì được mở rộng là tài chính công, tài sản công.
 
Tài chính công được quy định là ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách…; tài chính công gồm tài sản nhà nước, đất đai, tài nguyên, khoáng sản… Luật KTNN năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Kiểm toán nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán trưởng, Phó Kiểm toán trưởng, Kiểm toán viên nhà nước được quy định cụ thể, đồng thời quy định về trách nhiệm của các đơn vị được kiểm toán và nhiều quy định mới khác.
 
(?) Ông có thể cho biết việc triển khai có gặp vướng mắc gì không?
 
Trong quá trình thực hiện Luật KTNN năm 2015 vẫn còn có những cách hiểu khác nhau. Ví dụ khi KTNN thực hiện kiểm toán một số dự án BOT, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản phản đối, cho rằng trạm BOT năm 2016 là tài sản của tư nhân, do tư nhân đầu tư, chưa bàn giao cho Nhà nước nên không thuộc đối tượng kiểm toán. Muốn thành tài sản nhà nước thì phải chờ hết thời gian hợp đồng BOT của nhà đầu tư bàn giao, lúc đó KTNN mới được kiểm toán công trình và trạm BOT.
 
KTNN phải có công văn giải thích rằng công trình và trạm BOT thuộc tài sản công cộng, do nhà nước quản lý, còn doanh nghiệp được nhà nước hợp đồng ứng vốn đầu tư. Mặt khác phí qua trạm BOT cũng do nhà nước quản lý theo Thông tư 12 của Bộ Tài chính, nên thuộc đối tượng kiểm toán. Năm 2016 KTNN kiểm toán công trình BOT Cổ Chiên – Trà Vinh đã giảm thời gian thu phí 5,5 năm, có lợi cho người dân và địa phương, hàng hóa vận tải qua cầu. Một vấn đề mà chúng tôi cho rằng cần có chế tài xử lý là việc không cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho KTNN và không thực hiện kết luận kiểm toán của KTNN.
 
(?) Ngành KTNN và cá nhân ông có kế hoạch gì để nâng cao vai trò của KTNN và chất lượng kiểm toán, đáp ứng được sự kỳ vọng của Quốc hội và nhân dân?
 
Để nâng cao vai trò của KTNN, đáp ứng được sự kỳ vọng của QH và nhân dân, theo tôi phải nâng cao được chất lượng hoạt động của KTNN. Muốn như vậy chúng tôi phải làm rất nhiều giải pháp, nhiều  việc, nhưng trước tiên là phải nâng cao năng lực, đạo đức, tác phong, số lượng và chất lượng của đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước. Họ phải là những người am hiểu luật pháp, liêm chính, có tư cách đạo đức tốt, giỏi về chuyên môn, thành thạo các kỹ năng như lập kế hoạch kiểm toán, tìm bằng chứng, lập báo cáo kiểm toán, sử dụng công cụ hiện đại phục vụ kiểm toán…, quy trình chuẩn mực của kiểm toán. Bên cạnh đó, phải có kế hoạch kiểm toán sát đúng tình hình thực tế. Muốn vậy, báo cáo kiểm toán phải đánh giá đúng, xác định đúng, kết luận và kiến nghị chính xác.  
 
Để làm được như vậy, trong quá trình kiểm toán phải xác định được vùng rủi ro, xác định được điểm trọng yếu và thu thập được các bằng chứng, đánh giá sâu sắc, toàn diện các vấn đề để đưa ra báo cáo kiểm toán chất lượng, để đơn vị được kiểm toán tâm phục, khẩu phục. Trong kiến nghị phải nêu lên nội dung cốt yếu là xử lý tài chính như thế nào? kiến nghị về kỷ luật cán bộ để xử lý nghiêm minh? kiến nghị để thay đổi chính sách không phù hợp, vi phạm.
 
Tôi cho rằng để KTNN làm tốt được nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó, quan trọng nhất và cần nhất là yếu tố con người, chúng tôi luôn lấy con người làm trung tâm. Nghĩa là, đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước phải là những người có tư cách, tác phong, đạo đức tốt, liêm chính, bản lĩnh, am hiểu luật pháp, giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Trong đó, bản lĩnh cần phải có là “Bản lĩnh từ chối, bản lĩnh dám làm”.  
 
(?) Vì sao đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước cần phải có “bản lĩnh từ chối” thưa ông?
 
Do đặc thù nghề nghiệp, các Kiểm toán viên nhà nước thường đi kiểm toán dài ngày, xa trung tâm, kiểm tra các vấn đề quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản nên động chạm đến lợi ích. Trong thực hiện nhiệm vụ, dễ bị lôi kéo, mua chuộc, dễ bỏ qua hành vi làm sai, bỏ sót kết quả kiểm toán. Chính vì vậy, tôi muốn nói ngoài bản lĩnh vượt qua khó khăn thì bản lĩnh từ chối của Kiểm toán viên nhà nước hết sức quan trọng.
 
Kiểm toán viên nhà nước cần có “Bản lĩnh dám làm”, phải vượt qua được sức ép từ cấp trên, sức ép từ mối quan hệ để không làm lệch lạc kết quả kiểm toán. Để kiểm soát nhằm có kết quả kiểm toán chính xác, không sai lệch. Chúng tôi có nhiều biện pháp riêng về quy trình kiểm soát chất lượng của kiểm toán rất chặt chẽ, quy trình xác minh cũng được làm rất chặt. Lấy ví dụ khi đi xác minh, chúng tôi phải quy định đi hai người trở lên, quy định ghi nhật ký kiểm toán online hàng giờ, hàng ngày để biết được kiểm toán viên ngày đó làm gì, kết quả như thế nào.
 
Đầu tư tại các tập đoàn kinh tế “có vấn đề”
 
(?) Ông có thể cho biết những nhiệm vụ, lĩnh vực trọng tâm tới đây KTNN sẽ tập trung thực hiện?
 
Năm nay chúng tôi có 182 cuộc kiểm toán với 219 Đoàn, trong đó 83 Đoàn đã kết thúc và 35 Đoàn đã hoàn thành báo cáo kiểm toán. Kết quả tổng hợp 35 Đoàn kiểm toán đã xử lý tài chính trên 4.500 tỷ đồng, riêng năm 2015 xử lý tài chính được 19.000 tỷ đồng của hơn 200 Đoàn KT. Trong 6 tháng cuối năm 2016, chúng tôi tiếp tục thực hiện hoàn thành các kế hoạch được Quốc hội phê duyệt.
 
Sang năm 2017, trong kế hoạch kiểm toán, chúng tôi sẽ tập trung tăng kiểm toán chuyên đề như: Quản lý sử dụng đất đai, khoáng sản, các dự án BT, BOT, các chuyên đề về môi trường.
 
Chúng tôi sẽ tập trung kiểm toán các Tập đoàn của nhà nước, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu và đầu tư các dự án của các Tập đoàn kinh tế. Vì vừa qua có những dự án đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả thấp, chẳng hạn như Đạm Ninh Bình, đi vào sản xuất ba năm mà từ 1.000 công nhân xuống chỉ còn 300 công nhân, lỗ lũy kế lên tới 2.400 tỷ. Một số dự án xăng sinh học, dự án thép…
 
Trọng tâm thứ hai sẽ được kiểm toán là về quản lý, sử tài sản công, sẽ làm từ Trung ương xuống địa phương. Lĩnh vực này đang tồn tại nhiều vấn đề, như sử dụng xe công, mua sắm máy móc, thiết bị như thiết bị y tế không sử dụng được, gây lãng phí rất nhiều. Rồi trọng tâm thứ 3 theo thứ tự ưu tiên là lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường. Vấn đề cấp phép sử dụng khoáng sản, đặc biệt với khoáng sản thô, cần phải chấn chỉnh, đất đai ở đô thị, đất nhà nước sau khi cổ phần hóa, chuyển sang tư nhân có thực hiện đúng không?.
 
Còn đối với các dự án BOT thì sao thưa ông?
 
Với BOT chúng tôi đã lập kế hoạch kiểm toán 13 trạm, nhưng chưa kịp ra quyết định KT thì thanh tra Bộ KH&ĐT đã ra quyết định thanh tra trước nên chưa kiểm toán được. Hiện chúng tôi mới làm được 6 trạm thu phí BOT, trong đó đã hoàn thành một trạm ở Cổ Chiên, Trà Vinh, còn các trạm kia hiện đang làm, nhưng rất khó vì phải chờ Bộ KH&ĐT làm xong chúng tôi mới làm lại, để chứng minh xem họ có làm đúng hay không.
 
Cảm ơn ông.
 
Luân Dũng thực (hiện)

“Do đặc thù nghề nghiệp, các Kiểm toán viên nhà nước thường đi kiểm toán dài ngày, xa trung tâm, kiểm tra các vấn đề quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản nên động chạm đến lợi ích. Trong thực hiện nhiệm vụ, dễ bị lôi kéo, mua chuộc, dễ bỏ qua hành vi làm sai, bỏ sót kết quả kiểm toán. Chính vì vậy, tôi muốn nói ngoài bản lĩnh vượt qua khó khăn thì bản lĩnh từ chối của Kiểm toán viên nhà nước hết sức quan trọng” - Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc. 











Xem thêm »