Ban cán sự đảng KTNN tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng

15/07/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 15/7/2016, Ban cán sự đảng KTNN đã ban hành Kế hoạch số 39-KH/BCSĐthực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trịvề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Theo đó, nhằm cụ thể hóa một số quy định của Trung ương về cơ chế, pháp luật trong công tác phòng, chống tham nhũng theo Kế hoạch số 19-KH/BCĐTW, ngày 10/5/2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, Ban cán sự đảng KTNN đã phân công:

1. Cấp ủy các đảng bộ, chi bộ, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc

Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc Chỉ thị 50 đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; về vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Kiểm toán nhà nước.

Quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/BCS ngày 14/10/2015 của Ban cán sự Đảng Kiểm toán nhà nước về “Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần III của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Kiểm toán nhà nước”; Nghị quyết số 65/NQ-ĐU ngày 08/4/2016 của Đảng ủy Kiểm toán nhà nước ban hành Đề án “Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước”; Chỉ thị số 769/CT-KTNN ngày 29/4/2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; Chỉ thị số 873/CT-KTNN ngày 27/5/2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán.

Phát huy vai trò người đứng đầu, chịu trách nhiệm toàn diện trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý, đặc biệt là việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử trong hoạt động kiểm toán.
Xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm, người đứng đầu đơn vị, các Trưởng Đoàn, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán nếu xảy ra sai phạm hoặc cấp dưới để xảy ra sai phạm trong phạm vi trách nhiệm quản lý được giao. Trường hợp không phải do đơn vị, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán tự phát hiện thì phải chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán nhà nước và trước pháp luật.

 Trong quá trình kiểm toán, khi phát hiện các vụ việc, hành vi có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng, Trưởng Đoàn kiểm toán phải kịp thời báo cáo thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán để đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Ủy ban kiểm tra, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định; trường hợp cố tình che dấu thì phải chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán nhà nước và trước pháp luật.

Sau mỗi đợt kiểm toán, Kiểm toán trưởng báo cáo, tổng hợp công tác tình hình kiểm toán những vấn đề nổi trội cần lưu ý liên quan đến tham nhũng hoặc nguy cơ tham nhũng cho Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày xét duyệt xong báo cáo kiểm toán cuối cùng của đợt.

2. Vụ Tổng hợp tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu giúp Tổng Kiểm toán nhà nước điều hành hoạt động kiểm toán của ngành, đặc biệt là công tác Kế hoạch kiểm toán năm, thẩm định Kế hoạch kiểm toán, Báo cáo kiểm toán và trả lời kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán; đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng thông qua kết quả kiểm toán.

3. Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán đẩy mạnh công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán; tham mưu giúp Tổng kiểm toán nhà nước hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kiểm toán phù hợp với thực tiến hoạt động kiểm toán của ngành và thông lệ quốc tế; sớm hoàn thành việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống Hồ sơ, mẫu biểu và quy trình kiểm toán phù hợp với Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, thực tiễn kiểm toán và đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả.

4. Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ gắn với hoạt động kiểm toán, phù hợp với từng nhóm đối tượng đào tạo nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ công chức, kiểm toán viên; đồng thời đào tạo, trang bị cho Kiểm toán viên kiến thức chuyên sâu về pháp luật hình sự, kỹ năng nghiệp vụ điều tra, phát hiện hành vi tham nhũng.

5. Vụ Pháp chế tham mưu Tổng kiểm toán nhà nước tổ chức xây dựng, ban hành kịp thời các quy định, quy trình, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.

6. Thanh tra Kiểm toán nhà nước phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Kiểm toán nhà nước tăng cường công tác thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất công chức, công vụ, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời phát hiện, kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm và xử lý nghiêm đối với vi phạm theo đúng quy định.

Kế hoạch cũng nêu rõ cấp ủy các đảng bộ, chi bộ, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước căn cứ Kế hoạch của Ban cán sự đảng tổ chức xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trong đó phải xác định rõ công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Ban Cán sự đảng giao Văn phòng Đảng - Đoàn thể kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch với Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước./.

Văn phòng Đảng - Đoàn thể

Xem thêm »