(kiemtoann.gov.vn) – Ngày 24/6/2016, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã có buổi làm việc với Vụ Pháp chế, nhằm trao đổi về kết quả thực hiện nhiệm vụ, thuận lợi, khó khăn vướng mắc của Vụ trong thời gian qua và các kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới. Dự buổi làm việc có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Cao Tấn Khổng, đại diện lãnh đạo một số đơn vị tham mưu và và toàn thể cán bộ, công chức của Vụ.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc kết luận
Thay mặt cho Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Pháp Chế Lê Huy Trọng đã báo cáo tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế.
Vụ trưởng Vụ Pháp Chế Lê Huy Trọng báo cáo tại buổi làm việc
Trong công tác xây dựng pháp luật, Vụ đã tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước bổ sung địa vị pháp lý của Kiểm toán nhà nước trong Hiến pháp. Ngày 28/11/2013, Quốc hội khoá XIII thông qua Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, lần đầu tiên chế định KTNN và Tổng Kiểm toán nhà nước được quy định trong Hiến pháp, đánh dấu bước phát triển mới của KTNN và sự ghi nhận, kỳ vọng của của Đảng và nhà nước đối với KTNN.
Vụ pháp chế đã tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước xây dựng dự thảo Luật KTNN (sửa đổi), lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Ngành, trình Quốc hội. Ngày 24/6/2015, Quốc hội đã thông qua Luật KTNN (sửa đổi), cụ thể hóa những quy định về KTNN trong Hiến pháp năm 2013, khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật KTNN năm 2005, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của KTNN.
Hàng năm Vụ pháp chế đã tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Chương trình xây dựng văn bản của KTNN để phân công đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và thời gian trình ký ban hành văn bản; theo dõi, đôn đốc các đơn vị tổ chức soạn thảo văn bản theo Chương trình đã được ban hành. Công tác xây dựng văn bản năm 2016 và năm 2017 của KTNN được gắn với Kế hoạch triển khai thi hành Luật KTNN (sửa đổi).
Trong những năm qua, mỗi năm Vụ Pháp chế cũng đã tham gia góp ý xây dựng hơn 100 lượt văn bản của các đơn vị trong và ngoài ngành gửi lấy ý kiến. Trong 5 tháng đầu năm 2016 Vụ tham gia góp ý đối với 74 lượt dự thảo văn bản đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Vụ trưởng Lê Huy Trọng cũng cho biết, cùng với công tác xây dựng pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã đi vào nề nếp và chất lượng ngày càng nâng cao. Hàng năm, Vụ Pháp chế đều tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật của KTNN; đặc biệt, ngay khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013 và Luật KTNN (sửa đổi) năm 2015. Vụ Pháp chế đã tham mưu cho lãnh đạo KTNN tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền Hiến pháp 2013 và 23 hội nghị tuyên truyền Luật KTNN (sửa đổi) cho toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong Ngành; đăng tải nhiều tin, bài tuyên truyền về Luật KTNN trên Báo Kiểm toán, Trang thông tin điện tử của KTNN và các phương tiện thông tin đại chúng.
Được giao nhiệm vụ thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán trước khi trình lãnh đạo KTNN xét duyệt, mỗi năm Vụ Pháp chế thẩm định tính pháp lý đối với hơn 200 dự thảo báo cáo kiểm toán. Thông qua công tác thẩm định về tính pháp lý của các kết luận, kiến nghị trong dự thảo báo cáo kiểm toán góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, tính khả thi của kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Trong 5 tháng đầu năm 2016,Vụ đã thẩm định 48 dự thảo Báo cáo kiểm toán, đảm bảo tiến độ theo quy định…
Trình bày về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng một số văn bản trong thời gian qua của Vụ là do quy phạm pháp luật lần đầu tiên được xây dựng, có nội dung phức tạp và tài liệu tham khảo hạn chế. Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành gửi lấy ý kiến nhiều, thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong khi nhân lực và thời gian cho công tác nghiên cứu, tham gia ý kiến chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng ý kiến tham gia của KTNN. Một số Dự thảo Báo cáo kiểm toán gửi cho Vụ Pháp chế muộn so với lịch đăng ký xét duyệt, nên không đảm bảo thời gian thẩm định và trình báo cáo thẩm định cho lãnh đạo KTNN. Tổ chức bộ máy của Vụ tuy đã từng bước được kiện toàn, nhưng số lượng công chức còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế được ciao.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác, Vụ Pháp chế đề xuất một số kiến nghị: Bổ sung nhân sự cho Vụ theo chỉ tiêu biên chế được giao, đồng thời tổ chức rà soát, thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo quy định; Tạo điều kiện cho công chức Vụ Pháp chế tham gia các Đoàn kiểm toán để nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn kiểm toán, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao; Lãnh đạo KTNN quan tâm chỉ đạo các đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản theo đúng chương trình xây dựng văn bản đã được ban hàng…
Các đại biểu dự họp đã chia sẻ về những kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của Vụ Pháp chế; đồng thời tập trung thảo luận về các giải pháp tháo gỡ để triển khai nhiệm vụ của Vụ Pháp chế trong thời gian tới.
Phó Tổng Kiểm toán Cao Tấn Khổng phát biểu
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán Cao Tấn Khổng chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Vụ Pháp chế trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngày càng hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của Vụ Pháp chế, cần có sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của tất cả các đơn vị trong Ngành.
Kết luận cuộc họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc biểu dương những kết quả đã đạt được trong thời gian qua của Vụ Pháp chế, nổi bật là việc tham mưu thành công việc bổ sung địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán nhà nước trong Hiến pháp sửa đổi 2013 và thông qua Luật KTNN (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý và nền tảng cho sự phát triển của KTNN. Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu Vụ Pháp chế tiếp thu các ý kiến góp ý, thảo luận trong buổi làm việc để đưa vào các nhiệm vụ và các giải pháp triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu Vụ Pháp chế xây dựng vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ của Vụ, đề xuất hoàn thiện Bộ máy tổ chức, nhân sự của Vụ; Tập trung nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật của các lĩnh vực môi trường, tài nguyên, khoáng sản, đất đai… để hướng dẫn cho kiểm toán viên trong hoạt động kiểm toán, đồng thời nghiên cứu, tham gia xây dựng quy trình kiểm toán cho các lĩnh vực này; Tăng cường đôn đốc, chủ động phối hợp với các đơn vị hoàn thành việc xây dựng hệ thống VBQPPL liên quan tới hoạt động của KTNN; Tuyên truyền pháp luật đa dạng, sâu sắc và hiệu quả, góp phần nâng cao hình ảnh của Ngành; Chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi các Văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới hoạt động của Ngành; Nghiên cứu kỹ các vấn đề của Luật KTNN (sửa đổi) để tham mưu trong việc triển khai thực hiện./.
Ngọc Bích