Lễ khởi động Chương trình Hiện đại hóa tài chính công (EU-PFMO) – Hỗ trợ tăng cường năng lực cho KTNN Việt Nam

24/06/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng ngày 24/6/2016, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc; ông Bruno Angelet - Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; bà Beatrice Maser Mallor - Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam; ông Stéphane Gil - Giám đốc Expertise France Châu Á đã đồng chủ trì Lễ Khởi động Dự án Chương trình Hiện đại hóa Tài chính công (EU-PFMO) – Hỗ trợ tăng cường năng lực cho Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam do Liên minh Châu Âu (EU) và Cục hợp tác kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ.

Đại sứ EU Bruno Angelet và ông Stéphane Gil - Giám đốc Expertise France Châu Á ký Hợp đồng Dự án


Cùng tham dự Lễ Khởi động có GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; ông Vũ Hải Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; đại diện các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Công an; Kiểm toán nhà nước; Đại sứ quán Hungary, Ireland, Ý, Hà Lan, Ba Lan, Canada và các đối tác, các nhà tài trợ quốc tế…
 
Phát biểu khai mạc, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, trải qua 22 năm hoạt động, với tư cách là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm toán tài chính, tài sản công của nhà nước, do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong việc nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ về quản lý tài chính, tài sản công, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện cải cách tài chính công, hội nhập quốc tế, công khai minh bạch và đẩy mạnh cải cách hành chính.

         
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu khai mạc

Cùng với tiến trình hội nhập của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của các Cơ quan Kiểm toán tối cao trên thế giới, KTNN Việt Nam đã xây dựng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt vào tháng 4/2010. Với mục tiêu xác định giá trị cốt lõi để phát triển KTNN là “Minh bạch – Chất lượng – Hiệu quả và không ngừng gia tăng giá trị”, nhiệm vụ của KTNN không chỉ dừng lại ở mức độ làm minh bạch, lành mạnh các thông tin về tài chính nhà nước; về kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công, mà quan trọng hơn là phải đánh giá được tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực công.

Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá, Dự án EU-PFMO – Hỗ trợ tăng cường năng lực cho KTNN Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quan hệ hợp tác phát triển giữa EU và Việt Nam. Việc hỗ trợ KTNN Việt Nam nâng cao trách nhiệm giải trình, báo cáo, tính minh bạch và vai trò giám sát hoạt động quản lý tài chính công của Dự án là phù hợp với Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN Việt Nam đến năm 2020.

         
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên trình bày "Định hướng phát triển và các ưu tiên hợp tác quốc tế của KTNN trong thời gian tới"
 
“Để Dự án đạt được kết quả, KTNN Việt Nam và các Bên liên quan cần xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, nhanh chóng thiết lập bộ máy quản lý đủ năng lực và tuân thủ pháp luật, tìm kiếm và lựa chọn chuyên gia tư vấn đáp ứng yêu cầu của KTNN Việt Nam đặt ra… Đặc biệt cần có sự hợp tác chặt chẽ, chia sẻ và trao đổi thông tin thường xuyên giữa các Bên trong suốt quá trình triển khai các hoạt động của Dự án. KTNN Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình để Dự án đạt hiệu quả cao nhất” – Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định.

         
Các đại biểu tham dự Lễ Khởi động chụp ảnh lưu niệm
 
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Stephane Gil - Giám đốc Cơ quan hợp tác Kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) châu Á, Cơ quan chủ trì thực  hiện Dự án cho hay, Dự án Tăng cường năng lực cho KTNN Việt Nam là một trong hai dự án hợp phần của Chương trình EU-PFMO tại Việt Nam, được thực hiện từ tháng 6/2016 tới tháng 12/2019, với tổng kinh phí là 3,9 triệu Euro. Dự án sẽ góp phần nâng cao vai trò quản lý, giám sát tài chính công tại Việt Nam thông qua tăng cường năng lực tổ chức và hoạt động của KTNN. Các đơn vị sẽ hỗ trợ KTNN Việt Nam nâng cao trách nhiệm giải trình, lập báo cáo, nâng cao tính minh bạch và vai trò giám sát hoạt động quản lý tài chính công./.

Ngọc Bích
 
Với mục tiêu cải thiện trách nhiệm giải trình, lập báo cáo, tính minh bạch và công tác giám sát hoạt động quản lý tài chính công, góp phần cải thiện hoạt động quản lý và giám sát tài chính công tại Việt Nam, Dự án Tăng cường năng lực cho KTNN Việt Nam sẽ tập trung hỗ trợ hai trụ cột trong Chiến lược phát triển KTNN Việt Nam đến năm 2020 gồm:
 

Trụ cột thứ nhất: Phát triển nguồn nhân lực của KTNN Việt Nam phù hợp với Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020;

Trụ cột thứ hai: Thúc đẩy công tác lập kế hoạch kiểm toán chiến lược, hiện đại hóa phương pháp kiểm toán và quản lý hoạt động kiểm toán phù hợp với chuẩn mực INTOSAI, thông lệ quốc tế và phù hợp với Kế hoạch hành động của KTNN Việt Nam.
 
Dự án sẽ hỗ trợ trực tiếp cho KTNN Việt Nam thực hiện 02 trụ cột cụ thể trong Kế hoạch hành động thông qua hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp tăng cường công tác xây dựng chính sách và đảm bảo năng lực thực hiện nhiệm vụ.
 
Dự án sẽ mang lại những kỹ năng, kiến thức thực tế cần thiết cho việc xây dựng nguồn nhân lực và tăng cường năng lực kiểm toán phù hợp với các chuẩn mực của INTOSAI, các thông lệ tốt của thế giới và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 của KTNN Việt Nam. Hình thức tổ chức bao gồm: Đào tạo, hội thảo, học tập thực tế, kiểm toán chung thí điểm…

Xem thêm »