Tổng Kiểm toán nhà nước làm việc với Thanh tra KTNN: Thanh tra phải là cánh tay của Lãnh đạo KTNN trong việc xây dựng kỷ luật, kỷ cương của Ngành

20/05/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều ngày 19/5/2016, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước - 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã chủ trì buổi làm việc với Thanh tra KTNN, nhằm nghe về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và những khó khăn, vướng mắc, tồn tại của Thanh tra KTNN.
 

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo

 
Tham dự có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên; đại diện lãnh đạo các Vụ: Tổ chức - cán bộ, Tổng hợp, Pháp chế, Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Văn phòng KTNN, Hợp tác Quốc tế; Lãnh đạo và các Trưởng, Phó phòng của Thanh tra KTNN.

Chánh Thanh tra KTNN Hoàng Văn Chương đã báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tổ chức, nhân sự; công tác thanh tra, kiểm tra; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; xây dựng văn bản về thanh tra; các công việc dự kiến thực hiện trong thời gian tới; vướng mắc, tồn tại và kiến nghị của Thanh tra KTNN với Tổng Kiểm toán nhà nước.

Theo Chánh Thanh tra Hoàng Văn Chương, Thanh tra KTNN mới được thành lập được 3 năm nhưng đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định 217/QĐ-KTNN (25/3/2013) của Tổng Kiểm toán nhà nước. Theo đó, năm 2015, Thanh tra KTNN đã thực hiện 14 cuộc thanh tra theo kế hoạch, năm 2016 đang triển khai thanh tra hoạt động kiểm toán tại KTNN chuyên ngành V, khu vực XII và thanh tra trách nhiệm người đứng đầu tại KTNN khu vực X. Nhìn chung công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm được thực hiện theo đúng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của KTNN; đảm bảo tiến độ, thời gian, nội dung theo kế hoạch được phê duyệt. Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, năm 2015, Thanh tra KTNN đã tiếp nhận, xử lý 86 đơn khiếu nại, tố cáo, 4 tháng đầu năm 2016 tiếp nhận 15 đơn tố cáo, đề nghị.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra KTNN đã phối hợp với Vụ Tổng hợp và cung cấp số liệu xây dựng báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, lãng phí của KTNN; Cung cấp số liệu để xây dựng báo cáo phòng, chống tham nhũng định kỳ hàng quý và báo cáo chuyên đề theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ; Tham gia Đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Tham gia Ban Chỉ đạo công tác tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo Trung ương; Tham gia Tổ soạn thảo Chỉ thị 50-CT/BCT của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng; Tham gia Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng của Chính phủ.

Trong công tác xây dựng văn bản về thanh tra, thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quản lý điều hành của KTNN, trong quý I/2016, Thanh tra KTNN đã hoàn thành xây dựng và trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành: Quy trình thanh tra của KTNN theo Quyết định số 31/QĐ-KTNN ngày 20/1/2016; Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn thanh tra KTNN theo Quyết định số 158/QĐ-KTNN ngày 16/2/2016; Quy trình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của KTNN theo Quyết định số 158/QĐ-KTNN ngày 17/2/2016.

Báo cáo về khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong hoạt động của Thanh tra KTNN, Chánh Thanh tra cho rằng đó là hành lang pháp lý cho hoạt động của đơn vị, vì hiện hoạt động của Thanh tra KTNN chủ yếu dựa vào Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, nên trong quan điểm chỉ đạo cũng như tổ chức thực hiện công tác thanh tra còn có những tồn tại, bất cập nhất định.

Bên cạnh đó, một số chức năng, thẩm quyền của Thanh tra KTNN với vị trí của cơ quan thanh tra cấp Bộ theo quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ như chức năng thanh tra hành chính không được quy định, nhưng nhiệm vụ lại quy định "Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trực thuộc KTNN trong hoạt động kiểm toán; Thanh tra các việc có liên quan đến trách nhiệm quản lý của đơn vị và người đứng đầu đơn vị thuộc phạm vi của Tổng Kiểm toán nhà nước" thuộc chức năng của thanh tra hành chính. Mặt khác, thẩm quyền ký quyết định, kết luận thanh tra hiện chưa được quy định rõ ràng, không có con dấu để thực hiện nhiệm vụ theo quy định, dẫn đến hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra không cao.

Cũng theo Chánh Thanh tra KTNN, đội ngũ công chức làm công tác thanh tra của KTNN chưa có nhiều kinh nghiệm, hiện đang trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng kết hợp giữa cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra và đào tạo tại chỗ về kỹ năng thanh tra hoạt động kiểm toán, nên việc thực hiện nghiệp vụ thanh tra chuyên sâu theo lĩnh vực còn hạn chế.

Chánh Thanh tra KTNN kiến nghị Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét: Hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra KTNN theo đúng quy định về thanh tra cấp Bộ, cấp con dấu để tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của Luật Thanh tra và quy định của Chính phủ; Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, bổ sung lãnh đạo cấp phòng còn thiếu, điều động và luân chuyển một số công chức có kinh nghiệm về thanh tra và kiểm toán về Thanh tra KTNN nhằm tăng cường năng lực cho đơn vị.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo và các Trưởng phòng nghiệp vụ của Thanh tra KTNN; đại diện lãnh đạo các Vụ tham mưu đã có nhiều ý kiến đóng góp vào hoạt động của Thanh tra KTNN, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi công vụ của đơn vị.

Phát biểu làm rõ hơn một số nội dung báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước do Chánh Thanh tra KTNN trình bày và thảo luận của các đại biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên chỉ rõ, Thanh tra KTNN cần phải xác định rõ ranh giới, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, trọng tâm công việc của Thanh tra KTNN trong thời gian tới. “Thanh tra KTNN cần tập trung thanh tra chức trách nhiệm vụ của các đơn vị thuộc KTNN, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật của Ngành” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận buổi làm việc sau khi nghe 13 ý kiến của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, các Vụ tham mưu và Thanh tra KTNN; ghi nhận những kết quả Thanh tra KTNN đã làm được trong 3 năm qua, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nói: Thanh tra là nghề đặc biệt và cần có tố chất đặc biệt. Làm sao để Thanh tra KTNN trở thành cánh tay của Lãnh đạo KTNN trong việc xây dựng kỷ luật, kỷ cương của Ngành – nền tảng để KTNN phát triển vững mạnh.

Tổng Kiểm toán nhà nước đã đưa ra 7 nhận xét: Phải xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra KTNN; Hiện nhiệm vụ của Thanh tra KTNN đang trùng lắp với nhiệm vụ của Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán; Thanh tra KTNN chưa tổ chức được các cuộc thanh tra đột xuất; Chưa đi sâu thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế, đạo đức, tác phong của công chức, người lao động KTNN; Cần xác định lại và chuyển công việc thanh tra sang các đầu mối kiểm toán; Công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng của Thanh tra KTNN chưa mạnh; Nhận thức trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra KTNN còn chưa thống nhất và khác nhau.

Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu trong thời gian tới Thanh tra KTNN cần thực hiện tốt các cuộc thanh tra đã được duyệt trong năm 2016, trong kết luận và xử lý sai phạm tập trung trọng tâm vào yếu tố con người, trường họp có dấu hiệu sai phạm phải tổ chức thanh tra trọng tâm; Phối hợp với Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Tổng hợp để nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, tránh trùng lắp, chọn phương pháp thanh tra, kiểm tra. “Thanh tra KTNN cần tổ chức thanh tra đột xuất, tập trung vào việc thực hiện quy chế, tác phong, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên. Chú trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Kiện toàn lại đội ngũ thanh tra viên đủ trình độ, năng lực để hoàn thành tốt công việc” – Tổng Kiểm toán nhà nước nói.

Tổng Kiểm toán nhà nước giao Vụ Tổ chức cán bộ rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra KTNN để điều chỉnh, hoàn thiện lại bộ máy đơn vị cho phù hợp; giao Văn phòng KTNN tạo mọi điều kiện về phương tiện, chỗ ở và tài chính để Thanh tra KTNN độc lập khi thực thi công vụ./.

Khánh Vy

Xem thêm »