Ủy ban thường vụ Quốc hội họp phiên 47

26/04/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 25/4/2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 47 tại Nhà Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp. Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc tham dự phiên họp. Phiên họp diễn ra trong 02 ngày 25 và 26/4/2016.
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp

 
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, tại phiên họp thứ 47 này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về: Ban hành Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân; Trang phục và Chứng minh thư của Thẩm phán Tòa án nhân dân; Chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Tòa án; Bổ sung tạm thời về biên chế, số lượng Thẩm phán Cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp; Phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và việc nhập chia điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; Nghị quyết về phân loại đô thị.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc: Chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV; Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2019 tại một số nước.

Trong phiên làm việc sáng 25/4/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.

Về mức hoạt động phí đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận phương án 1 của Chính phủ trình: Giữ mức hoạt động phí hiện hành tại Nghị quyếtsố 753/2005/NQ-UBTVQH11 gồm 3 mức: 0,3 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp huyện, 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu những vấn đề liên quan trong đề án tổng thể cải cách tiền lương nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, bảo đảm hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định mức tiền công lao động đối với đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách nhưng không khống chế thời gian tối đa mà tính theo thực tế hoạt động; mức phí giữ nguyên như mức hiện hành, dự kiến xem xét lại vào năm 2017. “Đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu nghiêm túc ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện thêm văn bản trước khi xin ý kiến bằng văn bản và trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân. Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về các nội dung: về trang phục và Chứng minh thư của Thẩm phán Tòa án nhân dân; về chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Tòa án nhân dân theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; về bổ sung tạm thời về biên chế, số lượng Thẩm phán Cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp.

Trang phục của Thẩm phán khi xét xử phải thể hiện được sự uy nghiêm, trang trọng cũng như cần tính đến yếu tố hội nhập quốc tế. Hiện nay, Thẩm phán sử dụng trang phục làm việc để tiến hành xét xử là chưa thể hiện được tính đặc trưng, khác biệt với trang phục của nhân viên các cơ quan, tổ chức và của người khác. Tuy nhiên, mẫu mã, mầu sắc cụ thể của áo choàng xét xử của Thẩm phán do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mà không giao cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định./.

Khánh Vy

Xem thêm »