(kiemtoann.gov.vn) – Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tài chính công, tài sản công mà Đảng và Nhà nước đã giao phó, mới đây Đảng ủy Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã ra nghị quyết ban hành Đề án “Lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát hoạt động kiểm toán”.
Đề án được ban hành với mục tiêu lãnh đạo đổi mới công tác kiểm soát hoạt động kiểm toán theo hướng phân cấp rõ ràng nhiệm vụ kiểm soát; thực hiện kiểm soát toàn diện tất cả các cuộc kiểm toán; tăng cường trách nhiệm của kiểm toán trưởng, trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán trong kiểm soát hoạt động kiểm toán. Nhằm đạt mục tiêu hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhân sự, bộ máy và tổ chức hoạt động kiểm soát hoạt động kiểm toán để nâng cao chất lượng kiểm soát hoạt động của KTNN; đảm bảo cho các công chức, kiểm toán viên, các cấp quản lý, các đơn vị trực thuộc KTNN tuân thủ pháp luật và các quy định của nhà nước, quy định của KTNN khi thực hiện kiểm toán; đảm bảo chất lượng báo cáo kiểm toán do KTNN phát hành; kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán dựa trên bằng chứng kiểm toán xác đáng, khách quan, trung thực.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Đề án đã đưa ra 05 hoạt động cần hoàn thành:
Hoạt động 1 - Lãnh đạo rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách kiểm soát hoạt động kiểm toán, trọng tâm là:
Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trước 31/3/2016: Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước; Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn KTNN; Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán;
Ban hành trước 30/6/2016: Hệ thống chuẩn mực kiểm toán theo hướng tuân thủ ISSAI và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; Quy định phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán cho KTNN chuyên ngành, khu vực và xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm trong quản lý hoạt động kiểm toán của từng cấp quản lý;
Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trước 31/12/2017: Quy trình kiểm toán, các hướng dẫn kiểm toán theo hướng tuân thủ Luật KTNN (sửa đổi) năm 2015, phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với hệ thống chuẩn mực kiểm toán theo hướng tuân thủ ISSAI và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; Hệ thống hồ sơ mẫu biểu kiểm toán đặc biệt là hồ sơ mẫu biểu liên quan đến tổ kiểm toán, kiểm toán viên để bảo đảm minh bạch hoạt động của tổ kiểm toán và kiểm toán viên theo định hướng tuân thủ Luật KTNN (sửa đổi) năm 2015, phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với hệ thống chuẩn mực kiểm toán theo hướng tuân thủ ISSAI và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam;
Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện danh mục hồ sơ kiểm toán; chế độ nộp lưu, bảo quản, khai thác và tiêu hủy hồ sơ kiểm toán cho phù hợp với các quy định của KTNN (Luật KTNN sửa đổi, bổ sung; hệ thống hồ sơ, mẫu biểu bổ sung, quy trình kiểm toán của KTNN ...) và phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán.
Hoạt động 2 - Lãnh đạo kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện kiểm soát hoạt động kiểm toán, trọng tâm là:
Sửa đổi những bất cập về quy định chức năng nhiệm vụ và bố trí đủ nhân sự để kiểm soát hoạt động kiểm toán của Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán; Vụ Tổng hợp; phòng Tổng hợp của KTNN chuyên ngành, khu vực;
Có cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp cho công chức, kiểm toán viên làm công tác kiểm soát hoạt động kiểm toán như chính sách đãi ngộ về lương thưởng, thăng tiến nghề nghiệp, cơ chế luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác;
Sửa đổi, hoàn thiện các quy định để bảo đảm hiệu quả kiểm soát hoạt động kiểm toán của hội đồng kiểm toán của KTNN chuyên ngành, khu vực và của KTNN; tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán của các KTNN chuyên ngành, khu vực.
Hoạt động 3 - Lãnh đạo việc xây dựng và tuyên truyền văn hóa về kiểm soát hoạt động kiểm toán để thay đổi căn bản nhận thức của công chức kiểm toán viên và các cấp quản lý về yêu cầu bắt buộc phải kiểm soát hoạt động kiểm toán.
Hoạt động 4 - Lãnh đạo việc đào tạo bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, kiểm toán viên, trọng tâm là:
Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo và đào tạo lại cho các ngạch kiểm toán viên về kiểm toán tuân thủ, kiểm toán tài chính và kiểm toán hoạt động để tự kiểm soát và kiểm soát hoạt động kiểm toán;
Xây dựng và triển khai tập huấn bồi dưỡng hàng năm cho đội ngũ công chức, kiểm toán viên thực hiện công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán.
Hoạt động 5 - Lãnh đạo triển khai toàn diện các hoạt động để kiểm soát hoạt động kiểm toán, trọng tâm là:
Nâng cao hiệu quả và gắn trách nhiệm việc thực hiện kiểm soát hoạt động kiểm toán của kiểm toán trưởng, trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán và tự kiểm soát của kiểm toán viên đảm bảo các cuộc kiểm toán đều được kiểm soát chặt chẽ theo các giai đoạn của quy trình kiểm toán đáp ứng được các mục tiêu đề ra của cuộc kiểm toán, đảm bảo chất lượng báo cáo kiểm toán và không có kiểm toán viên vi phạm quy định của pháp luật, vi phạm quy định liên quan đến hoạt động kiểm toán;
Nâng cao hiệu quả kiểm soát hoạt động kiểm toán của các bộ phận chuyên trách (Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán; tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN chuyên ngành, khu vực và của các hội đồng kiểm toán…) nhằm mục tiêu bảo đảm chất lượng cho các báo cáo kiểm toán phát hành; bảo đảm cho các kiểm toán viên, thành viên đoàn kiểm toán tuân thủ các quy định của pháp luật, chuẩn mực, quy trình kiểm toán và các quy định khác liên quan đến hoạt động kiểm toán khi thu thập, đánh giá bằng chứng kiểm toán, lập và phát hành biên bản, báo cáo kiểm toán.
Đề án được phân kỳ thành 02 giai đoạn để thực hiện
Giai đoạn năm 2016 - 2017
Năm 2016: Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác để cụ thể hóa các nhiệm vụ của Đề án; nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải kiểm soát hoạt động kiểm toán trong toàn ngành; lãnh đạo xây dựng hoàn thiện một bước cơ chế chính sách kiểm soát hoạt động kiểm toán như quy định phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán, Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán; sửa đổi bước 1 hồ sơ mẫu biểu, Quy trình kiểm toán...cho phù hợp với Luật KTNN 2015 (sửa đổi), phù hợp với yêu cầu đổi mới trong xây dựng kế hoạch kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán; hoàn chỉnh bộ máy, nhân sự cho các bộ phận chuyên trách về kiểm soát hoạt động kiểm toán; tăng cường đào tạo và đào tạo lại chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, kiểm toán viên trọng tâm là công chức, kiểm toán viên tuổi nghề ít, kinh nghiệm công tác chưa nhiều; nâng cao một bước hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán; kiểm soát chặt chẽ bằng chứng kiểm toán đối với các phát hiện kiểm toán liên quan đến sai sót của các đơn vị được kiểm toán, giảm thiểu khiếu nại của các đơn vị được kiểm toán.
Năm 2017: Nâng cao nhận thức về kiểm soát hoạt động kiểm toán trong toàn ngành lên một bước mới để công chức, kiểm toán viên coi việc kiểm soát hoạt động kiểm toán không chỉ là sự cần thiết mà là yêu cầu bắt buộc để tự giác thực hiện; lãnh đạo xây dựng và hoàn thiện xong cơ chế chính sách kiểm soát hoạt động kiểm toán để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm soát; hoàn thiện các căn cứ để kiểm soát hoạt động kiểm toán đặc biệt là hệ thống quy trình kiểm toán và hệ thống hồ sơ mẫu biểu; từng bước hoàn thiện các quy định để minh bạch hóa hoạt động của các tổ kiểm toán, kiểm toán viên; tăng cường đào tạo và đào tạo lại chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, kiểm toán viên đảm bảo thực hiện kiểm toán tuân thủ, kiểm toán tài chính, cơ bản nắm được những nội dung của kiểm toán hoạt động; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán để ngăn ngừa việc bỏ sót kết quả kiểm toán của các kiểm toán viên các tổ, đoàn kiểm toán (bỏ sót do năng lực, trình độ yếu kém hoặc bỏ kết quả kiểm toán, báo cáo thiếu trung thực).
Giai đoạn năm 2018 - 2020
Trên cơ cơ mục tiêu của Đề án, các công việc đã thực hiện giai đoạn 2016 - 2017, xây dựng kế hoạch công tác cụ thể hóa nhiệm vụ của từng năm trong giai đoạn 2018 - 2020 bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đề án. Đảm bảo chính sách, quy định về kiểm soát hoạt động kiểm toán đồng bộ với chính sách, quy định về hoạt động kiểm toán; chính sách, quy định về hoạt động kiểm toán hỗ trợ cho quản lý, kiểm soát hoạt động kiểm toán; chính sách, quy định về kiểm soát hoạt động kiểm toán đảm bảo chất lượng cho hoạt động kiểm toán. Đặc biệt là hoàn thiện các quy định để minh bạch hóa hoạt động của các tổ kiểm toán, kiểm toán viên; hoàn thành việc đào tạo và đào tạo lại chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, kiểm toán viên đảm bảo thực hiện thuần thục kiểm toán tuân thủ, kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động; đảm bảo hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm soát hoạt động kiểm toán.
Cuối năm 2018 tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Đề án.
Cuối năm 2020 tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Đề án.
06 nhóm giải phải để tổ chức thực hiện Đề án:
1. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên trong từng đơn vị và toàn Đảng bộ, nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong triển khai thực hiện Đề án, trọng tâm là: Cấp ủy các cấp cần phối hợp với chính quyền tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên trong đơn vị về tầm quan trọng của kiểm soát hoạt động kiểm toán để đẩy mạnh văn hóa nội bộ về kiểm soát hoạt động kiểm toán, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm soát hoạt động kiểm toán.
2. Cấp ủy các đơn vị được phân công chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các hoạt động của Đề án phân công rõ nhiệm vụ cho các đồng chí trong cấp ủy, cho mỗi cán bộ, đảng viên trong đơn vị thực hiện các nội dung của Đề án; đưa nội dung triển khai Đề án vào các cuộc họp chi bộ để chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ được Đảng ủy KTNN phê duyệt.
3. Lãnh đạo, chỉ đạo để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, kiểm toán viên về chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán và kiểm soát hoạt động kiểm toán.
4. Lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát hoạt động kiểm toán đặc biệt là các bộ phận chuyên trách về kiểm soát hoạt động kiểm toán.
5. Lãnh đạo đổi mới hoạt động kiểm soát hoạt động kiểm toán nhất là đổi mới áp dụng các phương thức kiểm soát chất lượng kiểm toán; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán và hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán; xây dựng hướng dẫn chuyên môn kiểm soát chất lượng kiểm toán cho toàn ngành.
6. Phối hợp tốt giữa cấp ủy Đảng và chính quyền để triển khai thực hiện Đề án.
Tại Đề án, Đảng ủy KTNN đã xác định rõ trách nhiệm của các bộ phận liên quan trong tổ chức thực hiện Đề án:
Đảng ủy KTNN chịu trách nhiệm: Cụ thể hóa các nội dung công việc của Đề án vào kế hoạch công tác quý, năm của Ban Chấp hành và hàng tháng của Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN; Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN phối hợp với các đồng chí lãnh đạo KTNN được phân công phụ trách các lĩnh vực công tác chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án; Định kỳ hàng năm tiến hành đánh giá kết quả đạt được và tiến độ triển khai thực hiện Đề án; tiến hành sơ kết việc thực hiện Đề án vào năm 2017 (năm thứ ba của nhiệm kỳ) và tổng kết thực hiện Đề án vào năm 2020 (năm kết thúc nhiệm kỳ); Hàng năm Ban Thường vụ kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc và xử lý nghiêm tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ của Đề án.
Chi ủy Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán chịu trách nhiệm: Tham mưu cho Đảng ủy KTNN cụ thể hóa kế hoạch thực hiện Đề án vào kế hoạch, chương trình công tác hàng năm của Đảng ủy KTNN và Đảng bộ KTNN đồng thời tham mưu cho Đảng ủy KTNN lãnh đạo, chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc triển khai các nhiệm vụ được phân công trong Đề án đảm bảo thống nhất, gắn kết với hoạt động của ngành; Quán triệt nội dung của Đề án đến từng cán bộ, đảng viên trong đơn vị; xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trên cơ sở các mục tiêu, nội dung của Đề án được phân công; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp ủy viên của đơn vị phụ trách các nội dung của Đề án; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các bộ phận thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của từng bộ phận và từng cán bộ, công chức, kiểm toán viên trong đơn vị; Phối hợp với các ban xây dựng Đảng, Văn phòng Đảng - Đoàn thể tham mưu cho Thường trực Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN chỉ đạo triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi tiến độ thực hiện Đề án; sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm; tiến hành sơ kết việc thực hiện Đề án vào năm 2017 (năm thứ ba của nhiệm kỳ) tổng kết kết quả thực hiện Đề án trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Các ban xây dựng Đảng: Căn cứ vào Đề án được duyệt để đưa vào nội dung hoạt động của mình các nhiệm vụ phải triển khai để thực hiện mục tiêu của Đề án.
Uỷ ban Kiểm tra tham mưu cho Đảng ủy xây dựng và đưa nội dung kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của Đảng ủy và Uỷ ban Kiểm tra Đảng ủy để tổ chức triển khai thực hiện. Văn phòng Đảng - Đoàn thể chịu trách nhiệm: Giúp Thường trực, Ban Thường vụ Đảng ủy đôn đốc, theo dõi tiến độ triển khai thực hiện Đề án và cấp ủy đảng các đơn vị trực thuộc; Phối hợp với Đảng ủy Vụ Tổng hợp tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện đề án; cuối nhiệm kỳ tổng kết đánh giá kết quả thực hiện đề án; Tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và xử lý nghiêm tổ chức, đảng viên, công chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao trong Đề án.
Cấp ủy các đơn vị: Chịu trách nhiệm cụ thể hóa các nội dung công việc của Đề án vào chương trình công tác hàng năm, hàng quý của đảng bộ hoặc chi bộ; phổ biến và quán triệt việc thực hiện Đề án tới công chức, viên chức và người lao động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong thực hiện Đề án. Cấp ủy các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, đặc biệt là bí thư cấp ủy cần nắm chắc mục đích, mục tiêu, nội dung các hoạt động của Đề án, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện Đề án đạt chất lượng và hiệu quả; Chịu trách nhiệm về kết quả, tiến độ, theo dõi đôn đốc, đánh giá và báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong Đề án.../.
Ngọc Bích