Áp dụng Kế hoạch kiểm toán mẫu: Bước tiến mới trong hoạt động kiểm toán ngân hàng

07/03/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

“Tôi đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các đồng chí trong đổi mới việc xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT). Đổi mới là gian nan, vất vả đòi hỏi toàn đơn vị phải kiên trì, nỗ lực, đồng tâm hiệp lực hơn nữa” - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết việc áp dụng KHKT mẫu các ngân hàng thương mại (NHTM) năm 2015 do KTNN chuyên ngành VII tổ chức tại Hà Nội, ngày 29/02. Tham dự Hội nghị có đại diện một số đơn vị trực thuộc KTNN và toàn thể cán bộ, kiểm toán viên (KTV) KTNN chuyên ngành VII.
 

Áp dụng thành công KHKT mẫu các NHTM

Đổi mới việc xây dựng KHKT là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động kiểm toán. Bởi vậy, chỉ đạo trên của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên không chỉ thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo ngành đối với công tác đổi mới hoạt động kiểm toán mà còn tạo động lực để KTNN chuyên ngành VII tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện KHKT mẫu, áp dụng thành công trong năm 2016.

Biểu mẫu lập KHKT các NHTM đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành tại Quyết định số 285/QĐ-KTNN ngày 28/3/2015; gồm 15 phụ lục, trình bày cụ thể công việc cần thực hiện để lập kế hoạch cuộc kiểm toán như: Phỏng vấn về sai sót trọng yếu xảy ra; tìm hiểu ngân hàng và môi trường hoạt động; quản lý rủi ro; tìm hiểu về các chu trình của ngân hàng; tìm hiểu về hệ thống công nghệ thông tin; thực hiện phân tích sơ bộ Báo cáo tài chính (BCTC)…

Năm 2015, KTNN chuyên ngành VII đã triển khai thành công việc lập và áp dụng KHKT cho 3 cuộc kiểm toán tại các NHTMCP: Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công thương Việt Nam (Vietinbank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Đây là kết quả đáng ghi nhận, đánh dấu bước tiến mới trong hoạt động kiểm toán ngân hàng.

Tại Hội nghị, đại diện các Đoàn kiểm toán ở 3 ngân hàng trên đã lần lượt báo cáo đánh giá việc lập và thực hiện KHKT mẫu đối với các NHTM, qua đó chỉ rõ những tác động tích cực khi triển khai. Cụ thể, Báo cáo đánh giá việc lập và thực hiện KHKT mẫu tại VCB cho biết: Qua vận dụng KHKT mới, bước đầu có sự đổi mới trong các phát hiện kiểm toán. Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, Đoàn kiểm toán đã từng bước phân tích, đánh giá sâu thêm một số nghiệp vụ của ngân hàng. Hay KHKT mẫu tại Vietinbank năm 2015 đã thể hiện được cơ bản đúng theo mẫu biểu đưa ra, đồng thời chuyển tải được nhiều nội dung của các phụ lục lên bản kế hoạch một cách ngắn gọn và đầy đủ; bước đầu có sự đổi mới trong các phát hiện kiểm toán. Bên cạnh đó, việc áp dụng KHKT mẫu tại BIDV cho thấy, KHKT cơ bản đảm bảo mục tiêu chung, đưa ra các định hướng cụ thể của cuộc kiểm toán dựa trên các thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh của BIDV, đánh giá trọng yếu rủi ro, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, đưa ra được các kế hoạch, chương trình kiểm toán và các bước thủ tục thực hiện kiểm toán. KHKT này đã giúp ích nhiều cho KTV trong thực hiện nghiệp vụ kiểm toán.

Không chỉ nêu lên những kết quả đạt được, các báo cáo tại Hội nghị còn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai áp dụng KHKT mẫu, đồng thời phân tích nguyên nhân và đưa ra kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện, thực hiện tốt KHKT các NHTM trong năm 2016.

Hướng tới hoàn thiện, thực hiện tốt hơn KHKT

Cho ý kiến về KHKT mẫu các NHTM, các đại biểu đều đánh giá cao những nỗ lực của KTNN chuyên ngành VII trong việc đổi mới KHKT. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện và thực hiện tốt KHKT năm 2016, nhiều ý kiến cho rằng, KHKT mẫu cần được xem xét, nghiên cứu, hoàn thiện hơn, tập trung vào các vấn đề: gom và biên tập lại thành các phụ lục theo mảng, xây dựng bộ dữ liệu thông tin về đơn vị được kiểm toán; bổ sung hoặc sửa đổi các quy trình, mẫu biểu kiểm toán phù hợp hơn đối với các nội dung của KHKT mẫu...

Trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của KTV cũng như kết quả triển khai KHKT mẫu các NHTM, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên chỉ đạo: Yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới KHKT đòi hỏi tất cả các KTV đều phải tham gia vào khâu khảo sát, lập kế hoạch; Trưởng đoàn phải chỉ đạo sát sao. Trong quá trình xây dựng KHKT phải tổ chức thảo luận, tọa đàm nhằm phân tích, thu thập các ý kiến đóng góp để hoàn thiện KHKT. Trước khi kiểm toán, phải bố trí thời gian phù hợp để tập huấn, phổ biến, giúp các KTV hiểu sâu sắc KHKT. Xu hướng mới là giảm 15% thời gian và nhân lực các cuộc kiểm toán nhưng tăng cường nhân lực và dành nhiều thời gian cho khâu khảo sát, lập kế hoạch, hoàn thiện báo cáo. Sau Hội nghị này, KTNN chuyên ngành VII cần tiếp thu các ý kiến đóng góp; rà soát lại KHKT mẫu theo hướng lồng ghép, giữ nguyên hoặc lược bỏ một số phụ lục để trình Tổng Kiểm toán Nhà nước sửa đổi, ban hành, làm cơ sở để áp dụng, thực hiện tốt KHKT các NHTM năm 2016.

(Báo Kiểm toán số 9/2016)

Xem thêm »