(kiemtoann.gov.vn) – Chiều 18/01/2016, tại trụ sở của Kiểm toán nhà nước (KTNN), 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, KTNN tổ chức công bố Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc thành lập Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Trường).
Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn phát biểu chỉ đạo
Tới dự lễ công bố, có: Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến; Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội Ngô Văn Minh; Đại diện lãnh đạo của CPA, ACCA, Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales. Về phía KTNN có: Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn; các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Nguyễn Quang Thành; Hoàng Hồng Lạc; Cao Tấn Khổng; Đoàn Xuân Tiên và Vũ Văn Họa; Đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN; Các giảng viên thỉnh giảng và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Trường.
Toàn cảnh buổi Lễ
Tại buổi Lễ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức – cán bộ Doãn Anh Thơ, đã đọc Nghị quyết 1051/NQ-UBTVQH13 ngày 15/10/2015 của UBTVQH về việc thành lập Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán trực thuộc KTNN; Quyết định 1666/QĐ-KTNN ngày 08/12/2015 của Tổng Kiểm toán nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán.
Phát biểu tại Lễ công bố, Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn nói, kể từ khi thành lập đến nay, Lãnh đạo KTNN luôn xác định, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức, kiểm toán viên nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm, có tính xuyên suốt trong quá trình phát triển của Ngành. Điều này đã được khẳng định trong quá trình phát triển cũng như trong Chiến lược phát triển KTNN tới năm 2020, Kế hoạch chiến lược của KTNN giai đoạn 2013-2017.
“Gần 20 năm hoạt động, Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ đã góp phần quan trọng trong bước đường xây dựng và phát triển của Ngành. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu ngày càng cao của việc nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán và nguồn nhân lực của KTNN, mô hình hoạt động của Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp. Vì vậy, việc thành lập Trường nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của KTNN, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng hoạt động kiểm toán, đa dạng hóa các loại hình, nội dung kiểm toán, nhất là đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học kiểm toán”, Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định.
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu, Trường cần khẩn trương hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, ban hành các quy chế, quy định nội bộ để đáp ứng các yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của KTNN; Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên. Xem đây là nhân tố đặc biệt quan trọng để xây dựng và phát triển Trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; Đổi mới phương pháp giảng dạy, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, chủ động xây dựng mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, các hiệp hội nghề nghiệp, các trường đại học trong nước; Lựa chọn các chủ đề nghiên cứu phù hợp với nhiệm vụ của Ngành để đưa ra các luận cứ, phương pháp luận và những vấn đề có ý nghĩa vĩ mô, cũng như kỹ thuật, góp phần nâng cao trình độ của Ngành, tăng cường năng lực nghiên cứu, mở rộng quan hệ với các trường, viện nghiên cứu và các tổ chức trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu
các lĩnh vực của Ngành. “Tôi yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành phải chia sẻ, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tối đa về cơ chế, điều kiện, nhân lực, kinh phí…giúp Trường phát triển; Đội ngũ giảng viên kiêm chức cần gắn bó chặt chẽ với Trường để trao đổi kỹ năng nghề nghiệp cho các thế hệ kiểm toán viên tiếp theo. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc cần dành thời gian và tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên kiêm chức tham gia giảng dạy và nghiên cứu với Trường” – Tổng Kiểm toán nhà nước nói.
Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Lê Đình Thăng phát biểu
Phát biểu tại Lễ công bố, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Lê Đình Thăng cho biết, Trường nhận thức rất rõ rằng, đội ngũ kiểm toán viên tinh thông nghề nghiệp, có bản lĩnh chính trị và đạo đức trong sáng sẽ là linh hồn của bất cứ cơ quan kiểm toán nào. Để đạt được điều đó thì ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, mà còn phải đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức và văn hóa ứng xử. “Vì vậy, nhiệm vụ Trường được giao hết sức nặng nề. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra đánh giá và theo dõi kết quả để rút kinh nghiệm trong việc đào tạo lại, bổ sung kiến thức…để đáp ứng yêu cầu của KTNN trước mắt cũng như trong trung và dài hạn”- ông Lê Đình Thăng nói.
Về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ông Lê Đình Thăng cho biết, đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Trường. Ngoài việc nghiên cứu các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ, còn phải phân tích, đánh giá các chính sách kinh tế, tài chính, tiền tệ, làm cơ sở cho việc tham gia ý kiến của KTNN đối với hoạch định chính sách kinh tế, tài khóa tiền tệ quốc gia. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự tham gia không chỉ của các nghiên cứu viên tại Trường, mà cần có sự tham gia của các nhà khoa học, các kiểm toán viên tâm huyết trong toàn Ngành.
Lãnh đạo KTNN chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Trường
Thay mặt tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Giám đốc Lê Đình Thăng cam kết, Trường sẽ nhanh chóng ổn định tổ chức, nhân sự; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Ngành; Xây dựng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành./.
Ngọc Bích