KTNN thẩm định Chương trình chi tiết chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn các ngạch Kiểm toán viên nhà nước

31/12/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoann.gov.vn) – Ngày 31/12/2015, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), 111 Trần Duy Hưng, Hà nội, Hội đồng thẩm định Chương trình chi tiết Chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn các ngạch Kiểm toán viên nhà nước đã họp dưới sự chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội đồng.

Toàn cảnh cuộc họp

 
Cuộc họp được tổ chức nhằm thẩm định chương trình chi tiết của 02 chương trình: Chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn tiền kiểm toán viên (KTV); Chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn ngạch KTV nhà nước do Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ chủ trì soạn thảo.

Theo ông Lê Đình Thăng, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ, các Chương trình này được xây dựng theo nguyên tắc: Bao quát được các nội dung của đào tạo nghề kiểm toán bao gồm kiến thức và kỹ năng kiểm toán, đồng thời trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết của công chức nhà nước; Chương trình kết hợp đào tạo ngạch, bậc kiểm toán viên và nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn kỹ năng và nghiệp vụ; Trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản về kinh tế - tài chính để làm nền tảng cho học tập chuyên môn, nghiệp vụ. Tất cả các KTV nhà nước không phân biệt chuyên ngành đã tốt nghiệp đều phải được trang bị kiến thức này, nhưng được xét miễn học hoặc miễn thi các môn tương đương đã học ở trường đại học; Nội dung trọng tâm của các chương trình là các kiến thức, kỹ năng về nghiệp vụ gồm ngạch, bậc KTV, ngạch bậc công chức và kỹ năng kiểm toán theo từng lĩnh vực; Chương trình nghiên cứu, kế thừa có chọn lọc những nội dung phù hợp trong các các chương trình đào tạo trước đây và hiện có của KTNN.

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn tiền KTV nhà nước được xây dựng với mục tiêu: Trang bị những kiến thức căn bản về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, công chức công vụ, pháp luật kinh tế; hiểu biết về KTNN, quy tắc đạo đức nghề nghiệp KTV nhà nước, chuẩn mực, quy trình kiểm toán; kiến thức cơ bản, nền tảng về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán; các kỹ năng làm việc của KTV nhà nước ở cấp độ trợ lý kiểm toán mà một kiểm toán viên mới vào Ngành cần phải có để thực hiện công việc trong giai đoạn đầu bước vào KTNN. Những kiến thức này là kiến thức nền tảng để học các kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán trong các chương trình về sau.

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn tiền KTV nhà nước dành cho các công chức mới được tuyển dụng vào Ngành sau khi trúng tuyển kỳ thi công chức của KTNN được phân công thực hiện công tác kiểm toán; những công chức mới được tiếp nhận về Ngành để làm công tác kiểm toán hoặc công chức mới khác trong Ngành có nhu cầu chuyển sang ngạch kiểm viên; các đối tượng khác cần bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán.

Chương trình gồm 2 hợp phần: Khối kiến thức cơ sở chuyên môn; Khối kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp. Khối kiến thức cơ sở chuyên môn gồm 3 học phần: Kiến thức cơ sở chung; Kiến thức cơ sở Ngành; Kiến thức chuyên ngành. Khối kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp gồm 2 học phần: Kiến thức chung về KTNN; Kỹ năng làm việc của trợ lý kiểm toán.

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn ngạch KTV nhà nước được xây dựng với mục tiêu trang bị những kiến thức quản lý các lĩnh vực có liên quan tới hoạt động kiểm toán lĩnh vực công của KTNN; kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ kiểm toán nói chung để học viên có thể thực hiện nhiệm vụ ở cấp bậc KTV. Sau khi được học những kiến thức nền tảng về kinh tế, tài chính ở chương trình tiền KTV và có một thời gian tích lũy làm trợ lý kiểm toán, công chức sẽ được học chương trình này nhằm tích lũy kiến thức và kỹ năng cần thiết để hành nghiệp vụ kiểm toán nhà nước một cách độc lập.

Đối tượng đào tạo của Chương trình: Những công chức làm công tác kiểm toán đã hoàn thành Chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn tiền KTV; Những công chức mới được tiếp nhận về Ngành để làm công tác kiểm toán hoặc công chức, viên chức khác trong Ngành có nhu cầu chuyển sang ngạch KTV và đã hoàn thành Chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn tiền KTV; các đối tượng khác cần bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán.

Chương trình gồm 2 hợp phần: Khối kiến thức cơ sở chuyên môn; Khối kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ kiểm toán. Hợp phần khối kiến thức cơ sở chuyên môn gồm các nội dung: Quản lý NSNN; Thuế và quản lý thuế; Quản lý các quỹ tài chính công ngoài NSNN; Quản lý đầu tư công. Khối kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ kiểm toán gồm các nội dung: Kiến thức chuyên môn kiểm toán (Kiểm toán tài chính; Kiểm toán tuân thủ; Kiểm toán trong môi trường CNTT); Các kỹ năng làm việc của KTV (Lập kế hoạch kiểm toán của tổ kiểm toán; Lập báo cáo kiểm toán của tổ kiểm toán và kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; Làm việc của KTV).

Tại cuộc họp các thành viên của Hội đồng đưa ra các ý kiến phản biện để góp ý hoàn thiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên yêu cầu, Ban soạn thảo trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý, sớm hoàn thiện nội dung các chương trình đào tạo để trình Lãnh đạo KTNN ban hành ngay trong đầu tháng 1 năm 2016. Phó Tổng kiểm toán nhà nước lưu ý, Ban soạn thảo cần rà soát kỹ các nội dung đào tạo để thống nhất giữa lý thuyết và thực tiễn áp dụng, thống nhất các thuật ngữ trong toàn bộ nội dung đào tạo, cô đọng các nội dung đào tạo để tập trung, chuyên sâu vào những nội dung trọng tâm. Ban soạn thảo cũng cần cân đối thời lượng các nội dung đào tạo, đồng thời biên soạn các nội dung giảng dạy theo hướng gắn các nội dung đào tạo với hoạt động kiểm toán./.

Ngọc Bích

Xem thêm »