Quốc hội nghe báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015

29/10/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) – Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, sáng 28/10/2015, tại phiên họp toàn thể, Quốc hội đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2015; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác PCTN năm 2015.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày Báo cáo về công tác PCTN năm 2015


Báo cáo về công tác PCTN năm 2015 của Chính phủ chỉ rõ, kết quả PCTN thời gian qua đã có tác dụng phòng ngừa, răn đe nhất định đối với tệ tham nhũng. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực. Qua kết quả phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn.
 
Về kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng, Báo cáo cho biết, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng, tăng 46 vụ, 85 đối tượng so với cùng kỳ 2014, với số tiền 40,7 tỷ đồng.
 
Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng,  đã kết luận điều tra 198 vụ, 489 bị can; hiện đang điều tra 140 vụ, 299 bị can. Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 323 vụ, 806 bị can về các tội danh tham nhũng, truy tố 310 vụ, 697 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 260 vụ, 577 bị cáo về các tội danh tham nhũng.
 
Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2015 gây thiệt hại trên 950 tỷ đồng và 9.887 m2 đất; đã thu hồi được trên 505 tỷ đồng, đạt 55,8% (tỷ lệ này năm 2013 là 10%, năm 2014 là 22,3%) và thu hồi được 2.887 m2 đất (đạt 29,2%).
 
Đối với 16 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, Tòa án đã đưa ra xét xử sơ thẩm và phúc thẩm 5 vụ; Viện kiểm sát cũng đã có cáo trạng truy tố 6 vụ án; Cơ quan điều tra đã kết luận, đề nghị truy tố 4 vụ án và đang điều tra 7 vụ.
 
 Về công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, Báo cáo nêu rõ, Ngành Thanh tra đã triển khai 6.515 cuộc thanh tra hành chính, 116.334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; kiến nghị chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; kiến nghị thu hồi 52.253 tỷ đồng (tăng 92,7% so với cùng kỳ năm trước) và 1.788 ha đất.
 
Kiểm toán nhà nước đã ban hành 181 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 23.024 tỷ đồng; Kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 110 văn bản không phù hợp; Kiến nghị xử lý các tập thể liên quan và 30 cá nhân. Kiểm toán nhà nước đã chuyển 01 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang Cơ quan điều tra, Bộ Công an; cung cấp 18 hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát.
 
Trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác PCTN năm 2015, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp, bên cạnh kết quả quan trọng đã đạt được, năm 2015 công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn một số hạn chế, việc khắc phục sơ hở, bất cập về chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn chậm; một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp; chưa xử lý triệt để, nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; thiếu quy định có hiệu quả để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đặc biệt, việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng năm nay đều giảm, trong khi tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực
 
Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Báo cáo thẩm tra đánh giá: Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo luật định. Tuy nhiên, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đạt hiệu quả thấp, nhất là các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trả lương qua tài khoản, chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, nộp lại quà tặng…
 
Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, công tác chống tham nhũng của các đơn vị chuyên trách vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong công tác phòng ngừa nghiệp vụ, trinh sát điều tra, nghiệp vụ cơ bản để phát hiện tham nhũng. Tỷ lệ giải quyết án tham nhũng của các cơ quan tư pháp trung ương còn thấp. Tình trạng vi phạm pháp luật, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật có chiều hướng gia tăng. “Chính phủ cần đánh giá nguyên nhân của việc các cơ quan có chức năng chống tham nhũng đã được đầu tư nhiều nguồn lực, nhưng việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng lại giảm trong khi tình hình tham nhũng theo đánh giá trong Báo cáo vẫn nghiêm trọng, phức tạp”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
 
Tán thành với nhiều nguyên nhân được nêu trong Báo cáo của Chính phủ về kết quả cũng như những hạn chế, yếu kém trong công tác PCTN Ủy ban Tư pháp cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là kỷ cương quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn buông lỏng; cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực qua công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, tiêu cực, tham nhũng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để thanh lọc, loại bỏ hoặc trừng trị nghiêm khắc, tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn diễn ra, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo…
 
Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với phương hướng, nhiệm vụ và các kiến nghị của Chính phủ trong công tác PCTN thời gian tới. Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng, bên cạnh các giải pháp có tính chất phòng ngừa thì Chính phủ cùng Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần tập trung hơn nữa các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, xử lý thật nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước ta đã xác định./.
 

Ngọc Bích

Xem thêm »