Hội thảo góp ý kiến báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát về công tác phòng, chống tham nhũng

21/10/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 19/10/2015, đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì Hội thảo góp ý kiến báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát cơ quan, tổ chức, đầu mối tham mưu, giúp việc ban cán sự đảng, đảng ủy, đảng đoàn các cơ quan, tổ chức ở Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng. Tham gia Hội thảo có đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, Kiểm toán nhà nước, Tập đoàn VNPT, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo các vụ chức năng của Ban Nội chính Trung ương.

Sau khi nghiên cứu 74 báo cáo và khảo sát thực tế tại 18 tổ chức đảng, Ban Nội chính Trung ương nhận thấy các ban cán sự đảng, đảng ủy, đảng đoàn cơ quan, tổ chức ở Trung ương đã quan tâm việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và quyết định thành lập, chỉ đạo hoạt động cơ quan, tổ chức, đầu mối tham mưu, giúp việc về công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng. Căn cứ nhu cầu thực tế, đặc điểm cụ thể, chức năng, nhiệm vụ, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng đã chủ động quyết định thành lập bộ phận tham mưu, giúp việc về phòng, chống tham nhũng, đa số là mô hình kiêm nhiệm. Ngoài các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng được thành lập theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, một số ít cấp ủy, tổ chức đảng có thành lập đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng.
 
Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của cấp uỷ, tổ chức đảng ở Trung ương khác nhau nên tổ chức tham mưu giúp việc công tác phòng, chống tham nhũng cũng hình thành mô hình rất đa dạng
 
Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy các bộ phận tham mưu, giúp việc cấp ủy, tổ chức đảng không thống nhất về cơ cấu tổ chức, cán bộ và tính chất kiêm nhiệm; hiệu quả hoạt động không đều, một số bộ phận giúp việc hoạt động hình thức, kém hiệu quả, lúng túng, không tham mưu được trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, thiếu thống nhất trong công tác phối hợp, không tự phá hiện tham nhũng trong nội bộ; nhiều cơ quan chưa có báo cáo định kỳ, đột xuất và báo cáo về mô hình tham mưu, giúp việc về công tác phòng, chống tham nhũng.
 
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do không được chỉ đạo thống nhất về việc thành lập, duy trì hoạt động của bộ phận tham mưu, giúp việc cho cấp ủy, tổ chức đảng về công tác phòng, chống tham nhũng; chưa có quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; còn nhiều tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức, một số nơi khoán trắng cho đầu mối giúp việc về công tác phòng, chống tham nhũng.
 
Ý kiến tham luận của các đại biểu tập trung đánh giá hiệu quả, hạn chế và nguyên nhân của những của các mô hình tham mưu, giúp việc về công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập một Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở Bộ, ngành và giao cho thanh tra làm cơ quan tham mưu, giúp việc đề nghị Ban Bí thư quy định dứt khoát về quyền hạn và trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; chọn cán bộ làm  công tác phòng, chống tham nhũng và phải có chế độ, chính sách riêng, đặc thù cho bộ phận này…


Đồng chí Hà Ngọc Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu kết luận
 
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Hà Ngọc Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cảm ơn những ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm và tâm huyết của các đại biểu. Việc nghiên cứu, khảo sát các mô hình tham mưu, giúp việc về công tác phòng chống tham nhũng là một việc làm cần thiết để phục vụ tổng kết 10 năm Luật Phòng, chống tham nhũng được đưa vào cuộc sống, đồng thời cũng giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác này trong thời gian tới.
 
Đồng chí Hà Ngọc Chiến cho rằng qua Hội thảo này, các Bộ, ngành Trung ương đã có sự thống nhất về sự cần thiết có cơ quan đầu mối tham mưu, giúp việc cho cấp uỷ, tổ chức đảng ở Trung ương; xây dựng một, hai mô hình tổ chức tham mưu, giúp việc về công tác phòng, chống tham nhũng để đơn vị nào thấy phù hợp ở mô hình nào thì áp dụng mô hình đó đảm bảo hiệu quả; có quy chế hoạt động, chế tài xử lý trách nhiệm của các thành viên, có chế độ, chính sách đặc biệt cho cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng nhằm bảo đảm cho công tác tham mưu, giúp việc về phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới đạt hiệu quả tốt hơn./.

HL

Xem thêm »