Khai mạc phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

13/10/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 12/10/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 42 với nhiều nội dung quan trọng nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Phiên họp dự kiến diễn ra từ 12- 16/10.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp


Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng  của phiên họp thứ 42 nhằm chuẩn bị, hoàn tất các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, dự kiến khai mạc vào 20/10/2015.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong phiên họp này, UBTVQH sẽ xem xét và cho ý kiến về 9 dự án luật dự kiến sẽ trình ra kỳ họp thứ 10 tới đây.  UBTVQH cũng xem xét các nội dung quan trọng khác: Báo cáo của Chính phủ về: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016; việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020; Chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020. Ngoài ra, UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về Hội đồng bầu cử quốc gia và Ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp...

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2015 do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu trình bày đã khẳng định, Việt Nam đã ứng phó kịp thời, có hiệu quả với những biến động kinh tế, chính trị khó lường của thế giới năm 2015 và đạt được những kết quả đáng khích lệ: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi rõ nét; Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; Tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng nhanh, đạt mức cao nhất từ trước tới nay;  Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định; Tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây; Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng; Sản xuất công nghiệp, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng khá; Tổng cầu và sức mua được tăng lên; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao...

Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ rõ, cùng với những kết quả đạt được tình hình kinh tế- xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như:  Chưa có nhiều giải pháp cụ thể, có hiệu quả để khắc phục các mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế; Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển biến chậm; Nợ công và áp lực trả nợ công, nợ nước ngoài ngày càng tăng; An ninh trật tự ở một số khu vực nông thôn còn nhiều bất ổn; Kết quả giảm nghèo chưa ổn định, nguy cơ tái nghèo cao…

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Báo cáo dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7% so với năm 2015; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2015; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP khoảng 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 31% GDP; chỉ số giá tiêu dùng (GPI) khoảng 5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,3-1,5%, riêng huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%....

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được về kinh tế- xã hội trong năm 2015, tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc phục hồi tăng trưởng thiếu yếu tố bền vững; Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét, chưa có sức lan tỏa; Kiểm soát chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động; Cân đối NSNN khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh….

Đối với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, Báo cáo thẩm tra cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cần đánh giá thêm các mặt thuận lợi, thời cơ mới, thách thức mới, nhất là sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 phải bám sát Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm  (2011- 2020) và dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Cũng trong sáng 12/10, UBTVQH cũng nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo kết quả thực hiện NSNN năm 2015, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016.

Theo báo cáo, Chính phủ trình bội chi NSNN trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định 226.000 tỷ đồng, bằng 5,0% GDP. Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra,  Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, thực tế, sẽ khó giữ mức bội chi NSNN nêu trên bởi kết quả giám sát cho thấy, mức giải ngân vốn ODA trong năm 2015 sẽ vượt mức dự toán đã được Quốc hội quyết định; một số khoản đã chi mà chưa có nguồn bù đắp. Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát, báo cáo cụ thể các số liệu giải ngân vốn ODA và các khoản nợ của Nhà nước để phản ánh sát số bội chi NSNN và nợ công, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Về dự toán NSNN năm 2016, Chính phủ dự kiến tổng thu cân đối NSNN năm 2016 là 984.500 tỉ đồng, tăng 6,1% so với ước thực hiện năm 2015. Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, mặc dù đây là mức tăng dự kiến thấp nhưng với tình hình thu từ dầu thô đạt thấp do giá giảm mạnh, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế, một số chính sách thuế đến thời điểm điều chỉnh giảm thuế suất để đảm bảo tính chủ động, an toàn trong điều hành NSNN mức tăng như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị rà soát lại các khoản thu NSNN, bảo đảm không bỏ sót nguồn thu và tăng cường các biện pháp chống thất thu NSNN; tính toán lại chiến lược thu trong trung và dài hạn.../.

NB

Xem thêm »