Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9/2015: Tập trung hơn nữa thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

02/10/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Trong hai ngày 30/9 và 1/10/2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2015. Tại phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Báo cáo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; Báo cáo kết quả 3 năm (2013-2015) triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và một số nội dung quan trọng khác.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ tháng 9/2015


Tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực
 
Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, quý III đạt 6,81%, 9 tháng đạt 6,5%. Trong đó, công nghiệp tăng 9,57%, nông nghiệp ước tăng 2,08%, dịch vụ ước tăng 6,17%. Ước cả năm GDP tăng trên 6,5%, vượt kế hoạch đề ra (6,2%), cao nhất trong 8 năm qua. Khu vực công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng 9,57%, thực sự trở thành động lực chủ yếu tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 9,8%, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước.
 
Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2015 giảm 0,21% so với tháng trước, tăng 0,4% so với tháng 12/2014, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,2%, cao nhất kể từ năm 2011, thể hiện niềm tin tiêu dùng và cầu của nền kinh tế tăng lên.
 
Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn đang đối diện một số khó khăn, thách thức như giá dầu thô, hàng hóa thế giới giảm mạnh cùng với diễn biến phức tạp của thị trường tài chính thế giới đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu. Khu vực nông nghiệp và thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, hạn hán, mưa, lũ và những khó khăn về thị trường, giá xuất khẩu giảm mạnh; sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản đạt thấp so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn. Tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu. Đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán còn nhiều khó khăn.
 
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn lại 9 tháng đầu năm 2015, với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả hết sức phấn khởi và toàn diện trên các lĩnh vực. Trong 14 chỉ tiêu được đề ra, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt, chỉ có một chỉ tiêu là độ che phủ rừng không đạt, song theo trình bày của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh thì đây là do cách tính bởi diện tích trồng rừng vẫn tăng lên. Những kết quả đạt được là sự nỗ lực chung, rất đáng mừng, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn không dự báo trước được và không lường trước được, ví dụ như những diễn biến phức tạp về vấn đề giá dầu hay việc Trung Quốc điều chỉnh tỉ giá đồng Nhân dân tệ… Đây là những tác động tức thì đến nền kinh tế nước ta và chúng ta đã ứng phó chính sách hết sức linh hoạt, kịp thời và hiệu quả. Các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được thực hiện đúng trên tinh thần bám sát các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội và theo như kết quả đạt được tính đến hết tháng 9 thì khả năng đạt và vượt các chỉ tiêu là khả thi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tinh thần chung từ nay tới cuối năm là phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng cao nhất để đạt những kết quả cao hơn nữa; không bao giờ được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng tiếp tục bám sát mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; Theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhất là các động thái của các quốc gia có tác động lớn đến Việt Nam để phối hợp thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra từ đầu năm; Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, kiểm soát tỉ giá, thị trường ngoại hối; Tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước. Theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới để chủ động có những giải pháp ứng phó kịp thời; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, công trình thủy lợi cấp bách, qua đó làm tăng tổng cầu và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; Đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm đa dạng hóa các hình thức thu hút và huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh; Tăng cường quản lý giá cả, thị trường, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; Chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là FTA với EU và TPP trong thời gian tới. Kiểm soát nhập khẩu phù hợp với thông lệ và các cam kết quốc tế.
 
Tập trung hơn nữa thực hiện tái cơ cấu kinh tế
 
Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó, tập trung vào tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hóa; Ngân hàng Nhà nước tập trung chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý hiệu quả nợ xấu, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, ổn định của thị trường tài chính. Tái cơ cấu kinh tế phải gắn bó chặt chẽ với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh và bền vững trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

           
Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực
 
Ngoài ra, cần thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
 
Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cũng đã dành nhiều thời gian tập trung phân tích, dự báo triển vọng phát triển và thảo luận về dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, trong đó cơ bản bày tỏ đồng tình với mục tiêu tổng quát mà dự thảo Kế hoạch nêu. Đó là: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.
 
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, xu hướng tốt lên của kinh tế trong năm 2015 ngày càng thấy rõ rệt, việc thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu được đề ra cho cả năm là khả thi. Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo và chủ động hơn nữa trong xây dựng các kịch bản, ứng phó hiệu quả với những diễn biến tình hình. Trong Kế hoạch 2016-2020 cần hết sức quan tâm xây dựng chiến lược cơ cấu lại ngân sách và tái cơ cấu nợ công, đảm bảo an toàn nợ công; thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thị trường vốn, đưa thị trường này ngày càng phát triển lành mạnh, minh bạch, hiệu quả và đi liền với đó là phải đảm bảo tốt các cân đối lớn của nền kinh tế; quan tâm cân đối, bố trí nguồn lực nhằm thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;…
 
Trao đổi về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Kế hoạch này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và thảo luận nhiều lần. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, góp ý, trong đó có các ý kiến thảo luận tại phiên họp này, Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT tiếp thu các ý kiến đóng góp, cập nhật thêm thông tin, số liệu, các ý kiến đánh giá về các mặt đạt được và chưa được theo đúng bối cảnh tình hình; chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém còn tồn tại nhằm đề ra các giải pháp khắc phục hiệu quả.
 
Về vấn đề ngân sách, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong 5 năm tới phải cơ cấu lại ngân sách theo hướng tích cực hơn. Chi thường xuyên phải giảm xuống, chi đầu tư phải tăng lên, dứt khoát bội chi là để đầu tư; đồng thời phải đề ra các giải pháp hiệu quả để tăng thu nội địa; bảo đảm an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho ý kiến chỉ đạo cụ thể liên quan đến vấn đề phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế; việc thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính Nhà nước cũng như chỉ đạo các biện pháp thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử./.
 
NB
 
Một vài con số về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 9 và 9 tháng năm 2015

* Về thu - chi ngân sách nhà nước: tổng thu NSNN 9 tháng đầu năm ước đạt 683 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014; tổng chi NSNN ước đạt 823,97 nghìn tỷ đồng, bằng 71,8% dự toán.

* Về đầu tư phát triển: tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đầu năm ước thực hiện đạt 909,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, bằng 31,9% GDP, trong đó: vốn đầu tư phát triển từ NSNN thực hiện ước đạt 65,3% dự toán, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 9,65 tỷ USD, tăng 8,4%; vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân ước đạt 3,3 tỷ USD.

* Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, tỷ lệ nhập siêu ở mức kiểm soát: tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014; tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 124,6 tỷ USD, tăng 15,9%; nhập siêu 9 tháng đầu năm khoảng 3,9 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư 


Xem thêm »