Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước cho ý kiến hoàn thiện định hướng xây dựng 'Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán viên nhà nước'

23/09/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) – Ngày 22/9/2015, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã chủ trì Hội nghị góp ý kiến hoàn thiện định hướng xây dựng "Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán viên nhà nước".

Hội nghị góp ý kiến hoàn thiện định hướng xây dựng "Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán viên nhà nước".


Tham dự Hội nghị có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên; lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác đào tạo thuộc Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ (TTKH&BDCB); đại diện Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng KTNN.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Đình Thăng – Giám đốc TTKH&BDCB cho biết, Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán viên nhà nước lần này được nghiên cứu xây dựng trên cơ sở kế thừa những nội dung phù hợp trong chương trình đào tạo hiện có của KTNN gồm những học phần, môn học, chuyên đề còn phù hợp sẽ tiếp tục sử dụng; cần chỉnh sửa, bổ sung sẽ sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn và yêu cầu của đào tạo cán bộ KTNN hiện nay.

Xuất phát từ việc phải giải quyết hài hòa yêu cầu về trình độ, tay nghề kiểm toán và yêu cầu về thực thi chức trách công vụ của công chức nhà nước, Chương trình đào tạo, bồi dưỡng KTV nhà nước được nghiên cứu theo hướng vừa bao quát được các nội dung của đào tạo nghề kiểm toán, vừa trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết của công chức nhà nước. Bên cạnh việc trang bị cho KTV nhà nước một khối lượng kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể hành nghề kiểm toán suốt đời là các khối kiến thức, kỹ năng về quản lý nhà nước, thông hiểu pháp luật, các chính sách chế độ … được xuyên suốt từ thấp đến cao.

Việc hoàn thành các chương trình là điều kiện tiên quyết để thi, bổ nhiệm các ngạch KTV nhà nước cũng như các vị trí lãnh đạo, quản lý. Ngoài ra, Chương trình còn trang bị cho kiểm toán viên nhà nước các kiến thức cơ bản về kinh tế-tài chính, nội dung trọng tâm là các kiến thức, kỹ năng về nghiệp vụ kiểm toán.

Theo Giám đốc Trung tâm, việc thiết kế chương trình đào tạo, bồi dưỡng KTV nhà nước được thực hiện theo nguyên lý từ tổng quan đến cụ thể, từ khung chương trình tổng thể đến đề cương chi tiết và tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập.

Xuất phát từ yêu cầu trên, chương trình tổng thể đào tạo, bồi dưỡng cho kiểm toán viên nhà nước gồm 02 phân hệ chương trình song song: Phân hệ 1 - các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghề cho kiểm toán viên nhà nước; Phân hệ 2 - chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức cho kiểm toán viên nhà nước. Trong đó, Phân hệ 1 gồm các chương trình đào tạo: Tiền kiểm toán viên (trợ lý kiểm toán); Theo ngạch kiểm toán viên nhà nước; Kỹ năng kiểm toán theo từng lĩnh vực; Chương trình cập nhật kiến thức, tập huấn đề cương kiểm toán, kế hoạch kiểm toán được phân cấp cho các đơn vị có chức năng kiểm toán. Phân hệ II gồm các chương trình bồi dưỡng kiến thức: Quản lý nhà nước; Kiến thức, kỹ năng quản lý theo chức vụ lãnh đạo, quản lý; Chương trình cập nhật kiến thức về kinh tế - xã hội, luật pháp, chính sách, chế độ… hàng năm.

Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan. Các ý kiến cơ bản thống nhất với định hướng xây dựng Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán viên nhà nước do Trung tâm đề xuất, một số ý kiến tham gia chi tiết về kết cấu, nội dung chương trình và phân bổ thời lượng Chương trình.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đánh giá: Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán viên nhà nước đã được Trung tâm nghiên cứu xây dựng chi tiết, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công tác đào tạo cán bộ KTNN hiện nay. Với đặc thù ngành kiểm toán là đầu vào không đồng nhất về ngành nghề nên việc thiết kế chương trình đào tạo dựa theo đối tượng và từng cấp độ là phù hợp. Trên cơ sở thống nhất định hướng xây dựng Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán viên nhà nước lần này, Tổng Kiểm toán nhà nước giao Trung tâm KH&BDCB chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và hoàn thành đề cương chương trình để sớm trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt và đưa vào giảng dạy./.

Hà Linh


Xem thêm »