KTNN báo cáo kế hoạch kiểm toán năm 2016 với Ủy ban Thường vụ Quốc hội

22/09/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) – Chiều 21/9/2015 tại nhà Quốc hội, trong khuôn khổ chương trình làm việc của phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về "Kế hoạch kiểm toán năm 2016" của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp.

Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2015, kế hoạch kiểm toán năm 2016

Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2015, Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết, đến ngày 10/9/2015, KTNN đã tổ chức xét duyệt kế hoạch kiểm toán của 160 cuộc kiểm toán, triển khai 212/288 đoàn kiểm toán, kết thúc 170/288 đoàn kiểm toán, xét duyệt 120 dự thảo báo cáo kiểm toán. Dự kiến đến 01/10/2015, KTNN sẽ cơ bản triển khai toàn bộ các cuộc kiểm toán trong kế hoạch kiểm toán 2015. Với tiến độ như hiện nay, KTNN sẽ hoàn thành toàn diện, đúng tiến độ đã đề ra trong kế hoạch kiểm toán 2015.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 70 báo cáo kiểm toán cho thấy cơ bản kết quả kiểm toán vẫn được duy trì tốt so với các năm trước, trong đó đã kiến nghị xử lý tài chính là 8.029,7 tỷ đồng.

Trình bày về Kế hoạch kiểm toán năm 2016, Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn nhấn mạnh: "Năm 2016 là năm đầu tiên Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, là năm đầu triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020, vì vậy toàn Ngành tập trung tổ chức triển khai Luật KTNN sửa đổi, tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực mọi mặt để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới”.

Trên cơ sở đó, KTNN định hướng kế hoạch kiểm toán 2016: Kết hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm toán với việc tổ chức triển khai Luật KTNN (sửa đổi); Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản chế độ,  hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình, chuẩn mực kiểm toán; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, chất lượng công tác thu thập thông tin, xây dựng kế hoạch kiểm toán, đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán; Đẩy mạnh việc kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Trong năm 2016, KTNN tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới hoạt động kiểm toán theo hướng tập trung kiểm toán tổng hợp, xác nhận tính đúng đắn, trung thực đối với báo cáo quyết toán ngân sách năm 2015 của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, nhằm phục vụ cho việc phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2015 của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quốc hội; Lựa chọn một số chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng để tổ chức cho hầu hết các KTNN chuyên ngành, khu vực cùng tham gia kiểm toán. Đặc biệt, KTNN sẽ ưu tiên kiểm toán việc thực hiện các chính sách, chế độ, chương trình và dự án trong cả giai đoạn 2011-2015, chú trọng các chương trình, dự án liên quan trực tiếp đến tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm đánh giá toàn diện, sâu sắc về các chủ đề được lựa chọn kiểm toán cho cả giai đoạn 05 năm.


Dự kiến trong năm 2016, KTNN sẽ tập trung kiểm toán 175 đầu mối, gồm: Kiểm toán ngân sách năm 2015 của 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 02 thành phố trực thuộc tỉnh; 16 Bộ, cơ quan trung ương; 13 chuyên đề, trong đó 02 chuyên đề do nhiều đơn vị trong ngành cùng tham gia kiểm toán; 04 cuộc kiểm toán hoạt động; 41 chương trình, dự án; 31 doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng; 20 đầu mối thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, khối cơ quan Đảng và Kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2015. "Để đẩy mạnh phát triển loại hình kiểm toán hoạt động, KTNN dự kiến lựa chọn 13 quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh để tổ chức cho 13 KTNN khu vực triển khai kiểm toán hoạt động đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước năm 2015 của các đơn vị này. KTNN sẽ tập trung kiểm toán hoạt động các chuyên đề trong năm 2016 để tăng cường đánh giá tính kinh tế, hiệu quả việc quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Đánh gia tính hiệu lực trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với các chương trình, dự án và chủ đề được lựa chọn kiểm toán" - Tổng Kiểm toán nhà nước nói.

Trình bày ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội về Kế hoạch kiểm toán năm 2016 của KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với nguyên tắc, định hướng, trọng tâm kiểm toán và dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2016 của KTNN. "Năm 2015 là năm cuối của kế hoạch 5 năm (2011-2015), KTNN cần tập trung đánh giá chính sách tài khóa trong năm 2015 và cả giai đoạn 2011-2015, sự phối hợp với chính sách tiền tệ, làm cơ sở ban hành chính sách tài khóa giai đoạn 2016-2020 hiệu quả hơn. KTNN cần ưu tiên kiểm toán các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị chưa kiểm toán trong năm 2015, một số đối tượng cho số thu, chi NSNN lớn và các dự án có mức đầu tư lớn; Thực hiện kiểm toán đối với đối tượng sử dụng NSNN, vốn, tài sản Nhà nước mà dư luận đang quan tâm như việc sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, các dự án đầu tư BOT, ODA, dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ; Bám sát chương trình giám sát năm 2016 của Quốc hội, UBTVQT và các cơ quan của Quốc hội..." - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển Phùng Quốc Hiển nói.

Cơ bản nhất trí với Kế hoạch của KTNN và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, các thành viên UBTVQH cũng đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện Kế hoạch Kiểm toán năm 2016.

Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao các kết quả KTNN đã đạt được trong năm 2015, "Hoạt động của KTNN đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ, tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng lên, đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi về quản lý kinh tế nói chung và quản lý tài chính- ngân sách nói riêng của Đất nước.” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận, về cơ bản, các Ủy viên UBTVQH tại phiên họp đã đồng ý với các đề xuất về Kế hoạch kiểm toán năm 2016 của KTNN. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong năm 2016, KTNN cần tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán. Hoạt động kiểm toán nên chú trọng vào chiều sâu, giảm bớt chiều rộng để tập trung vào nguồn lực hiện có.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị KTNN tiếp thu các ý kiến góp ý của các Ủy viên UBTVQH tại phiên họp này, nhằm rà soát, bổ sung hoàn thiện Kế hoạch kiểm toán năm 2016 trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII sắp tới./.

Ngọc Bích




Xem thêm »