Tăng cường chất lượng kiểm toán, đẩy mạnh đào tạo cán bộ KTNN

18/09/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Trong ngày 17 và sáng 18/9, tại Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ - Chi nhánh Đào tạo Cửa Lò (Nghệ An), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã chủ trì Hội nghị về công tác kiểm toán và công tác tổ chức đào tạo cán bộ. Tham dự Hội nghị có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Hoàng Hồng Lạc, Đoàn Xuân Tiên, Vũ Văn Họa và các lãnh đạo đơn vị trực thuộc KTNN.

Toàn cảnh Hội nghị


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn nhấn mạnh, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã được cụ thể hóa bằng Kế hoạch Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017. Từ thời điểm này, toàn ngành cần khẩn trương thực hiện hoàn thành Kế hoạch Chiến lược để sẵn sàng bước sang một nhịp mới là giai đoạn 2018-2020. Hơn nữa, địa vị pháp lý của KTNN đã được quy định trong Hiến pháp 2013, Luật KTNN (sửa đổi) cũng đã được Quốc hội thông qua. Với địa vị, vai trò mới, tuy thẩm quyền của KTNN rất lớn nhưng trách nhiệm cũng rất cao, điều này đòi hỏi KTNN phải tăng cường năng lực nội tại để đáp ứng yêu cầu. Theo đó, KTNN xác định phải đổi mới nhiều nội dung, từ khâu chọn lựa vấn đề kiểm toán, mục tiêu kiểm toán, chuyên đề kiểm toán, phương pháp kiểm toán, nội dung kiểm toán sao cho xứng tầm cơ quan KTNN.

Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn phát biểu khai mạc Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe 3 tham luận quan trọng: “Thực trạng tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2015 và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán” của Vụ Tổng hợp; “Thực trạng và đề xuất sửa đổi KHKT chi tiết, nhật ký làm việc của kiểm toán viên (KTV) và phân cấp kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT)” của Vụ Chế độ và KSCLKT; “Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức của KTNN trong thời gian gần đây và định hướng năm 2016” của Vụ Tổ chức cán bộ.

Tham luận của Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Đào Văn Dũng nhấn mạnh, năm 2015 là năm KTNN có nhiều đổi mới trong hoạt động kiểm toán, nhằm thực hiện thắng lợi chiến lược nâng cao năng lực kiểm toán trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 ngày 19/4/2010. Những chủ trương đổi mới hoạt động kiểm toán đã được KTNN cụ thể hóa và triển khai đồng bộ theo 4 nhóm giải pháp: Tăng cường kiểm toán tổng hợp trong kiểm toán ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương (T.Ư), tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; Tổ chức xây dựng đề cương kiểm toán NSĐP năm 2014 và 6 đề cương kiểm toán chuyên đề phạm vi rộng; Xây dựng và ban hành Phương án tổ chức kiểm toán năm 2015 cho từng KTNN chuyên ngành, khu vực để thống nhất tổ chức chỉ đạo hoạt động kiểm toán trong toàn ngành; Chú trọng bố trí KTV đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm để thực hiện kiểm toán các nội dung trọng tâm (trọng yếu) đạt chất lượng, hiệu quả, đồng thời bố trí 20-30% công chức kiểm toán thực hiện các công việc trước, trong và sau khi kiểm toán.

Để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là chất lượng công tác kế hoạch kiểm toán năm 2016, Hội nghị đã tập trung trao đổi về công tác kế hoạch kiểm toán; phương án tổ chức kiểm toán; xây dựng đề cương kiểm toán; đồng thời thảo luận về việc tổ chức các đoàn kiểm toán có quy mô toàn ngành; về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chuyên đề; về phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán hoạt động; về tính gắn kết giữa kế hoạch kiểm toán tổng thể với kế hoạch kiểm toán chi tiết…

Báo cáo của Vụ Chế độ và KSCLKT đã nêu rõ thực trạng, chỉ ra những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong việc: Lập xét duyệt, kiểm tra Kế hoạch kiểm toán chi tiết; Ghi chép Nhật ký làm việc của KTV.

Qua nghiên cứu những bài tham luận của các KTNN chuyên ngành, khu vực và thực tế hoạt động KSCLKT, Vụ trưởng Vụ Chế độ và KSCLKT Hoàng Quang Hàm đã đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đồng thời nhấn mạnh việc cần thiết phải đổi mới phân cấp trong KSCLKT theo hướng: Phân công cụ thể nhiệm vụ kiểm soát cho từng chủ thể: xác định rõ phạm vi cũng như cách thức kiểm soát cho từng cấp độ kiểm soát;  Sửa đổi Quy chế KSCLKT.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2016 của KTNN, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Doãn Anh Thơ đã đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận 3 nhóm nội dung lớn: Chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; Nội dung đào tạo, bồi dưỡng; Phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng.

Tham luận tại Hội nghị, Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ cho biết, năm 2016, ngành sẽ tập trung đào tạo ngạch KTV; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo cấp Phòng; đào tạo kiểm toán hoạt động; bồi dưỡng kỹ năng theo lĩnh vực và tập huấn các chuẩn mực mới được ban hành. Tổng số lớp dự kiến sẽ mở trong năm 2016 là 52 lớp, trong đó có: 1 lớp đào tạo tiền KTV; 4 lớp đào tạo ngạch KTV; 1 lớp đào tạo ngạch KTV chính; 1 lớp đào tạo ngạch KTV cao cấp; 8 lớp bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán; 2 lớp đào tạo kiểm toán hoạt động; 4 lớp bồi dưỡng lãnh đạo cấp Phòng; 26 lớp tập huấn chuẩn mực; 4 lớp tập huấn các chuyên đề kiểm toán thực hiện năm 2016; 1 tọa đàm trao đổi kinh nghiệm kỹ năng kiểm toán.

Sau khi lắng nghe các tham luận, nhiều đại biểu đã thẳng thắn đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, nêu ra những vấn đề, đồng thời đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng: Hoạt động kiểm toán, KSCLKT, đào tạo của KTNN trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Đại biểu tham dự Hội nghị đã đề xuất  nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, KSCLKT và đào tạo của KTNN

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đánh giá cao những ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu. Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo, các KTNN chuyên ngành, khu vực cần tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Đối với các cuộc kiểm toán chuyên đề, các Kiểm toán trưởng KTNN khu vực, chuyên ngành cần quan tâm triển khai sâu theo Đề cương hướng dẫn; quá trình xây dựng, trình bày, thông qua báo cáo kiểm toán phải có sự trao đổi giữa KTNN khu vực với KTNN chuyên ngành liên quan.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng bày tỏ sự đồng tình với việc KTNN các khu vực: Bên cạnh việc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, phải đi vào kiểm toán hoạt động, tiến tới đẩy mạnh kiểm toán hoạt động trong những năm tới.

Để nâng cao hiệu quả KSCLKT, Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ tăng cường thực hiện kiểm soát đột xuất, kiểm soát trực tiếp thông qua Vụ Chế độ và KSCLKT. Tổng Kiểm toán nhà nước cũng nhất trí với giải pháp cần thiết phải phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng chủ thể kiểm soát.

Về công tác đào tạo, Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo, trên cơ sở khảo sát, rà soát lại đội ngũ, hoạt động đào tạo của KTNN, cần tập trung đào tạo về lĩnh vực: Ngân sách, kiểm toán hoạt động. Đối tượng ưu tiên đào tạo trong năm 2016 là các cán bộ mới tuyển dụng của KTNN trong 5 năm trở lại đây./.

HỒNG THOAN
 

Xem thêm »