Tự hào phát huy truyền thống của Kiểm toán Nhà nước

15/09/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 11/9, KTNN khu vực I (tiền thân là KTNN khu vực phía Bắc) sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (12/9/1995-12/9/2015) và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, thiết lập nên mốc son mới trên con đường phát triển của đơn vị, tô thắm thêm trang sử truyền thống với bề dày thành tích của Kiểm toán Nhà nước.


Một số danh hiệu cao quý của tập thể và cá nhân KTNN khu vực I:
 
- Huân chương Lao động hạng Nhất
 
- Huân chương Lao động hạng Nhì
 
- Huân chương lao động hạng Ba
 
- Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ
 
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
 
- Nhiều năm được tặng Bằng khen và Cờ thi đua của ngành

- Nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Tổng Kiểm toán Nhà nước...

Tổng hợp kết quả kiểm toán 20 năm, KTNN khu vực I đã kiến nghị xử lý tài chính 40.575 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN các khoản thu về thuế và thu khác 2.569 tỷ đồng; giảm chi NSNN 2.589 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 12.906 tỷ đồng; kiến nghị UBND các cấp, các cơ quan có thẩm quyền xử lý tài chính theo quy định 22.511 tỷ đồng. Nếu tính riêng giai đoạn 2010-2015, KTNN khu vực I đã kiến nghị xử lý tài chính 37.054 tỷ đồng. Đặc biệt, kết quả kiểm toán còn giúp các đơn vị được kiểm toán hoàn thiện công tác quản lý tài chính ngân sách, đưa công tác quản lý tài chính, kế toán vào nề nếp, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính ngân sách. Giúp HĐND các cấp có thông tin tin cậy để giám sát công tác quản lý tài chính ngân sách ở địa phương, giúp các cơ quan quản lý, các đơn vị chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quản lý. Bên cạnh đó, KTNN khu vực I đã kiến nghị xem xét sửa đổi, huỷ bỏ 8 văn bản, chuyển 1 hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an.n


Thành tích này có được là nhờ KTNN khu vực I thường xuyên nhận được sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Ban cán sự đảng, Đảng uỷ và lãnh đạo KTNN; sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả và tinh thần trách nhiệm cao của các đơn vị trực thuộc KTNN; sự giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi của các địa phương, các đơn vị được kiểm toán trên địa bàn; đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu không ngừng, đầy nhiệt huyết của tập thể lãnh đạo, kiểm toán viên (KTV), công chức và người lao động KTNN khu vực I. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể khẳng định KTNN khu vực I đã có những bước phát triển quan trọng, vững chắc và toàn diện trên các mặt công tác.
 
Thời kỳ đầu thành lập (1995-2000), địa bàn hoạt động của KTNN khu vực I tương đối rộng, bao gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trải dài từ Thừa Thiên - Huế trở ra đến các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc; mỗi năm thực hiện từ 4 đến 5 cuộc kiểm toán. Sau khi các KTNN khu vực III và II thành lập, KTNN khu vực I đảm nhận nhiệm vụ kiểm toán các tỉnh từ Ninh Bình trở ra với 26 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, hàng năm thực hiện từ 10 đến 12 cuộc kiểm toán. Từ năm 2011, KTNN khu vực I được giao nhiệm vụ kiểm toán trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, gồm Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nam.
 
Ban đầu, KTNN khu vực I chỉ có Kiểm toán trưởng cùng Văn phòng và 3 phòng nghiệp vụ với tổng số khoảng 20 cán bộ, KTV, đảm nhận nhiệm vụ kiểm toán NSNN, DNNN, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản vay nợ và viện trợ của Chính phủ. Đến nay, KTNN khu vực I đã cơ bản hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy phù hợp với mô hình quản lý tập trung thống nhất, gồm: Tập thể lãnh đạo (Quyền Kiểm toán trưởng và 4 Phó Kiểm toán trưởng) cùng Văn phòng, Phòng Tổng hợp và 5 phòng nghiệp vụ chuyên sâu. KTNN khu vực I đã có 106 công chức, KTV và người lao động, trong đó ngạch KTV 85 người (chiếm 81%). Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng cao, 100% KTV có trình độ đại học trở lên, trong đó có 1 tiến sỹ, 23 thạc sỹ, 72 kỹ sư, cử nhân. Về lý luận chính trị, 9 công chức của KTNN khu vực I đã có trình độ cao cấp, 70 công chức có trình độ trung cấp.
 
Trong công tác chuyên môn, KTNN khu vực I luôn chú trọng đến việc đổi mới tổ chức hoạt động kiểm toán, phát huy tính sáng tạo, chủ động trong chỉ đạo hoạt động kiểm toán. Quy mô hoạt động kiểm toán cũng tăng dần một cách hợp lý. Hàng năm, KTNN khu vực I có thể thực hiện từ 10 đến 12 cuộc kiểm toán, trong đó có kiểm toán quyết toán ngân sách của từ 3 đến 5 tỉnh, thành phố; trong 6 năm gần đây đã kiểm toán thường niên quyết toán ngân sách của TP.Hà Nội… Đồng thời, KTNN khu vực I còn thực hiện nhiệm vụ được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao theo đề xuất, yêu cầu của các Bộ, ngành, HĐND tỉnh, thành phố.
 
Tính đến tháng 9/2015, KTNN khu vực I chủ trì thực hiện và hoàn thành 183 cuộc kiểm toán với hàng nghìn lượt đơn vị được kiểm toán, trong đó kiểm toán ngân sách địa phương 104 cuộc, kiểm toán Báo cáo tài chính của 58 DNNN, kiểm toán việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư của 17 dự án đầu tư xây dựng cơ bản và 4 cuộc kiểm toán chuyên đề. KTNN khu vực I là đơn vị tiên phong trong việc tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề. Đây là tiền đề tổ chức kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực theo định hướng phát triển của KTNN.
 
KTNN khu vực I luôn xác định nâng cao chất lượng kiểm toán là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và then chốt để chỉ đạo thực hiện các cuộc kiểm toán, do đó, chất lượng kiểm toán không ngừng được nâng cao. Giai đoạn 2005-2015, đơn vị đã có 4 cuộc kiểm toán đạt danh hiệu “Chất lượng vàng”. Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán, hoạt động giám sát của HĐND, giúp UBND các địa phương quản lý tài chính ngân sách một cách minh bạch, hiệu quả hơn, KTNN khu vực I đã ký 5 Quy chế phối hợp với Thường trực HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trên địa bàn.
 
Cùng với sự phát triển của tổ chức bộ máy, KTNN khu vực I còn chú trọng xây dựng các tổ chức Đảng, Công đoàn, Thanh niên đi vào hoạt động nề nếp, phát huy hiệu quả đồng bộ. Từ năm 2008, Đảng bộ KTNN khu vực I được nâng lên là Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy KTNN và đến nay Đảng bộ có 69 đảng viên với 7 chi bộ trực thuộc.
 
Trong bối cảnh hiện nay, vị thế mới của KTNN đã được Hiến định, cùng với Luật KTNN (sửa đổi) được Quốc hội khoá XIII thông qua, để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, phát huy truyền thống 20 năm đã đạt được, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, KTNN khu vực I định hướng phát triển trong thời gian tới là:

Thứ nhất, đổi mới phương thức kiểm toán, từng bước chuyển từ kiểm toán Báo cáo tài chính sang kiểm toán chuyên đề; kiểm toán đánh giá chính sách kinh tế và dự báo để tư vấn xây dựng chính sách; kiểm toán đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
 
Thứ hai, tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện tổ chức bộ máy cấp phòng, sắp xếp công chức, KTV của các phòng nghiệp vụ trên cơ sở bố trí nhân sự có kinh nghiệm cho Phòng Tổng hợp. Định hướng xây dựng Phòng Kiểm soát chất lượng kiểm toán.
 
Thứ ba, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và tập huấn kỹ năng kiểm toán, tăng cường kỹ năng kiểm toán tổng hợp cho cán bộ, KTV. Nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ KTV.
 
Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm toán và ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả vào công tác hành chính, gửi công văn, báo cáo, trao đổi thông tin qua hộp thư điện tử, tiết kiệm chi phí hành chính.
 
Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng uỷ và các cấp ủy chi bộ, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
 
Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, yêu nghề, tập thể lãnh đạo cùng với toàn thể công chức, kiểm toán viên của KTNN khu vực I đã và sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, khẳng định vị thế, vai trò của KTNN khu vực I là một trong những lá cờ đầu của KTNN./.

Theo Báo Kiểm toán số 37/2015

Xem thêm »