Xây dựng dự toán ngân sách nhà nước 2016: Ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước cơ cấu lại ngân sách Nhà nước

08/07/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020. Luật NSNN (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/6/2015 quy định thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2011-2015 được kéo dài đến hết năm 2016.
 
Thông tư 102/2015/TT-BTC về "Hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2016" đặt trọng tâm vào mục tiêu: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hợp lý, từng bước cơ cấu lại NSNN, tiếp tục ưu tiên đầu tư hợp lý cho con người, giải quyết tốt các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trong tình hình mới. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 14/8/2015.


Phấn đấu thu nội địa tăng ít nhất từ 15% trở lên
 
Trong nội dung xây dựng dự toán thu NSNN, Bộ Tài chính nêu rõ, dự toán thu NSNN năm 2016 phải được xây dựng tích cực và theo đúng chính sách hiện hành, trên cơ sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu NSNN năm 2015; Dự báo tình hình đầu tư, phát triển sản xuất-kinh doanh và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu năm 2016, có tính đến các tác động trong và ngoài nước trong tình hình mới; Tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm thu do thực hiện các văn bản pháp luật về thuế mới sửa đổi, bổ sung và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết quốc tế; Dự báo mức đóng góp gia tăng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do đưa các dây chuyền sản xuất mới vào vận hành của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Dự kiến số tăng thu do thực hiện các giải pháp chống thất thu, thu nợ đọng thuế từ các năm trước, các khoản thu từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi, các khoản thu được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...
 
Bộ Tài chính đặt mục tiêu huy động NSNN năm 2016 từ thuế, phí khoảng 18-19% GDP. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ tiền sử dụng đất) phấn đấu tăng bình quân tối thiểu từ 15% trở lên so với đánh giá ước thực hiện năm 2015 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách). Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phấn đấu tăng bình quân tối thiểu 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2015. Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.

Bộ Tài chính yêu cầu, các địa phương khi xây dựng dự toán thu NSNN 2016 trên địa bàn, ngoài việc phải đảm bảo các yêu cầu như đã nêu trên, phải tổng hợp toàn bộ nguồn thu phát sinh; Dựa trên cở sở đánh giá đầy đủ thực tế thực hiện năm 2014; Yêu cầu phấn đấu và khả năng thực hiện năm 2015 và số kiểm tra về dự toán thu năm 2016 được cơ quan có thẩm quyền thông báo.
 
Dự toán thu phải đảm bảo tính đúng, tính đủ từng lĩnh vực thu, từng sắc thuế theo các quy định của pháp luật về thuế. Chế độ thu, pháp luật thu từ xử phạt vi phạm hành chính, trong đó cần chú ý những chế độ, chính sách thu mới được ban hành sửa đổi, bổ sung đã có hiệu lực thi hành từ năm 2015 và những chính sách dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành trong năm 2015 và năm 2016; Tác động từ việc sắp xếp, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Tác động của việc thực thi các cam kết hội nhập quốc tế; Hiệu quả từ các hoạt động tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi trốn, lậu thuế, chuyển giá, làm giá...
 
Xây dựng dự toán chi NSNN: Triệt để tiết kiệm
 
Khi xây dựng dự toán chi NSNN năm 2016, các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương cần chú ý các nội dung: Việc xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển từ NSNN năm 2016 phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư công; Ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); Vốn đối ứng cho các dự án ODA; Bố trí vốn cho những công trình đã hoàn thành trước ngày 31/12/2015 nhưng còn thiếu vốn, các công trình chuyển tiếp cần rà soát phạm vi, quy mô đầu tư phù hợp với mục tiêu và khả năng cân đối vốn. Các dự án khởi công mới, chỉ bố trí vốn khởi công mới các dự án thật sự cấp bách đáp ứng đủ các điều kiện: nằm trong quy hoạch đã được duyệt; Xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Chậm nhất đến ngày 31/10/2015 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư.
 
Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương xây dựng dự toán chi đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho các chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt giai đoạn 2012-2015, bổ sung vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 trong tổng mức vốn trái phiếu còn lại, trong đó bố trí đủ nguồn để thu hồi các khoản vốn TPCP ứng trước.
 
Các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương sử dụng nguồn vốn NSNN, các nguồn vốn hợp khác để bổ sung vốn cho các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ triển khai dở dang nhưng chưa được bố trí đủ vốn…
 
Đối với chi thường xuyên, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương căn cứ nhiệm vụ chính trị, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 của Bộ, cơ quan và từng địa phương, xây dựng dự toán chi thường xuyên trên cơ sở định mức phân bổ chi thường xuyên của NSNN và chính sách, chế độ cụ thể đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Trong đó, chi tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương tính theo mức tiền lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng, các khoản trích theo lương thực hiện theo Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn.
 
Trong điều kiện cân đối NSNN còn khó khăn, yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN lập dự toán chi thường xuyên đúng tính chất nguồn kinh phí, triệt để tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị. Hạn chế tối đa về số lượng và quy mô tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công, phong tặng danh hiệu, tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước và các nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách khác. Dự toán chi cho các nhiệm vụ này không tăng so với số thực hiện năm 2015./.

Phương Vân


Xem thêm »