6 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực

02/07/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn)- Trong hai ngày 29 - 30/6/2015, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015 trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới cũng như tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…Trong 6 tháng đầu năm, đã có nhiều tín hiệu khởi sắc trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp


Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng cao nhất trong 5 năm 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tiếp tục tăng thấp ở mức 0,35% so với tháng trước, đưa chỉ số giá tiêu dùng nửa đầu năm nay tăng 0,86%. Trong 10 năm qua, đây là thời kỳ chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát cơ bản giữ được ổn định liên tục và tăng thấp, nhờ đó kinh tế vĩ mô đã giữ được sự ổn định trong nhiều quý. 

Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. Tốc độ tăng GDP quý II ước đạt 6,44%, cao hơn mức tăng 6,08% của quý I. Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, GDP tăng 6,28%, cao hơn nhiều so mức tăng trưởng của cùng kỳ 5 năm trở lại đây, (cùng kỳ năm 2011: 5,92%; 2012: 4,93%; 2013: 4,9%; 2014: 5,22%). Tốc độ tăng trưởng GDP quý 2 và 6 tháng đầu năm đạt cao,  mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nền kinh tế nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng cao.

Cùng với việc phục hồi của nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng cũng được cải thiện tích cực, tốc độ tăng dư nợ tín dụng cao hơn tốc độ tăng dư nợ tiền gửi. Tính đến 19/6, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 6,28% so với cuối năm 2014, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước.Khu vực dịch vụ vẫn đạt tăng trưởng khá, cao hơn so với năm ngoái; khu vực công nghiệp, xây dựng tiếp tục phục hồi và ước đạt tăng trưởng tới gần 10% cao hơn nhiều so với 4 năm gần đây.Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm ước đạt gần 78 tỷ USD, tăng hơn 9% nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của năm ngoái là gần 15%. Tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ.Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tiếp tục giảm sút tới trên 11% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều chỉ tiêu về "hỗ trợ doanh nghiệp" chưa đạt

Báo cáo về kết quả tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/2014 và Nghị quyết 19/2015 của Chính phủ về 13 nhóm nhiệm vụ giải pháp tổng thể; 80 giải pháp cụ thể tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015-2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) cho biết: Theo Nghị quyết này, trước 30/4/2015, các Bộ, ngành, và địa phương phải ban hành kế hoạch hành động. Tuy nhiên, đến 29/6/2015, Bộ KH&ĐT mới nhận được kế hoạch hành động của 12 tỉnh thành, 12 Bộ, và cơ quan.Như vậy, còn 13 Bộ, cơ quan, và 51 tỉnh thành chưa có kế hoạch hành động.

          
Toàn cảnh phiên họp

Theo Nghị quyết 19 ban hành năm 2014, đến hết năm 2015, một số chỉ tiêu môi trường kinh doanh phải đạt mức trung bình của ASEAN 6. Báo cáo của Bộ trưởng KH&ĐT cho biết, về chỉ tiêu khởi sự kinh doanh, thời gian đăng ký kinh doanh chỉ còn 3 ngày, vượt so với mức chung là 6 ngày; thời gian khởi sự kinh doanh còn 17 ngày, xếp hạng được cải thiện từ vị trí 109 lên 37, tăng 72 bậc, cao hơn nhiều mức trung bình của ASEAN 6.

Về chỉ tiêu bảo vệ nhà đầu tư theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, Việt Nam tăng từ 3,33 điểm lên 6,2 điểm, sau khi Luật Doanh nghiệp được thông qua năm 2014 với nhiều quy định mới. Xếp hạng chỉ số này tăng 105 bậc, từ 157 lên 52 đạt mức trung bình của ASEAN 6.

Về chỉ tiêu nộp thuế và bảo hiểm xã hội, trong năm 2015, số giờ nộp thuế dự kiến giảm được 380 giờ/năm, từ 537 giờ xuống còn 157 giờ/năm; tuy vậy thời gian nộp thuế vẫn chưa đạt yêu cầu, cần tiếp tục giảm thêm 35,5 giờ nữa. Quy trình nộp bảo hiểm xã hội giảm được 110 giờ, từ 335 giờ/năm, xuống 225 giờ/năm, còn tương đối xa so với mức trung bình là 49,5 giờ, cần giảm thêm 185,5 giờ nữa. Tổng thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội giảm được 480 giờ/năm, tăng 27 bậc, từ vị trí 149 lên 122. Tuy nhiên vị trí này vẫn thấp hơn nhiều so với bình quân ASEAN 6, là 97.

Về chỉ tiêu tiếp cận điện năng, Bộ Công thương và EVN đã ban hành nhiều quyết định giúp giảm 30 ngày, từ 115 còn 85 ngày, cải thiện 12 bậc từ 156 lên 144, tuy vậy vẫn chưa đạt yêu cầu, vẫn cần giảm thêm 15 ngày nữa.

Về chỉ tiêu thương mại qua biên giới, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải Quan đã rà soát, tháo gỡ nhiều chính sách liên quan… tuy nhiên thủ tục xuất nhập khẩu không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, mà còn thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành.

Về cải cách thủ tục về quản lý chuyên ngành với xuất nhập khẩu hàng hóa, theo Nghị quyết 19 năm 2015, ông Vinh cho biết sẽ chuyển hướng sang hậu kiểm, phấn đấu các chỉ tiêu đạt và vượt mức trung bình của nhóm ASEAN 6 vào cuối năm 2015 và ASEAN 4 vào cuối năm 2016.

5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của CP

           
Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Bùi Quang Vinh phát biểu tại phiên họp

Để thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng còn lại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô; Theo dõi sát biến động kinh tế thế giới, để có chính sách phù hợp kịp thời; Các Bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư; Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh 5 giải pháp chủ yếu:
Trước hết, phải kiểm soát tốt, giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. 

Thứ 2, phải tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư. Cơ chế, chính sách, thủ tục, điều kiện thuận lợi, thông thoáng, dễ dàng để người dân, doanh nghiệp làm ăn.

Thứ 3, tiếp tục đẩy mạnh các khâu đột phá về cơ chế chính sách, thể chế thủ tục, KHCN, giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực, hạ tầng; thực hiện đồng bộ tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung cho tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

Thứ 4, chăm lo đời sống nhân dân, các công tác giáo dục, y tế, việc làm, giảm nghèo cần được triển khai đồng bộ.Tập trung hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng hạn hán, khó khăn; giảm thiểu quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…

Thứ 5, yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quốc phòng an ninh, giữ vừng chủ quyền quốc gia, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

 Một số kết quả thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô
* Về thu - chi ngân sách nhà nước: Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng thu NSNN ước đạt 446,12 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014; tổng chi NSNN ước đạt 545,18 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Bội chi NSNN bằng 43,8% dự toán năm.

* Về đầu tư phát triển: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2015 ước thực hiện đạt 553,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,2%), bằng 31,1% GDP, trong đó: vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN thực hiện 86,6 nghìn tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu t­­ư trực tiếp nư­­ớc ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 6,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 0,9%). Vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân trong 6 tháng đầu năm ước đạt 2.500 triệu USD, bằng 82,5% cùng kỳ năm trước.

(Nguồn: Bộ Kế hoạch & Đầu tư)

Phương Vân

Xem thêm »