Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi)

03/06/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 2/6, các đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ngân sách Nhà nước -NSNN (sửa đổi) và tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật NSNN (sửa đổi).

Dự án Luật NSNN (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ban soạn thảo cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh  lý, hoàn thiện dự án luật và gửi xin ý kiến các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, các Đoàn đại biểu ở địa phương, tổ chức thảo luận cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học để tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về vấn đề này.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH, các đại biểu cơ bản tán thành và đánh giá cao sự chuẩn bị của các cơ quan soạn thảo, đã sửa đổi Luật NSNN theo hướng phân cấp mạnh và tạo sự chủ động hơn trong việc sử dụng ngân sách, khuyến khích các cấp ngân sách khai thác và phát triển nguồn thu, giảm dần số bổ sung, cân đối ngân sách cho cấp dưới, hạn chế cơ chế xin cho trong sử dụng NSNN.

Tại Hội trường, đã có 20/20 đại biểu phát biểu ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Đánh giá việc công khai NSNN là biện pháp rất quan trọng tạo sự minh bạch trong quản lý tài chính kinh tế và sử dụng ngân sách nhà nước, các đại biểu tập trung thảo luận về vấn đề này.

Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng, dự thảo luật đã quy định về nội dung, về hình thức, thời hạn công khai khá cụ thể nhưng chưa quy định về đối tượng chịu trách nhiệm công khai. Đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) đồng ý với dự thảo luật bổ sung quy định các cấp ngân sách, các đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách, bổ sung quyết toán khi công khai dự toán, quyết toán về tình hình thực hiện các dự toán ngân sách. Ngân sách các cấp, các đơn vị sử dụng ngân sách dự toán cần phải kèm theo báo cáo thuyết minh công khai kết quả thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, công khai các thủ tục ngân sách nhà nước, giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước của cộng đồng. Đại biểu Thân Đức Nam cho rằng: “Cần tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước của đơn vị sử dụng ngân sách để bổ sung, quy định chế tài vào dự thảo luật”.

Để khắc phục việc dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) có một số quy định chưa thống nhất với các luật có liên quan, các đại biểu cho rằng, cần rà soát, đối chiếu và chỉnh lý lại dự thảo Luật này cho phù hợp với các dự án luật có liên quan đã và sẽ được Quốc hội thông qua như: Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật đầu tư công…

Đánh giá nội dung Luật NSNN gắn với Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị Luật NSNN cần bổ sung làm rõ vấn đề về phân quyền, phân cấp ngân sách, mối quan hệ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, đảm bảo HĐND có thực quyền trong việc quyết định ngân sách địa phương trong phạm vi được phân quyền.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, cần phải xử lý triệt để vấn đề  các khoản thu chưa đưa vào ngân sách theo quy định trong dự thảo Luật này với Luật phí, lệ phí, Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Đầu tư công.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Luật Chính quyền địa phương không đánh giá tác động luật NSNN với vấn đề tăng biên chế, phát sinh nỗi lo biên chế bộ máy phình ra, ngân sách sẽ chịu đựng được ra sao. Do vậy cần đề cập đến vấn đề Luật NSNN kiểm soát như thế nào về vấn đề này. 

Về quản lý quỹ ngoài ngân sách, đa số ý kiến của các đại biểu cho rằng cần có quỹ ngoài ngân sách, nhưng cần thu hẹp các quỹ, quản lý chặt chẽ hơn, bảo đảm sự tập trung của ngân sách nhà nước, tránh sự chồng chéo trong quản lý các quỹ; đồng thời cần phải báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi của các quỹ. 

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho biết, hiện nay, Quảng Ninh có 18 loại quỹ được lập theo đúng pháp luật, nhưng trừ quỹ bảo vệ môi trường, nhìn chung các loại quỹ này đều có quy mô nhỏ; các cơ quan quản lý quỹ cũng đa dạng, manh mún dẫn đến tình trạng thiếu tập trung, đối tượng bị tác động chồng chéo, không hiệu quả. Do đó, cần thiết phải bổ sung những chế tài kiểm soát về số lượng quỹ, cơ chế thanh tra, kiểm tra, quyết toán các loại quỹ, cơ quan chủ trì báo cáo và theo dõi.

Giải trình vấn đề này, UBTVQH cho biết các quỹ hiện nay chủ yếu được thành lập theo quy định tại nhiều luật và nghị định có tính chất chuyên ngành nên với phạm vi điều chỉnh đặc thù, dự thảo Luật đã trình Quốc hội chỉ quy định nguồn thu nào thuộc phạm vi ngân sách thì phải nộp ngân sách nhà nước và điều kiện để ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ cho các quỹ nhằm hạn chế việc thành lập mới các quỹ ngoài ngân sách.

Ngoài các nội dung trên, các đại biểu cũng đã thảo luận về nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách; lập dự toán NSNN; ứng trước dự toán; xử lý chi, chuyển nguồn ngân sách…

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, về cơ bản, đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH và dự thảo Luật đã được chỉnh lý. Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện thêm dự thảo luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, đầy đủ, chặt chẽ, cụ thể các quy định của dự thảo luật. Các đại biểu cũng đề nghị sửa đổi những quy định không còn phù hợp, xóa bỏ tính lồng ghép, chồng chéo, kém hiệu quả trong quản lý NSNN, bổ sung những quy định mới nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở ý kiến thảo luận, UBTVQH sẽ chỉ đạo, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc tất cả ý kiến của đại biểu Quốc hội và sẽ báo cáo lại Quốc hội trước khi Quốc hội xem xét thông qua./.

Ngọc Bích
 

Xem thêm »