Ngày 29/12/2014, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã ký các Quyết định từ số 2240/QĐ-KTNN đến số 2260/QĐ-KTNN, trong đó lần lượt quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của từng KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực. Đáng chú ý, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã quyết định thành lập Phòng Kiểm toán hoạt động tại mỗi KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực để từng bước triển khai rộng rãi loại hình kiểm toán hoạt động trong toàn ngành.
Kiên định mục tiêu đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, trong Kế hoạch kiểm toán năm 2015 đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn ký ban hành tại Quyết định số 2238/QĐ-KTNN ngày 29/12/2014, KTNN sẽ thực hiện 8 cuộc kiểm toán hoạt động trong năm 2015, gồm các cuộc kiểm toán: Hệ thống xử lý chất thải y tế của các bệnh viện tuyến T.Ư trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015; Hoạt động giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với các DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn Nhà nước của Bộ NN&PTNT đối với niên độ tài chính 2014; Hoạt động quản lý và sử dụng Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam giai đoạn 2012-2015; Chương trình nhà ở xã hội của TP.HCM; Chương trình nhà ở xã hội của TP.Đà Nẵng; Đánh giá hoạt động cải tạo và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Dự án Phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh năm 2014; Dự án phát triển DN nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng năm 2014.
Phát triển loại hình kiểm toán hoạt động là một tất yếu
Kiểm toán hoạt động là loại hình kiểm toán mới được phát triển trên thế giới từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX.Đến nay, ngoài loại hình kiểm toán báo cáo tài chính, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã và đang đẩy mạnh loại hình kiểm toán hoạt động. Thông qua kiểm toán hoạt động, KTNN sẽ cung cấp thông tin cho các nhà quản lý về tính kinh tế, tính hiệu lực, hiệu quả đối với các thiết chế, chính sách kinh tế - xã hội và chi tiêu công, cũng như tư vấn cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc thay đổi, hoàn thiện các thiết chế, chính sách kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc sử dụng công quỹ. Thông qua kiểm toán hoạt động, những người có trách nhiệm trong việc ban hành cơ chế, chính sách và sử dụng công quỹ phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình.
Theo thống kê, tỷ trọng kiểm toán hoạt động trong hoạt động kiểm toán của KTNN các nước trên thế giới rất cao.Tại Đức, số cuộc kiểm toán hoạt động chiếm 70% các cuộc kiểm toán hàng năm.Tại Canada, tỷ lệ này chiếm 50%. Một số quốc gia châu Âu như Thụy Điển, Thụy Sĩ… mỗi năm trung bình thực hiện từ 25 đến 30 cuộc kiểm toán hoạt động độc lập. Các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, mỗi năm trung bình thực hiện từ 20 đến 25 cuộc kiểm toán hoạt động độc lập. Mỗi cuộc kiểm toán hoạt động thường bố trí từ 10 đến 12 kiểm toán viên và thời gian mỗi cuộc kiểm toán hoạt động thường kéo dài trung bình từ 9 đến 12 tháng.
Do đặc thù của loại hình kiểm toán hoạt động đòi hỏi phương pháp kiểm toán đa dạng, khác với kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ, kiểm toán viên phải có trình độ chuyên môn sâu, hiểu biết rộng về các nội dung kiểm toán, nên các nước có kinh nghiệm trong kiểm toán hoạt động thường đào tạo chuyên môn, phân chia kiểm toán viên thành các bộ phận riêng, chuyên trách đối với từng lĩnh vực tiến hành kiểm toán hoạt động. Đồng thời, các cuộc kiểm toán hoạt động thường được tổ chức độc lập với các loại hình kiểm toán khác để kiểm toán viên có thể chuyên sâu nghiên cứu.
Đối với Việt Nam, Luật KTNN quy định: “KTNN có chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước”. Theo đó, Điều 4 của Luật KTNN xác định: “Kiểm toán hoạt động là loại hình kiểm toán để kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước”. Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 cũng nhấn mạnh: KTNN phải tiến tới đẩy mạnh kiểm toán hoạt động.
Đẩy mạnh hơn nữa kiểm toán hoạt động tại Việt Nam
Thời gian qua, KTNN đã tiến hành lồng ghép một vài mục tiêu, nội dung kiểm toán hoạt động trong các cuộc kiểm toán chuyên đề được dư luận xã hội quan tâm, như: Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; Chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở; Kinh phí sự nghiệp môi trường; Quản lý sử dụng đất; Quy hoạch đô thị; Quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên khoáng sản… Qua các cuộc kiểm toán này, KTNN đã phát hiện, đánh giá và kiến nghị khắc phục những tồn tại, bất cập của cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội. Cụ thể như đối với 3 cuộc kiểm toán chuyên đề thực hiện trong năm 2012, ngoài việc kiến nghị xử lý tài chính khoảng 1.200 tỷ đồng, KTNN còn kiến nghị với Chính phủ và một số Bộ, ngành điều chỉnh, sửa đổi 37 vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách.
Tuy nhiên, theo đánh giá của KTNN, việc triển khai thực hiện loại hình kiểm toán hoạt động theo quy định của Luật KTNN cũng như kết quả đạt được của loại hình kiểm toán hoạt động của KTNN đến nay đang còn một số hạn chế. Thứ nhất, KTNN chưa thực hiện các cuộc kiểm toán hoạt động độc lập đúng với mục tiêu, phương pháp của loại hình kiểm toán này, việc triển khai kiểm toán hoạt động mới chỉ được thực hiện một phần nhỏ với mục tiêu, nội dung chủ yếu được thực hiện lồng ghép với các loại hình kiểm toán khác. Thứ hai, hoạt động kiểm toán của KTNN chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin cho Quốc hội, Chính phủ trong việc đánh giá về tính hiệu quả, hiệu lực của các chính sách kinh tế - xã hội và hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước. Vì thế, nhiều vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm như đầu tư dàn trải, phân bổ vốn chậm, hiệu quả thấp; cơ chế quản lý chất lượng, hiệu quả đầu tư công còn lỏng lẻo, lãng phí các nguồn lực ở các DNNN; sự kém hiệu quả trong việc thực thi một số chính sách kinh tế - xã hội của một số Chương trình mục tiêu quốc gia…, KTNN chưa có những kiến nghị kịp thời cho Quốc hội, Chính phủ.
Do đó, việc thành lập các Phòng Kiểm toán hoạt động tại mỗi KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực đang được kỳ vọng sẽ giúp KTNN khắc phục được những hạn chế này, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa loại hình kiểm toán hoạt động - một mục đích quan trọng trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Trước đó, vào đầu năm 2014, KTNN đã thành lập Phòng Kiểm toán hoạt động thuộc Vụ Tổng hợp và ngay trong năm 2014 đã được lãnh đạo KTNN giao tổ chức thực hiện 2 cuộc kiểm toán hoạt động thí điểm với sự tư vấn kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Quỹ Kiểm toán toàn diện Canada. Để chuẩn bị cho việc mở rộng loại hình kiểm toán hoạt động, những năm vừa qua, KTNN đã cử nhiều công chức có kinh nghiệm tham gia các khóa đào tạo, tập huấn ở một số nước có kinh nghiệm, phát triển về loại hình kiểm toán hoạt động như Anh, Đức, Australia, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ… Bên cạnh đó, KTNN còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo với sự góp mặt của các chuyên gia trên thế giới, từ đó từng bước xây dựng để chuẩn bị về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm triển khai rộng hơn loại hình kiểm toán hoạt động./.
Theo Báo Kiểm toán 3/2015