Tăng cường ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2015 - 2020

08/01/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 5/12/2014, Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn đã ký quyết định ban hành Đề án Tổng thể phát triển CNTT của KTNN giai đoạn 2015 - 2020 để hiện thực hóa chủ trương Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã được đề ra. Theo đó, ngành KTNN xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là tăng cường ứng dụng CNTT vào các hoạt động của KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của KTNN, từng bước hiện đại hóa cơ quan KTNN, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.


Trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động của KTNN đã được quan tâm, chỉ đạo, bước đầu thực hiện có hiệu quả và thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT của KTNN vẫn còn hạn chế, chưa khai thác, phát huy được tối đa tính năng, lợi ích, hiệu quả của việc sử dụng thiết bị CNTT; các đơn vị chưa thực sự đánh giá đúng tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, chưa thực sự coi CNTT là phương tiện chủ lực để đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển. Do vậy việc tổ chức thực hiện ứng dụng CNTT chưa có sự quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt; đầu tư kinh phí cho các chương trình, dự án ứng dụng CNTT tuy đã có sự quan tâm, nhưng so với yêu cầu phát triển CNTT thì chưa tương xứng, chưa có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ, chủ yếu chú trọng đầu tư nhiều đến phần cứng, chưa tính tới sự phù hợp, đồng bộ với nhu cầu phát triển về ứng dụng phần mềm CNTT, các ứng dụng phần mềm hiện nay được phát triển theo nhu cầu một cách đơn lẻ, rời rạc, chưa tính đến sự kết nối, đồng bộ dữ liệu, trao đổi thông tin để tối ưu hóa lợi ích sử dụng; chưa có một chiến lược phát triển CNTT tổng thể nên việc định hướng phát triển nguồn nhân lực CNTT trong những năm qua chưa được đầu tư một cách thỏa đáng.  Để thực hiện thành công chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt, KTNN cần sớm giải quyết các tồn tại nêu trên. Vì vậy, Đề án tổng thể phát triển CNTT cho KTNN đến năm 2020 đã xác định mục tiêu cụ thể cần đạt được là:

Về ứng dụng: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động kiểm toán, tăng cường áp dụng các phương pháp và CNTT hiện đại vào công tác kiểm toán để tăng dần số lượng các cuộc kiểm toán tại trụ sở KTNN, giảm dần thời gian kiểm toán tại đơn vị nhằm giảm chi phí; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác chỉ đạo điều hành và quản lý các hoạt động của KTNN. Đến năm 2020, phấn đấu đạt 100% văn bản, tài liệu nội bộ được lưu trữ, trên 90% văn bản, tài liệu chính thức được trao đổi dưới dạng điện tử.

Về hạ tầng: Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cho các hoạt động ứng dụng CNTT của KTNN trong phạm vi toàn ngành, đảm bảo phương tiện thông tin và truyền thông phục vụ các hoạt động kiểm toán, chỉ đạo điều hành và quản lý nội bộ hoạt động một cách ổn định, an toàn, bảo mật và hiệu quả trên môi trường mạng; xây dựng Trung tâm dữ liệu tập trung với công nghệ tiên tiến, phù hợp, đáp ứng việc triển khai các ứng dụng CNTT đến năm 2020; xây dựng hệ thống mạng nội bộ (LAN) đảm bảo yêu cầu hoạt động của các đơn vị trực thuộc; xây dựng mạng diện rộng (WAN) kết nối toàn ngành, đảm bảo đường truyền tốc độ cao; xây dựng hệ thống an toàn bảo mật ở mức độ cao; 100% công chức được trang bị đầy đủ thiết bị CNTT phục vụ công việc.

Về nhân lực CNTT: Phát triển nguồn nhân lực CNTT đủ số lượng, chất lượng đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng hệ thống CNTT và công tác kiểm toán CNTT; nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ công chức chuyên trách CNTT đảm bảo đủ khả năng quản lý, vận hành và phát triển hệ thống CNTT của KTNN; nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT vào công việc của công chức, từng bước nâng cao năng lực của kiểm toán viên trong việc thực hiện kiểm toán trong môi trường CNTT; 100% công chức tham gia sử dụng phần mềm được đào tạo, hướng dẫn về tác nghiệp, quản trị, vận hành phần mềm theo các nghiệp vụ chuyên môn phụ trách; đẩy mạnh hình thức đào tạo trực tuyến cho công chức; song song với đó cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định nhằm đảm bảo tốt việc ứng dụng CNTT tại KTNN.

Để đạt được mục tiêu về ứng dụng CNTT trong các hoạt động của KTNN, Đề án đưa ra các nhóm giải pháp ứng dụng sau:

Về giải pháp ứng dụng CNTT: (i) Đối với nhóm phần mềm hỗ trợ hoạt động chỉ đạo điều hành và quản lý nội bộ: cần lựa chọn giải pháp tự phát triển theo yêu cầu, phân quyền hợp lý cho người sử dụng, phù hợp với đặc thù của KTNN, được xây dựng có tính mở, cung cấp tốt thông tin cho các phần mềm có liên quan; (ii) Đối với nhóm phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán: đây là nhóm phần mềm có quy mô lớn (cả về khối lượng dữ liệu, số người dùng, phạm vi rộng…), độ phức tạp rất cao. Do tính chất đặc thù về tính chất dữ liệu, phần mềm này đòi hỏi bảo mật ở mức cao, vì vậy cần phải lựa chọn mua nền giải pháp của nước ngoài, nghiên cứu chỉnh sửa các chức năng phù hợp với yêu cầu về quản lý hoạt động của KTNN, phần mềm cần triển khai với mức độ bảo mật cao nhất, đảm bảo có tính mở, liên thông với các phần mềm hỗ trợ khác có liên quan. Đối với  các lĩnh vực kiểm toán chưa có phần mềm thương mại hỗ trợ thì đề xuất tự phát triển; (iii) Đối với nhóm các phần mềm hỗ trợ phân tích, tổng hợp, trao đổi thông tin: Phần mềm này xử lý khối lượng dữ liệu lớn, yêu cầu về tính năng kỹ thuật ở mức cao, vì vậy đề xuất giải pháp lựa chọn mua nền giải pháp của nước ngoài, nghiên cứu chỉnh sửa các chức năng phù hợp với yêu cầu về quản lý hoạt động của KTNN; phần mềm cần phải chạy trên môi trường web, dữ liệu quản lý tập trung, phân quyền hợp lý cho các đơn vị, người dùng.

Về giải pháp hạ tầng CNTT: Để đáp ứng việc triển khai các phần mềm ứng dụng, khai thác dịch vụ mạng và đảm bảo tính an toàn bảo mật thông tin giải pháp cho hạ tầng được đề cập đó là việc đầu tư hệ thống máy chủ ứng dụng và cơ sở dữ liệu tập trung, xây dựng hệ thống ảo hóa và quản trị hạ tầng tập trung để sử dụng một cách tối ưu tài nguyên phần cứng, triển khai hệ thống lưu trữ tập trung và phương án sao lưu phục hồi khi có sự cố, xây dựng hạ tầng mạng trung tâm dữ liệu, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trung tâm dữ liệu; xây dựng hệ thống mạng LAN và kết nối WAN tại các đơn vị trực thuộc trong toàn ngành; và đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hệ thống an toàn và bảo mật thông tin nhiều lớp, bao gồm lớp mạng, lớp ứng dụng, lớp cơ sở dữ liệu, lớp người dùng ... cùng với việc ban hành các chính sách về an toàn bảo mật thông tin gắn với việc trang bị các phần mềm có bản quyền.

 Về giải pháp nguồn nhân lực CNTT: Căn cứ vào việc triển khai ứng dụng CNTT vào các hoạt động của KTNN, giải pháp lựa chọn công nghệ và định hướng phát triển loại hình kiểm toán CNTT, nguồn nhân lực CNTT sẽ được phát triển để phù hợp nhằm bảo đảm làm chủ được hệ thống thông tin, đồng thời triển khai thành công kiểm toán trong môi trường CNTT cho KTNN, từng bước kiện toàn từ 1-3 cán bộ chuyên trách CNTT tại các đơn vị trực thuộc, đặc biệt quan tâm kiện toàn nhóm chuyên chuyên gia có trình độ chuyên môn cao về CNTT và hiểu biết sâu về hoạt động kiểm toán, nhóm chuyên gia này có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị phổ biến triển khai ứng dụng hoạt động kiểm toán trong môi trường CNTT và làm nòng cốt phối hợp với các đơn vị kiểm toán để kiểm toán các dự án đầu tư CNTT của các bộ ngành, địa phương; đội ngũ nhân lực CNTT cần được quan tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ theo hai hình thức là: đào tạo theo từng dự án triển khai để có thể tiếp nhận và sử dụng thành thạo sản phẩm hệ thống của dự án; đào tạo chuyên sâu nhằm giúp công chức của KTNN làm chủ được toàn bộ hệ thống CNTT.

Tổ chức thực hiện

Để triển khai có hiệu quả Đề án, Tổng KTNN giao: Vụ Tổ chức cán bộ Tham mưu thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án do lãnh đạo KTNN làm Trưởng ban, lãnh đạo Trung tâm Tin học làm Phó Trưởng ban và lãnh đạo các đơn vị (Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng KTNN, Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Pháp chế, đại diện lãnh đạo KTNN chuyên ngành, khu vực,…) là ủy viên để chỉ đạo chung công tác triển khai Đề án; tham mưu cho Ban chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực CNTT và mô hình tổ chức đơn vị chuyên trách CNTT;  Văn phòng KTNN tham mưu cho lãnh đạo KTNN trong công tác bố trí các nguồn lực thực hiện dự án phù hợp với tiến độ triển khai;  Trung tâm Tin học chịu trách nhiệm tham mưu cho Ban chỉ đạo thực hiện Đề án trong lĩnh vực chuyên môn CNTT, phối hợp với các đơn vị trực thuộc KTNN tham mưu cho Ban chỉ đạo trong việc xây dựng yêu cầu nghiệp vụ cần tin học hóa đã được đề xuất trong Đề án; các đơn vị trực thuộc KTNN phối hợp với Trung tâm Tin học tham mưu cho Ban chỉ đạo trong việc xây dựng yêu cầu nghiệp vụ cần tin học hóa đã được đề xuất trong Đề án.

Nhiệm vụ 2015

Theo phân kỳ đầu tư của Đề án, năm 2015 ngành sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả, thiết thực Dự án CNTT 1, bao gồm: Thiết kế tổng thể ứng dụng CNTT; đầu tư hệ thống máy chủ và bản quyền phần mềm; hoàn thiện, nâng cấp phần mềm quản lý tài chính, phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm đạo tạo và đặc biệt ưu tiên cao đầu tư Ứng dụng phần mềm hoạt động kiểm toán và Nhóm phần mềm hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán với tổng kinh phí dự kiến là 22 tỷ đồng.

Có thể nói, việc triển khai thực hiện thành công Đề án tổng thể phát triển CNTT của KTNN giai đoạn 2015-2020 sẽ góp phần quan trọng hiện đại hóa cơ quan KTNN, xây dựng cho KTNN một hệ thống thông tin tổng thể, có tính liên kết trao đổi thông tin một cách chặt chẽ, tận dụng tối đa các thế mạnh của CNTT hiện nay và trong tương lai, đồng thời nâng cao hiệu quả các hoạt động trong quản lý hành chính, các hoạt động trong công tác kiểm toán. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT sẽ làm minh bạch các hoạt động của KTNN, từ đó góp phần thực hiện thành công chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực và phù hợp với thông lệ quốc tế trong xu thế hội nhập./.

Quán Hải

Xem thêm »