Năm 2014, kinh tế Việt Nam ước tăng trưởng 5,8%

24/10/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII nêu rõ, 9 tháng đầu năm 2014, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt, kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Dự kiến năm 2014, kinh tế nước ta sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 5,8%; năm 2015, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%.


Năm 2014, kinh tế ước tăng trưởng 5,8%

Kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay tiếp tục tăng trưởng; quý I đạt 5,09%, quý II đạt 5,25%, quý III đạt 6,19%, tính chung 9 tháng đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước; ước cả năm 2014 đạt khoảng 5,8%. Sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,7%. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,5%. Khu vực dịch vụ tăng gần 6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,1% (loại trừ yếu tố giá tăng khoảng 6,2%). Khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đạt trên 6 triệu lượt, tăng 10,4%, ước cả năm đạt khoảng 8 triệu lượt.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, 9 tháng tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua; dự kiến cả năm tăng dưới 5%. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,26% (cùng kỳ là 6,87%), dự kiến cả năm tăng 12 - 14% theo kế hoạch. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5%; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP. Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục giảm. Đến 18/9/2014, dư nợ cho vay bằng VNĐ có lãi suất trên 15% chỉ còn chiếm 4,25% tổng số dư nợ cho vay VNĐ (cuối năm 2013 là 6,3%); dư nợ cho vay bằng VNĐ có lãi suất trên 13%/năm chỉ còn chiếm 12,16% tổng dư nợ (cuối năm 2013 là 19,72%).

Đến cuối tháng 9/2014, tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn tăng 6,9% (trong đó đối với lĩnh vực lúa gạo tăng 22,3%); dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách ước đạt trên 126,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2013. Đến cuối tháng 8 năm 2014, tín dụng xuất khẩu tăng 4,14%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 15,78%; công nghiệp hỗ trợ tăng 6,06%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,81% so với cuối năm 2013. Tín dụng bất động sản có xu hướng phục hồi, tăng 11,5% so với cuối năm 2013. 

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã được triển khai trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; đến cuối tháng 9/2014, các ngân hàng thương mại cam kết hỗ trợ gần 7 nghìn khách hàng với tổng số tiền trên 108 nghìn tỷ đồng. 

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng mức tín nhiệm đối với Việt Nam từ B2 lên B1 và đánh giá triển vọng ổn định. Ngày 9/10/2014, Moody’s có báo cáo đánh giá chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã được cải thiện, quản trị ngân hàng đã được nâng cao.

Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá cao. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 14,4%. Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tăng 13% (cùng kỳ tăng 3%). Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng cao (hạt tiêu tăng 41,5%, cà phê tăng 31%, giầy dép tăng 24,5%, hạt điều tăng 23,7%, thủy sản tăng 23,7%, máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 22,1%, dệt may tăng 19%, điện thoại và các loại linh kiện điện tử tăng 11,3%). Nhập khẩu tăng 11,6%, chủ yếu là máy móc, thiết bị và nguyên nhiên vật liệu. Ước cả năm xuất khẩu khoảng 148 tỷ USD, tăng 12,1%; nhập khẩu khoảng 146,5 tỷ USD, tăng 11%. Cán cân thương mại, cán cân vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế tổng thể tiếp tục thặng dư. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 109,9 tỷ USD, tăng 14,4%; trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản đạt 16,8 tỷ USD, tăng 15,1%; nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 79,6 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của các doanh nghiệp trong nước tăng 13% (cùng kỳ năm 2012 giảm 1,1%; năm 2013 tăng 3%), của các doanh nghiệp FDI (tính cả dầu thô) tăng 15,1% (cùng kỳ năm 2012 tăng 34%; năm 2013 tăng 22,4%).

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 81,3% dự toán (cùng kỳ năm 2012 đạt 67,3%, năm 2013 đạt 66,5%), tăng 17,2% so với cùng kỳ. Ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán. Bảo đảm chi theo kế hoạch và nhu cầu cấp bách phát sinh. Bội chi ngân sách 5,3% GDP. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép tại Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội.

Dư nợ công cuối năm 2013 bằng 54,2%; dư nợ chính phủ bằng 42,3%; dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP. Dự kiến đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 60,3%; dư nợ chính phủ 46,9%; dư nợ nước ngoài của quốc gia 39,9% GDP. 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ, ước cả năm bằng khoảng 30,1% GDP. Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng 12,8%, ước cả năm tăng 5,45%. Vốn FDI thực hiện đạt 8,9 tỷ, tăng 3,2%, ước cả năm đạt 12,5 tỷ USD, tăng 8,7%. Vốn ODA giải ngân đạt 4,1 tỷ, tăng 10%, ước cả năm đạt 5,5 tỷ USD, tăng 7,1%. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ ước cả năm tăng khoảng 18,3%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng qua các quý; trong đó quý I tăng 7,2%; quý II tăng 9,3%; quý III tăng 13,4%; tính chung 9 tháng tăng 10,3%.

Quản lý thị trường, giá cả được tăng cường; giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi có loại giảm đến 34%, giá thuốc chữa bệnh qua đấu thầu giảm bình quân 25 - 30%. Tiếp tục thực hiện giá thị trường theo lộ trình đối với xăng dầu, điện, than, nước sạch, các dịch vụ giáo dục, y tế... đồng thời thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách. Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được đẩy mạnh. Sau khi thực hiện các biện pháp bình ổn, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm và ổn định hơn; có mặt hàng giảm đến 34%. Thực hiện cơ chế mới về đấu thầu, giá thuốc chữa bệnh qua đấu thầu giảm bình quân 25-30%.

Năm 2015: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2% 

Năm 2015, phấn đấu về kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5%; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.

Chính phủ sẽ tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá, kiểm soát tốt lạm phát. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp với yêu cầu tăng trưởng gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng. Ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại tệ và bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam. Thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh.

Tăng cường quản lý ngân sách nhà nước; tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá; triệt để tiết kiệm chi ngân sách, không tăng chi thường xuyên ngoài lương; bảo đảm bội chi theo kế hoạch. Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định. Dự kiến dư nợ công năm 2015 là 64%, năm 2016 là 64,9%, năm 2017 là 64%, đến năm 2020 giảm còn 60,2% GDP. Dư nợ Chính phủ năm 2015 là 48,9%, năm 2016 là 49,5%, năm 2017 là 49%, đến năm 2020 giảm còn 46,6% GDP. Dư nợ nước ngoài của quốc gia năm 2015 là 42,6%, năm 2016 là 46,9%, năm 2017 là 46,8%, đến năm 2020 giảm còn 46% GDP.

Đẩy mạnh xuất khẩu. Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu hàng hóa. Khai thác tốt nhất các cam kết quốc tế và thị trường hiện có. Nỗ lực đàm phán để mở thêm thị trường mới thông qua các Hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực. Đa dạng hóa và không để phụ thuộc vào một thị trường. Sử dụng các biện pháp phù hợp kiểm soát nhập khẩu. Nâng cao hiệu quả xử lý các tranh chấp thương mại.

Tăng cường huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đa dạng hóa các kênh huy động vốn, các hình thức đầu tư. Có cơ chế phù hợp để tăng tính thương mại của các dự án, khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.

Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiếp tục thực hiện giá thị trường đối với xăng dầu, điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục... theo lộ trình phù hợp. Đồng thời hỗ trợ thiết thực đối tượng chính sách và hộ nghèo./.

"Trong 14 chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt, vượt và 1 chỉ tiêu không đạt. Đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta", 13 chỉ tiêu đạt, vượt Kế hoạch năm 2014 gồm:
1. Tốc độ tăng trưởng GDP.
2. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu.
3. Tỷ lệ nhập siêu.
4. Tốc độ tăng giá tiêu dùng.
5. Giảm tỷ lệ hộ nghèo.
6. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi ở khu vực thành thị.
7. Tạo việc làm.
8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo.
9. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
10. Số giường bệnh/1 vạn dân.
11. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được xử lý.
12. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
13. Tỷ lệ che phủ rừng. 
1 chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ lao động qua đào tạo (đạt 49% so với kế hoạch 52%). 

Tường Vy


Xem thêm »