(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 15 tháng 9 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định 51/2014/QĐ-TTg về một số nội dung liên quan đến việc thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước.
Với 3 Chương, 23 Điều, Quyết định này quy định một số nội dung về thoái vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính theo Đề án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà Nhà nước không cần duy trì tỷ lệ nắm giữ theo phương án sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước; về bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của 100% vốn nhà nước.
Về thoái vốn của doanh nghiệp, Quyết định quy định cụ thể nguyên tắc thoái vốn và các trường hợp thoái vốn dưới mệnh giá; thoái vốn dưới giá trị sổ sách kế toán; thoái vốn nhà nước đầu tư tại các công ty tài chính, ngân hàng thương mại; các khoản vốn đầu tư SCIC tham gia mua lại; Tổ chức bán cổ phần.
Theo đó, chủ sở hữu vốn nhà nước theo phân cấp quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ thực hiện thoái vốn (chuyển nhượng vốn) theo quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ.
Việc thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách kế toán phải đảm bảo các nguyên tắc: Hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất khi chuyển nhượng vốn.
Việc chuyển nhượng vốn theo hình thức thỏa thuận chỉ thực hiện sau khi bán đấu giá không thành công (không có hoặc chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá) hoặc không bán hết số cổ phần, phần vốn nhà nước chào bán qua đấu giá, trừ trường hợp bán thỏa thuận các cổ phiếu đã niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom với giá bán thỏa thuận theo quy định. Trường hợp bán thỏa thuận không thành công thì doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo chủ sở hữu vốn nhà nước đề nghị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xem xét, mua lại.
Doanh nghiệp có trách nhiệm trích lập bổ sung cho đủ dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo nguyên tắc: Đối với các khoản đầu tư chứng khoán, thời điểm trích lập dự phòng bổ sung là thời điểm xây dựng phương án chuyển nhượng vốn; Đối với các khoản đầu tư tài chính dài hạn, thời điểm trích lập dự phòng bổ sung là thời điểm xây dựng phương án chuyển nhượng vốn và căn cứ vào báo cáo tài chính quý gần nhất của doanh nghiệp có vốn góp tại thời điểm xây dựng phương án chuyển nhượng vốn; Trường hợp khoản đầu tư tại công ty đại chúng chưa niêm yết không thể xác định giá cung cấp tối thiểu bởi ba công ty chứng khoán tại thời điểm lập dự phòng thì thực hiện trích lập dự phòng như khoản đầu tư tài chính dài hạn.
Giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá công khai được xác định trên cơ sở kết quả của đơn vị có chức năng thẩm định giá nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của khoản đầu tư trừ đi dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đã được trích lập bổ sung đầy đủ theo quy định. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Bộ quản lý ngành và UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước góp tại doanh nghiệp khác (sau đây gọi chung là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước) quyết định giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá.
Quyết định nêu rõ, đối với vốn nhà nước đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng sau khi xử lý theo quy định mà vẫn không bán được hoặc không bán hết thì doanh nghiệp báo cáo chủ sở hữu vốn nhà nước đề nghị SCIC xem xét, thỏa thuận mua số cổ phần, phần vốn nhà nước còn lại theo mức giá không cao hơn giá khởi điểm khi bán thỏa thuận không thành công hoặc không cao hơn giá bán thỏa thuận thành công (trong trường hợp không bán hết số cổ phần, phần vốn nhà nước). Giá SCIC mua lại số cổ phần, phần vốn nhà nước phải đảm bảo không cao hơn giá trị sổ sách kế toán trừ đi dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đã được trích lập đầy đủ theo quy định. Trường hợp không thỏa thuận được với SCIC việc chuyển nhượng số cổ phần, phần vốn nhà nước thì chủ sở hữu vốn nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Đối với vốn nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, SCIC căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và nguyên tắc đầu tư vốn để xem xét, quyết định mua lại. Giá mua lại các khoản đầu tư này cũng theo nguyên tắc như đối với lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng.
Quyết định về một số nội dung liên quan đến việc thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2014./.
Thành Vinh