(kiemtoannn.gov.vn) - Ở Việt Nam, sự ra đời và phát triển của cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là một tất yếu khách quan góp phần đảm bảo phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. Để khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong hệ thống các cơ quan kiểm tra, kiểm soát tài chính Nhà nước, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân, trong những năm qua Ban cán sự, Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trên mọi phương diện, trong đó đã xây dựng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt vào tháng 4 năm 2010. Với mục tiêu xác định giá trị cốt lõi để phát triển KTNN là “Minh bạch - Chất lượng - Hiệu quả và không ngừng gia tăng giá trị”, việc thực hiện Chiến lược sẽ góp phần tăng cường hơn nữa tính hiệu quả, tính chuyên nghiệp và nâng cao hiệu lực hoạt động của KTNN, phù hợp với xu thế phát triển của các Cơ quan Kiểm toán Tối cao trên thế giới.
(Trong ảnh: Các kiểm toán viên KTNN đang thực hiện nhiệm vụ chuyên môn)
Nhằm lựa chọn và thực hiện một số hoạt động quan trọng, mang tính ưu tiên cao thuộc Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, KTNN đã xây dựng Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013 - 2017, trong đó đã xác định 08 Mục đích chiến lược cần thực hiện, trong đó Mục đích chiến lược 7 - Phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu là một trong 03 Mục đích chiến lược có liên quan trực tiếp và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động kiểm toán hiện nay của KTNN.
Thực trạng thực hiện mục đích chiến lược phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu
Nhận thức được tầm quan trọng của việc triển khai hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu theo mục đích chiến lược 07 của Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017, KTNN đã xác định rõ các mục tiêu cần đạt được là: Xây dựng và ban hành các quy định, tài liệu hướng dẫn kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; Áp dụng kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu.
Để thực hiện mục tiêu này, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo về việc xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực KTNN, thành lập Tổ soạn thảo chuẩn mực, theo đó KTNN sẽ thực hiện soạn thảo 44 chuẩn mực trong đó có một số chuẩn mực liên quan đến xác định rủi ro và trọng yếu kiểm toán (Chuẩn mực Xác định và vận dụng trọng yếu kiểm toán; chuẩn mực Xác định và đánh giá rủi ro kiểm toán). Và thực tế đến nay Ban soạn thảo đã đang trong quá trình triển khai xây dựng các chuẩn mực kiểm toán.
Song song với việc xây dựng chuẩn mực kiểm toán, khi hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2014 và kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 20142016 (Công văn số 955/KTNNTH ngày 11/7/2013), Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đã yêu cầu các đơn vị phải xác định trọng tâm (trọng yếu) kiểm toán cho từng lĩnh vực và trọng yếu kiểm toán cho từng cuộc kiểm toán. Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thu thập thông tin, lập kế hoạch kiểm toán của đoàn, tổ kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Công văn số 617/KTNN-TH ngày 12 tháng 5 năm 2014, theo đó các kế hoạch kiểm toán chi tiết phải xác định rõ trọng tâm, rủi ro kiểm toán.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xây dựng chuẩn mực kiểm toán của Tổ soạn thảo chuẩn mực và quá trình triển khai thực hiện xây dựng kế hoạch kiểm toán của các đơn vị trong ngành còn khá nhiều tồn tại, hạn chế và bất cập, cụ thể:
Trong công tác xây dựng chuẩn mực:
Việc xây dựng các chuẩn mực nói chung và chuẩn mực có liên quan đến việc triển khai hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu là một vấn đề mới và khó, có nhiều khái niệm mới nên trong quá trình soạn thảo đã gặp không ít khó khăn;
Hầu hết các công chức, kiểm toán viên tham gia xây dựng chuẩn mực đều là những công chức nòng cốt tại các đơn vị trong ngành (Lãnh đạo vụ, lãnh đạo phòng Tổng hợp thuộc các Vụ, lãnh đạo các bộ phận tham mưu...), do đó thời gian dành cho công tác nghiên cứu và xây dựng chuẩn mực còn bị chi phối bởi các KTV này còn phải đảm đương nhiều công việc khác của đơn vị.
Mặc dù nguồn tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu và xây dựng chuẩn mực rất phong phú, đa dạng (gồm cả tài liệu trong và ngoài nước) song cách tiếp cận cũng như xử lý vấn đề có nhiều điểm không tương đồng với đặc thù hoạt động kiểm toán của KTNN (chủ yếu là tài liệu liên quan đến kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà ít có tài liệu liên quan đến lĩnh vực ngân sách, đầu tư). Mặt khác, các tài liệu hầu hết được dịch thô từ tài liệu nước ngoài, trong khi các nội dung này đòi hỏi phải sử dụng nhiều từ chuyên ngành mang tính chuyên môn sâu về lĩnh vực kiểm toán, do đó rất khó trong việc tiếp cận và kế thừa.
Năng lực, kỹ năng cũng như kinh nghiệm trong xây dựng chuẩn mực của các thành viên trực tiếp tham gia soạn thảo chuẩn mực cũng còn chưa đáp ứng theo yêu cầu đặt ra, trong khi đó tiến độ phải hoàn thành các chuẩn mực là rất gấp, phần nào hạn chế đến công tác nghiên cứu, xây dựng.
Không nhỏ bộ phận kiểm toán viên còn ngại thay đổi trong tư duy và cách làm việc, nhất là việc tiếp cận đối với phương pháp kiểm toán mới và khó, vì vậy sự ủng hộ, phối hợp tham gia thực hiện cũng gặp những trở ngại nhất định.
Trong công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán:
Công tác khảo sát thu thập thông tin về đơn vị được kiểm toán tại một số đơn vị còn chưa được quan tâm đúng mức, một số trường hợp, thông tin, số liệu thu thập còn chưa đầy đủ, thậm chí không chính xác, nhất là thông tin về các chính sách vĩ mô của Nhà nước, bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Mặt khác, Ngành cũng chưa xây dựng xong hệ thống cơ sở dữ liệu về các đầu mối thuộc phạm vi kiểm toán của KTNN, chưa xây dựng được hệ thống chuẩn mực kiểm toán, hồ sơ, mẫu biểu có liên quan nên việc xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro kiểm toán trong KHKT của từng cuộc kiểm toán và trong kế hoạch kiểm toán chi tiết tổ kiểm toán còn chung chung, chưa gắn với thông tin đã thu thập được và đặc thù hoạt động của đối tượng được kiểm toán, thậm chí có những kế hoạch kiểm toán còn chưa có đầy đủ thông tin xong vẫn đưa ra được trọng yếu kiểm toán. Việc xác định trọng yếu còn theo lối mòn và kinh nghiệm.
Giải pháp tổ chức thực hiện mục đích chiến lược phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu
Theo ông Hoàng Văn Lương – KTNN Chuyên ngành II, để đạt được mục tiêu đề ra theo lộ trình phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, KTNN cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Giải pháp tổ chức thực hiện xây dựng chuẩn mực
Mỗi thành viên trong Tổ soạn thảo cần nhận thức rằng việc thực hiện kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn đến chất lượng hoạt động kiểm toán của Ngành, do đó, cần đề cao hơn nữa trách nhiệm, trọng trách được giao để tập trung trí tuệ, thời gian vào xây dựng chuẩn mực được chất lượng, đáp ứng tiến độ đã đề ra.
Việc xây dựng Chuẩn mực kiểm toán đòi hỏi phải tập trung thời gian, trí tuệ của tất cả các thành viên trong Ban, Tổ soạn thảo, trong khi đó có nhiều chuẩn mực khó, thậm chí có những chuẩn mực lần đầu tiên Ngành tiếp cận nghiên cứu, bởi vậy lãnh đạo KTNN, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc (có KTV tham gia Tổ chuẩn mực) cần có cơ chế khuyến khích, động viên, tạo mọi điều kiện cho các thành viên Tổ soạn thảo, nhằm giúp các thành viên yên tâm thực thi nhiệm vụ đạt chất lượng, hiệu quả; xem xét, có thể giãn tiến độ ban hành một số Chuẩn mực hoặc tăng cường nhân sự cho các Tổ soạn thảo, nhằm giảm áp lực về thời gian để nâng cao chất lượng xây dựng chuẩn mực.
Các đơn vị trong ngành cần thực hiện nghiêm túc Văn bản số 53/KTNN-CĐ ngày 20/01/2014 của Tổng KTNN về việc tạo điều kiện cho các thành viên tập trung thực hiện nhiệm vụ của Tổ soạn thảo Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước. Đề cao trách nhiệm phối hợp trong việc tham gia có trách nhiệm và có chất lượng vào dự thảo các chuẩn mực khi Ngành tổ chức thảo luận và lấy ý kiến, nhằm giúp Ban soạn thảo chuẩn mực có cái nhìn nhiều chiều để xem xét, tiếp thu hoàn thiện Chuẩn mực, để chuẩn mực khi được ban hành phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của ngành.
Mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ hỗ trợ từ các chuyên gia của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới và khu vực có bề dày kinh nghiệm trong soạn thảo, ban hành và áp dụng chuẩn mực kiểm toán nói chung và chuẩn mực kiểm toán liên quan đến xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro nói riêng nhằm hướng dẫn, đào tạo cho các thành viên Ban soạn thảo chuẩn mực KTNN trong xây dựng chuẩn mực. Trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức cho các thành viên Ban soạn thảo đi học tập và trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước về việc xây dựng chuẩn mực kiểm toán có liên quan đến xác định trọng yếu và phân tích rủi ro.
Giải pháp về Phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu
Xây dựng và ban hành chuẩn mực, quy trình, tài liệu hướng dẫn kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu cả về lý luận và thực tiễn áp dụng, tuân thủ và phù hợp với hướng dẫn của ISSAIs. Chọn lọc những kinh nghiệm của các cơ quan kiểm toán tối cao để nghiên cứu, vận dụng nhằm hướng dẫn cho phù hợp với đặc thù hoạt động của KTNN Việt Nam, đảm bảo theo đúng lộ trình đã đặt ra.
Kiểm toán dựa trên xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro là vấn đề mới, đòi hỏi KTV phải có trình độ và khả năng xét đoán chuyên môn cao, trong khi năng lực và kinh nghiệm của KTV trong phân tích, xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro còn hạn chế, do đó cần thiết phải xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, đội ngũ giảng viên và cách thức đào tạo cho phù hợp để các KTV có thể áp dụng một cách hiệu quả.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền dưới nhiều nội dung và hình thức khác nhau về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc thực hiện kiểm toán nhằm thay đổi tư duy, nhận thức và cách làm đối với từng cấp lãnh đạo, từng kiểm toán viên về vấn đề này nhằm từng bước thực hiện các cuộc kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu một cách toàn diện (từ giai đoạn lập KHKT, thực hiện kiểm toán đến lập BCKT). Coi đây là nhiệm vụ cấp thiết, yêu cầu bắt buộc các KTNN chuyên ngành, khu vực phải thực hiện hàng năm. Trước mắt, khi chưa ban hành được chuẩn mực kiểm toán và các tài liệu hướng dẫn có liên quan đến xác định trọng yếu và phân tích rủi ro kiểm toán, Ngành vẫn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị cần phải xác định được trọng yếu và phân tích rủi ro kiểm toán trong các kế hoạch kiểm toán cuộc kiểm toán và kế hoạch kiểm toán chi tiết của Tổ kiểm toán để từng bước tiếp cận dần với phương pháp kiểm toán mới này.
Trong trường hợp cần thiết, khi triển khai thực hiện cuộc kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu lần đầu có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia trong và ngoài ngành trong khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán cuộc kiểm toán cũng như kế hoạch kiểm toán chi tiết của Tổ kiểm toán, chương trình kiểm toán.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cũng như với đơn vị được kiểm toán nhằm tạo môi trường thông tin cần thiết phục vụ cho việc xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro kiểm toán.
KTNN sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động, quản lý và sử dụng có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu về các đầu mối kiểm toán, bởi đây là nguồn dữ liệu thông tin quan trọng và cần thiết để làm cơ sở cho việc xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro kiểm toán.
Tổ chức Hội thảo khoa học toàn ngành về hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu theo lĩnh vực kiểm toán được phân công, theo đó giao cho mỗi KTNN chuyên ngành, khu vực cần tổ chức nghiên cứu một chuyên đề chuyên sâu để thảo luận giúp KTV nắm bắt sâu hơn về những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn hoạt động kiểm toán, chia sẻ những kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện giữa các đơn vị trong hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu để tìm ra giải pháp thực hiện có hiệu quả./.