Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)

18/08/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều 15/8, trong buổi làm việc cuối của Phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên cho ý kiến về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).

Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình bày dự thảo Luật KTNN sửa đổi


Một số ý kiến tại buổi làm việc đề nghị bổ sung đối tượng kiểm toán trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và làm rõ vai trò của Quốc hội trong việc giám sát, xử lý các kiến nghị, kết luận của KTNN.

Bổ sung đối tượng kiểm toán trong hoạt động kiểm toán của KTNN
Luật Kiểm toán nhà nước (Luật KTNN) được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006. Đây là văn bản pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cơ sở pháp lý cao nhất hiện nay quy định về tổ chức và hoạt động của KTNN.

Tuy nhiên, sau hơn tám năm thực hiện, một số quy định của Luật KTNN đã bộc lộ hạn chế, cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hoạt động KTNN; đặc biệt là phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 với các quy định mới về KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Từ lý do này, việc sửa đổi Luật KTNN nhằm bảo đảm tính độc lập cao đối với hoạt động KTNN; hoàn thiện địa vị pháp lý của KTNN, tương xứng vị trí, vai trò của KTNN với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính công cao nhất của Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; phân định rõ vị trí, chức năng của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát khác của Nhà nước, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý tài chính, tài sản công.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) là đối tượng kiểm toán. Điều 118 Hiến pháp quy định KTNN thực hiện kiểm toán đối với việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Để cụ thể quy định tại Điều 53 và Điều 55 của Hiến pháp về “tài chính, tài sản công”, Điều 5 Dự thảo quy định cụ thể đối tượng kiểm toán của KTNN là hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, gồm: (1) Thu, chi ngân sách nhà nước các cấp; (2) Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước; (3) Nguồn tài chính công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; (4) Các khoản nợ công; (5) Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời; (6) Các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý; (7) Tài chính, tài sản công khác. Đây là các quy định cần thiết, quy định phù hợp với Hiến pháp nhằm bao quát việc kiểm toán đối với tất cả các nguồn lực tài chính, tài sản công, nhất là trong điều kiện chưa có luật nào quy định một cách đầy đủ, toàn diện nhất về vấn đề tài chính, tài sản công.

Nhìn chung các ý kiến tại buổi làm việc đồng tình với quy định về đối tượng kiểm toán tại Điều 4 của Dự thảo luật. Việc quy định cụ thể đối tượng kiểm toán như Dự thảo luật bảo đảm rõ ràng, hợp lý, đã cụ thể hóa quy định về phạm vi, đối tượng được kiểm toán của KTNN phù hợp với quy định tại Điều 118 của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị, cần quy định gọn lại sau khi bổ sung khái niệm “Tài chính công” và “Tài sản công” vào Điều 4 của Dự thảo luật. Theo đó, nội dung Điều 5 sửa lại như sau: “Đối tượng kiểm toán của KTNN là hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Có ý kiến lại cho rằng việc liệt kê đối tượng kiểm toán như dự thảo chưa đầy đủ, thiếu một số tổ chức quan trọng bắt buộc phải kiểm toán như Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế.

Làm rõ sự phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan của Quốc hội
Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách - Cơ quan thẩm tra dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), Dự thảo luật còn có một số quy định chưa đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành như quy định trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội chưa thống nhất với Luật tổ chức Quốc hội, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân chưa thống nhất với Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; thẩm quyền của Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc quy định gửi báo cáo tài chính chưa thống nhất với Luật kế toán và Luật Ngân sách Nhà nước; quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong hoạt động Kiểm toán Nhà nước chưa bao quát, thống nhất với Luật khiếu nại...

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng cơ quan soạn thảo cần cụ thể hóa trong dự thảo về những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, cản trở công việc của KTNN; cần đối chiếu với dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) trong việc quy định trách nhiệm phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan của Quốc hội.

Nhấn mạnh đến vai trò của Quốc hội trong hoạt động của KTNN, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng cơ quan KTNN là vũ khí của Quốc hội trong kiểm soát, đánh giá việc sử dụng Ngân sách Nhà nước, tài sản công. Dó đó, dự thảo Luật cần đề cao vai trò của Quốc hội trong giám sát, xử lý các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị được kiểm toán. “Quốc hội phải là trọng tài phán quyết kết luận của KTNN đối với cơ quan được kiểm toán,” Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh.

Một số ý kiến tại buổi làm việc cũng góp ý dự thảo nên có quy định cụ thể trách nhiệm của KTNN trong việc tham gia góp ý kiến đối với quy trình quản lý ngân sách nhà nước (NSNN); xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của KTNN nói riêng và yêu cầu kiểm soát chất lượng của Nhà nước đối với hoạt động của KTNN nói chung./.

Xem thêm »