Chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập quốc tế

15/05/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 13 tháng 5 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập Quốc tế.


Được biết, Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể hóa đường lối đối ngoại và chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra. Nghị quyết 22 khẳng định chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết đã chỉ rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và những định hướng chủ yếu để triển khai công tác hội nhập quốc tế toàn diện trong thời gian tới.
 
Thực hiện sự phân công Bộ Chính trị, Chương trình hành động này được Ban Cán sự Đảng Chính phủ thông qua và Chính phủ ban hành với mục tiêu tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ chủ yếu nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 22-NQ/TW. Chương trình hành động này sẽ xác định các nội dung công việc cụ thể, lộ trình, thời gian thực hiện mà các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương cần tập trung triển khai trong thời gian tới.
 
Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện việc thông tin, tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết.
 
Đồng thời, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng thể chế và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế. Trong đó, xây dựng và triển khai Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chú trọng đổi mới thể chế, phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy theo hướng tăng  cường rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bãi bỏ các quy định pháp luật không phù hợp với các cam kết quốc tế, nội luật hóa các cam kết quốc tế, ban hành các quy định mới đáp ứng các yêu cầu hội nhập; Kiện toàn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu; Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngoại giao Nhà nước với Đối ngoại Đảng và Đối ngoại nhân dân, giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh bảm đảm các hoạt động hội nhập quốc tế được thực hiện đồng bộ, nhất quán; Tăng cường đào tạo, bối dưỡng nâng cao nhận thức và năng lực hội nhập quốc tế cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành.
 
Đối với hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ yêu cầu cần rà soát, cập nhật và tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bảo đảm hài hòa, đồng bộ với Chương trình hành động về hội nhập quốc tế; bổ sung các nhiệm vụ mới để đáp ứng được những yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển của đất nước từ nay đến năm 2020; Xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do (FTA), Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020; Nâng cao hiệu quả tham gia và tăng cường đóng góp thiết thực tại các cơ chế hợp tác đa phương ở châu Á Thái Bình Dương cũng như đề xuất và dẫn dắt các sáng kiến mới, ở tầm khu vực và toàn cầu, trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu…
 
Trong lĩnh vực chính trị, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với phát triển và an ninh của đất nước, tăng cường đan xen lợi ích trên các lĩnh vực; Tích cực chủ động tham gia và phát huy vai trò của nước ta tại các thể chế đa phương, nhất là trong việc đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN và định hướng  phát triển Cộng đồng sau năm 2015, nâng cao hiệu quả tham gia Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN, thúc đẩy hợp tác trong các cơ chế khu vực do ASEAN giữ vai trò trung tâm; Chuẩn bị việc đăng cai các sự kiện ngoại giao đa phương lớn và ứng cử của Việt Nam vào các tổ chức quốc tế quan trọng; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền…
 
Trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được yêu cầu xây dựng và triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng đến năm 2020, khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, vị thế quốc tế của đất nước nhằm góp phần xây dựng quân đội từng bước hiện đại và tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước, đồng thời nâng cao chất lượng dự báo, tham mưu chiến lược, tăng cường khả năng bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước; Xây dựng và triển khai kế hoạch tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ năm 2014, Chiến lược hội nhập quốc tế trong lĩnh vực an ninh đến năm 2020…
 
Cũng theo Nghị quyết, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan đến hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, dân tộc, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ và các lĩnh vực khác.
 
Trên cơ sở những nội dung nhiệm vụ chủ yếu trong Chương trình hành động này và căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, Chính phủ giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động của bộ, ngành, địa phương mình, báo cáo Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế trong tháng 6/2014, trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm./.

Xem thêm »