Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán sẽ được trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám. Nhưng tại Hội thảo về sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán do Ủy ban Tài chính – Ngân sách tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, các đại biểu nhất trí cho rằng, cần sửa đổi toàn diện luật hiện hành để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Từ năm 2003 đến nay, Luật Kế toán cùng với các văn bản quy định về chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán và tổ chức công tác kế toán... đã tạo điều kiện hoàn thiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Các quy định, chế độ kế toán cũng được bổ sung, sửa đổi phù hợp với điều kiện hội nhập, giúp nhà đầu tư có được thông tin cần thiết để quyết định tham gia các hoạt động đầu tư, phát triển thị trường tài chính cũng như dịch vụ về kế toán. Nhưng theo đại diện Bộ Tài chính, Luật Kế toán quy định hạch toán theo giá gốc, điều này không phản ánh được tình hình biến động tài sản và nợ phải trả tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Do nguyên tắc kế toán này mà các chuẩn mực kế toán không thể cập nhật theo sự thay đổi của điều kiện kinh tế - xã hội.
Về chế độ kế toán, theo Luật Kế toán hiện hành, các quy định về chế độ kế toán được giao cho Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn chi tiết với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành. Tuy nhiên, trên thực tế hệ thống tổ chức tín dụng vẫn được áp dụng theo chế độ kế toán riêng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định. Xét về bản chất hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp với mục đích kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, có thể xếp vào khu vực kế toán doanh nghiệp.
Trong khi, nếu không thống nhất chế độ kế toán thì sẽ không bảo đảm nguyên tắc nhất quán trong công tác này. Bên cạnh hạn chế này, theo Bộ Tài chính, Luật Kế toán hiện hành được ban hành từ năm 2003, trước khi nước ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nên không tiên liệu được thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội. Thay đổi quan trọng là công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực kế toán, nên các thao tác kế toán đa số được thực hiện trên máy, xuất hiện các chứng từ điện tử của giao dịch trực tuyến. Nhưng Luật Kế toán hiện hành lại quy định thực hiện các thao tác kế toán bằng phương thức thủ công khiến doanh nghiệp mất chi phí in ấn, lưu trữ sổ kế toán, chứng từ bằng giấy.
Do đó, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán đã bổ sung nguyên tắc hạch toán giá trị tài sản thường xuyên biến động theo giá gốc hoặc giá trị hợp lý theo quy định của Bộ Tài chính. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về một số hành vi nghiêm cấm, chứng từ kế toán được lập dưới dạng điện tử, định nghĩa lại khái niệm hóa đơn, ghi nhận việc ghi sổ kế toán bằng máy vi tính... Đặc biệt, dự thảo Luật tập trung quy định cụ thể về các cá nhân, doanh nghiệp hành nghề dịch vụ kế toán; điều kiện đăng ký hành nghề kế toán, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán...
Nhưng từ thực tế kiểm toán các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thu, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Kiểm toán Nhà nước Lê Huy Trọng cho biết, tại một số địa phương đã có tình trạng chứng từ chưa đầy đủ, chưa bảo đảm chặt chẽ; sắp xếp chưa khoa học; chứng từ kế toán thanh toán chưa hợp lý. Ngoài ra, tại một số địa phương cũng có tình trạng chưa phản ánh đầy đủ các khoản thu chi sự nghiệp trong sổ kế toán; hạch toán không chính xác các nghiệp vụ kinh tế phát sinh; hạch toán sai tài khoản, sai nguồn kinh phí. Một số sở tài chính đã không thực hiện ghi thu, ghi chi đầy đủ các khoản chi từ nguồn phí, lệ phí; chưa nộp lại ngân sách cấp trên nguồn kinh phí thừa, hết nhiệm vụ chi hoặc thực hiện giảm trừ dự toán năm sau. Đại diện Kiểm toán Nhà nước khu vực 3 cũng cho biết, nhiều đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện công tác kế toán, chưa thực hiện mở đầy đủ sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết theo quy định. Việc sửa sai trên Sổ quỹ chưa đúng quy định và chưa chốt số dư hàng ngày, ghi sổ không đầy đủ, không đúng số phiếu thu, phiếu chi; sổ kế toán và thủ quỹ còn chưa trùng khớp. Hầu hết các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công ích chưa theo dõi hạch toán giá trị tài sản thuộc sở hữu nhà nước giao cho đơn vị quản lý, vận hành. Một số tài sản tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không thực hiện trích khấu hao tài sản cố định.
Những hạn chế trong thực hiện nghiệp vụ kế toán tại các cơ quan chức năng được cho là do năng lực của kế toán viên còn hạn chế, không nắm chắc các quy định pháp luật hoặc có tình trạng cố tình vi phạm. Ngoài ra, một lý do khác là do Bộ Tài chính mới ban hành chế độ tài chính sự nghiệp, trong khi các đơn vị này hiện nay đang thực hiện nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư tài chính dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo quy định của Bộ Tài chính, các đơn vị sự nghiệp khi thực hiện liên kết, liên doanh sẽ thực hiện theo Chuẩn mực số 07 - Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết, Chuẩn mực số 08 - Thông tin tài chính về các khoản góp vốn liên doanh. Tuy nhiên, đây là những chuẩn mực kế toán cho khu vực doanh nghiệp, có tổ chức, điều kiện hoạt động khác với khu vực công. Sự vênh nhau giữa quy định pháp luật và thực tế hoạt động đã khiến nhiều đơn vị sự nghiệp lúng túng khi thực hiện các nghiệp vụ kế toán.
Mặt khác, Luật Kế toán hiện hành chỉ quy định về trình tự kiểm tra kế toán mà thiếu hẳn một vế quan trọng là cơ quan nào có quyền kiểm tra kế toán. Do không xác định rõ trách nhiệm thanh tra, kiểm tra kế toán cụ thể nên công tác này thường được thực hiện cùng với việc kiểm tra các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị. Công tác kiểm tra kế toán chỉ được thực hiện bởi cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới. Vậy công tác kiểm tra kế toán có tiến hành thường xuyên hay không là phụ thuộc vào ý thức của cơ quan cấp trên hay sao? Khi trách nhiệm tự kiểm tra không rõ thì việc xử lý, khắc phục tình trạng các địa phương lơ là thực hiện công tác này sẽ dựa vào cơ sở nào?
Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển kiểm toán, kế toán đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã xác định Kho bạc Nhà nước sẽ tiến hành xây dựng mô hình và tổ chức thực hiện chức năng tổng kế toán Nhà nước. Để thực hiện yêu cầu này, từ năm 2012 đến nay, ngân sách Nhà nước đã được hạch toán, tổng hợp trên một hệ thống, thông tin của các đơn vị được tập trung tại máy chủ của Kho bạc Nhà nước, làm cơ sở cho điều hành ngân sách. Kho bạc Nhà nước dự kiến, trong thời gian tới, sẽ tích hợp thông tin của thuế, hải quan về số đã thu, số phải thu và số còn phải thu; thông tin của các đơn vị đang quản lý, sử dụng ngân sách; đưa thông tin về các công trình, tài sản quốc gia đã đưa vào sử dụng nhưng không có đơn vị nào quản lý; sở hữu vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp; tài sản xác lập thuộc Nhà nước. Thực hiện mô hình tổng kế toán Nhà nước sẽ giúp chủ động theo dõi, thống kê tình hình tài chính, tài sản của quốc gia, của địa phương, từ đó giúp các cơ quan chức năng có số liệu chuẩn xác, lựa chọn phương thức quản lý phù hợp. Tuy nhiên, mô hình này chưa có cơ sở pháp lý cho việc hình thành và hoạt động, chỉ dựa vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền, chức năng của Kho bạc Nhà nước. Vậy tại sao trong dự thảo Luật lại không quy định vấn đề có ý nghĩa quan trọng với điều hành, quản lý tài chính quốc gia này?
Thực tế đang đòi hỏi sửa đổi toàn diện các quy định của Luật Kế toán hiện hành nhằm giúp công tác kế toán ở nước ta tiệm cận với chuẩn mực kế toán của thế giới, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong nhiều năm qua để hình thành hệ thống thông tin kế toán chính xác, có khả năng so sánh giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho rằng, việc thay đổi từ sửa đổi, bổ sung một số điều sang sửa đổi toàn diện dự thảo Luật đã có tiền lệ trong hoạt động lập pháp của QH.
Những hạn chế, tồn tại của Luật hiện hành và những yêu cầu, đòi hỏi đặt ra đối với pháp luật về kế toán đều đã được xác định rõ, nên việc sửa đổi toàn diện Luật này là việc trong tầm tay.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán sẽ được trình QH xem xét tại Kỳ họp thứ Tám tới. Nhưng ngay từ khi bắt đầu xây dựng dự án Luật này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách – cơ quan chủ trì thẩm tra đã chủ động tổ chức các hoạt động với cơ quan trình dự án để trao đổi thông tin, thảo luận các vấn đề còn có ý kiến khác nhau; chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, tham vấn chuyên gia... nhằm bảo đảm tính khách quan, toàn diện, khoa học của báo cáo thẩm tra. Và hơn cả là để hoàn thiện dự thảo Luật, giúp tạo công cụ cho việc phản ánh, ghi chép bức tranh về vốn, tài sản của doanh nghiệp, tổ chức xã hội chính xác, kịp thời, ngăn chặn sai phạm xảy ra. Chuyên nghiệp, khoa học và sâu sát ngay từ quá trình chuẩn bị dự án Luật bên sân của Chính phủ là phương thức hoạt động hiệu quả của Ủy ban Tài chính – Ngân sách và các cơ quan của QH để giúp QH có được những sản phẩm lập pháp tốt nhất, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của đất nước và nhân dân./.
Theo daibieunhandan.vn