Kiểm toán 37 chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo giai đoạn 2005-2012: Chính sách xóa đói giảm nghèo phải “hợp lòng dân” hơn nữa!

09/05/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2005-2012 do Hội đồng Dân tộc phối hợp với Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây, bức tranh giảm nghèo đã được các đại biểu phác họa bằng những gam màu trầm: thiếu đất để đồng bào “an cư lạc nghiệp”, mua bán đất trái phép, chính sách chồng chéo, dàn trải, phân bổ nguồn lực chưa hợp lý… Thực tế kết quả kiểm toán 37 chương trình - dự án (CT-DA) liên quan đến giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 của KTNN cũng đã chứng minh: Bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện các chính sách pháp luật giảm nghèo vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Nhiều hạn chế làm giảm hiệu quả các CT-DA
Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Hoàng Quân (đại diện KTNN tham dự phiên giải trình) cho biết, qua kết quả kiểm toán các chương trình, dự án (CT-DA) liên quan đến giảm nghèo, công tác chỉ đạo của các Bộ, ngành đối với một số CT-DA còn hạn chế, thực hiện chức năng trách nhiệm phân công còn chưa đầy đủ; quản lý, triển khai các CT-DA còn trùng lắp, phức tạp. Cụ thể, chương trình 30a giai đoạn 2009-2011 tổ chức thực hiện liên quan đến hơn 10 Bộ, ngành ở T.Ư và hơn 10 sở, ban, ngành ở địa phương gây khó khăn, chồng chéo trong quá trình phối hợp thực hiện. Việc thực hiện quá nhiều CT-DA (16 Chương trình mục tiêu quốc gia, hơn 10 khoản bổ sung có mục tiêu của T.Ư và các nguồn vốn của địa phương) gây phức tạp trong điều hành, dẫn tới tình trạng dàn trải, thiếu tập trung trong bố trí vốn, quy định về lồng ghép các nguồn vốn vẫn còn chưa cụ thể.

Kết quả kiểm toán Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (Chương trình 30a), Chương trình MTQG Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng đồng bào dân tộc (Chương trình 135) cho thấy, một số Bộ, ngành ban hành không kịp thời hoặc chưa đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách; nhiều địa phương không có văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách của T.Ư để các huyện, xã nghèo tổ chức thực hiện.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập trong công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc không được phát hiện kịp thời để chấn chỉnh, khắc phục là do công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chưa đảm bảo toàn diện và thường xuyên. Thậm chí một số chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình 30a giai đoạn 2009-2011, Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chính sách 167), Chương trình 135 có tình trạng tổng hợp, xác định đối tượng không phù hợp, thực hiện hỗ trợ sai đối tượng quy định.

Thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở, “gốc rễ” của đói nghèo, tái nghèo cũng từ đó mà ra. Theo báo cáo của Uỷ ban Dân tộc, giai đoạn 2012-2016, vẫn còn tới 327.000 hộ gia đình có nhu cầu về đất ở và đất sản xuất. Cùng với đó, kết quả kiểm toán Chương trình 30a giai đoạn 2009-2011 cũng cho thấy phần lớn các hộ chưa thực hiện xong việc giao đất, giao rừng và cấp quyền sử dụng đất cho các hộ nghèo; công tác quản lý quy hoạch đất, giao rừng còn chưa đảm bảo chặt chẽ. Tình trạng giao thiếu diện tích đất, điều kiện sản xuất nơi ở mới còn khó khăn, chậm trễ trong cấp quyền sử dụng đất và công tác khai hoang, đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu tại một số khu, điểm tái định cư còn chưa đầy đủ, đồng bộ do chưa phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa dân tộc thiểu số,... là thực trạng được KTNN chỉ ra qua kiểm toán Dự án Tái định canh, định cư thuộc Dự án Thủy điện Sơn La.

Qua kiểm toán tại cấp quản lý cơ sở và đối tượng thụ hưởng, công tác tuyên truyền các chính sách giảm nghèo chưa được phổ biến sâu rộng, thường xuyên tới từng địa bàn, người dân dẫn đến việc nắm bắt chính sách, chế độ, đối tượng thụ hưởng còn hạn chế; việc triển khai một số chính sách chưa đảm bảo công khai, minh bạch hoặc chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế, nguyện vọng của người dân. Điều này cắt nghĩa tại sao nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi gần 70% (báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội).

Chất vấn các Bộ trưởng tại phiên giải trình, nhiều đại biểu đã nêu lên thực trạng nhiều dự án, chương trình liên quan đến giảm nghèo chưa được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện. Lý giải vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, trong điều kiện NSNN còn hạn hẹp, nguồn lực cho giảm nghèo trước hết phải ưu tiên cho các chương trình chính sách về an sinh xã hội. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán lại cho thấy, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn của các CT-DA về giảm nghèo còn gây thất thoát, lãng phí. Cụ thể, qua kiểm toán Chương trình 30a giai đoạn 2009-2011, Chương trình 135 giai đoạn II tại 8 tỉnh, Chương trình 134 (Quyết định số 134/2004/QĐ-TTG ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ) và Chính sách 167, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính với tổng số tiền 1.297,3 tỷ đồng.

Một số kiến nghị nhằm xóa đói, giảm nghèo hiệu quả
Phó Tổng Kiểm toán Lê Hoàng Quân cho biết, một trong những kiến nghị quan trọng được KTNN đưa ra nhằm khắc phục tồn tại trong công tác xóa đói giảm nghèo đó là với thực tế nguồn lực chưa dồi dào, cần giảm bớt số lượng đầu mối chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng xây dựng thành một hoặc nhóm chương trình mục tiêu chung (bao gồm tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ chi trên địa bàn huyện nghèo) tập trung nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, đạt hiệu quả cao hơn. Cùng với đó, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các Ban chỉ đạo chương trình, tinh giản bộ máy lãnh đạo tránh cồng kềnh, trùng lắp trong quá trình chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; nghiên cứu ban hành đầy đủ, kịp thời, đồng bộ hệ thống chính sách, văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện đối với từng dự án, chương trình hỗ trợ giảm nghèo tại các Bộ, ngành, cơ quan T.Ư theo lĩnh vực ngành kinh tế - xã hội, đặc điểm vùng miền; tập trung rà soát, xác định mục tiêu giảm nghèo gắn với tiêu chí nông thôn mới; sắp xếp các mục tiêu, nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khả năng nguồn lực đầu tư để có cơ sở điều chỉnh, phê duyệt lại các đề án, kế hoạch nhiệm vụ thuộc CT-DA giảm nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng về chính sách giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo hiệu quả, mục tiêu của các CT-DA.

Để đáp ứng nguồn lực cho các CT-DA, KTNN kiến nghị Bộ Tài chính cần chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng hợp nhu cầu kinh phí của các huyện nghèo, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm; việc bố trí phải dựa trên tiêu chí cụ thể theo vùng, miền và từng địa phương, không bình quân như hiện nay. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam báo cáo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đảm bảo cân đối đủ nguồn cấp cho Ngân hàng Chính sách các tỉnh để đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng hộ nghèo.

Mang “tâm tư” của những người làm công tác kiểm tra, giám sát, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Hoàng Quân trăn trở khi ở nhiều nơi, việc thực hiện các kết luận và kiến nghị kiểm toán nói trên vẫn còn chưa nghiêm. Trước những tồn tại trong công tác xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Giàng Seo Phử cũng đã thẳng thắn thừa nhận “có kiến nghị nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc”. Câu hỏi đặt ra với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương: Bao giờ các kết luận, kiến nghị của KTNN được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả hơn để chính sách “hợp lòng dân” hơn, thực sự thấm sâu vào cuộc sống của tầng lớp dân nghèo?./.

Theo Báo Kiểm toán số 18/2014


Xem thêm »