Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Cho ý kiến về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu, phê chuẩn

24/04/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 23-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của QH; dự thảo Nghị quyết về việc các cơ quan của QH, ban của Ủy ban Thường vụ QH, Đoàn đại biểu QH, đại biểu QH, Hội đồng nhân dân (HĐND), đại biểu HĐND các cấp tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và thi hành Hiến pháp (sửa đổi)
Theo Ủy ban Pháp luật của QH, từ tháng 6-2013 đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được, việc lập, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn những hạn chế, như: một số dự án trình không theo đúng tiến độ; vẫn còn tình trạng "tồn đọng" văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; chất lượng chuẩn bị một số dự án còn hạn chế...

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) dự kiến trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương dự kiến trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Đến nay, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình hai dự án này trong một kỳ họp QH. Các ý kiến cho rằng, như vậy là chậm so với tiến độ chung và chậm so với yêu cầu trình QH xem xét cùng với các dự án luật về tổ chức. Nhiều đại biểu nêu rõ, hai dự án luật này còn liên quan đến nội dung của một số luật khác (như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật), do đó, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị giữ tiến độ việc trình QH dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chấp nhận lùi thời gian trình dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) một kỳ họp QH, bảo đảm chất lượng chuẩn bị để trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.

Các ý kiến đề nghị Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cần đề cao nhiệm vụ xây dựng pháp luật, coi thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và thi hành Hiến pháp (sửa đổi) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong hoạt động của cơ quan mình.

Tính đến ngày 30-3-2014, Ủy ban Pháp luật đã nhận được đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 gồm 94 dự án luật (theo phương án 1) và 90 dự án luật (theo phương án 2) của Chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng, số lượng dự án luật là quá lớn, trong đó, có nhiều dự án mới chưa có trong Chương trình khóa XIII. Như vậy là vượt quá khả năng chuẩn bị cũng như quỹ thời gian của các cơ quan liên quan và khả năng xem xét, thông qua của QH. Do đó, để bảo đảm tính khả thi của Chương trình năm 2015, tránh bị điều chỉnh quá nhiều, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa các cơ quan liên quan, cân nhắc thận trọng, xác định rõ quan điểm, căn cứ lập dự kiến Chương trình.

Đáng chú ý, trong Chương trình năm 2015, Chính phủ đề xuất QH phương án tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật (khoảng 10 đến 15 ngày vào cuối tháng 7-2015). Theo phương án này, tổng số các dự án luật, pháp lệnh mà Chính phủ phối hợp chỉnh lý, trình trong năm 2015 là 38 dự án. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Trần Văn Hằng và nhiều đại biểu không tán thành đề xuất này, vì sẽ gây tốn kém tài chính, lãng phí thời gian và đề nghị chỉ tổ chức hai kỳ họp như hiện nay, nhưng có thể xem xét kéo dài kỳ họp để có thêm thời gian cho ý kiến vào các dự án luật.

Giám sát việc tiếp nhận đơn, thư; giải quyết khiếu nại, tố cáo
Báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến đóng góp dự thảo Nghị quyết về việc các cơ quan của QH, ban của Ủy ban Thường vụ QH, Đoàn đại biểu QH, đại biểu QH, HĐND, đại biểu HĐND các cấp tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết: Về trách nhiệm của đại biểu QH, thực hiện quy định tại Điều 79 Hiến pháp (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết thể hiện theo hướng không hạn chế đại biểu QH trong việc tiếp công dân. Cụ thể, có quy định: Ngoài trách nhiệm tiếp công dân ở Đoàn đại biểu QH, đại biểu QH chủ động về thời gian, hình thức, địa điểm tiếp công dân cho phù hợp với điều kiện của đại biểu; đối với việc tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, đại biểu QH không hạn chế phạm vi, lĩnh vực trong việc nhận, chuyển đơn...

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu yêu cầu: Nghị quyết phải khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, tố cáo, kiến nghị. Trong đó, trách nhiệm của các cơ quan của QH, ban của Ủy ban Thường vụ QH, Đoàn đại biểu QH, đại biểu QH, HĐND, đại biểu HĐND các cấp là giám sát việc thực hiện các hoạt động nói trên. Phó Trưởng ban Dân nguyện Bùi Nguyên Súy cũng cho rằng, việc tiếp dân, giải quyết đơn thư của QH, các cơ quan của QH có tính chất, mục tiêu khác với tiếp công dân của cơ quan hành pháp, đó là, việc tiếp dân, giải quyết đơn thư phải gắn với công tác giám sát mới có thể góp phần giải quyết những bất cập, hạn chế hiện nay.

Những năm gần đây, tình trạng công dân gửi đơn, thư đến QH, các cơ quan của QH ngày càng tăng, diễn biến phức tạp, tạo ra tình trạng đơn, thư chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, vượt thẩm quyền... Trong khi việc phân định lĩnh vực, thẩm quyền xử lý đơn thư của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH được căn cứ vào Luật Tổ chức QH và việc tiếp nhận, xử lý đơn, thư nhằm mục đích phục vụ công tác chủ yếu là thẩm tra và giám sát, kiến nghị theo lĩnh vực của Hội đồng, các ủy ban được giao. Vì vậy, khi nhận được đơn, thư của công dân, các cơ quan của QH phải tổ chức phân loại, chuyển đến cơ quan xử lý theo lĩnh vực, cho nên tình trạng chuyển đơn, thư "lòng vòng" là không tránh khỏi. Đây là vấn đề rất phức tạp xảy ra đối với QH từ nhiều năm nay nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục. Để khắc phục tình trạng này, Chủ tịch QH đề xuất, tại địa điểm tiếp công dân, cần quy định Ban Dân nguyện là cơ quan thường trực đại diện cho các cơ quan của QH, ban thuộc Ủy ban Thường vụ QH trong việc tiếp công dân, làm đầu mối tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tán thành quan điểm này, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan liên quan với Ban Dân nguyện. Trường hợp nhận đơn, thư trực tiếp từ người gửi và xét thấy cần thiết thì có thể chuyển đơn, thư đó đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo đến cơ quan phụ trách lĩnh vực và Ban Dân nguyện.

Tiếp theo chương trình làm việc, chiều 23-4, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Theo Nhân dân điện tử

Xem thêm »