Với phạm vi kiểm toán dự kiến thực hiện tại 56 tỉnh,thành phố, 4 Bộ và 2 cơ quan tổng hợp, cuộc kiểm toán Chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm 2013 của KTNN là cuộc kiểm toán có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Để thực hiện cuộc kiểm toán có chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng tốt yêu cầu giám sát của Quốc hội về việc thực thi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn TPCP cho đầu tư XDCB, ngày 3/3, lãnh đạo KTNN đã tổ chức họp cho ý kiến chỉ đạo về phương án tổ chức triển khai cũng như hoàn thiện dự thảo Đề cương hướng dẫn kiểm toán chuyên đề này. Đề cương kiểm toán dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 3/2014.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn chủ trì cuộc họp cho ý kiến chỉ đạo phương án tổ chức triển khai kiểm toán chuyên đề về Trái phiếu Chính phủ
Cuộc kiểm toán quy mô lớn
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn: Phát hành, quản lý và sử dụng vốn TPCP là một nội dung hết sức quan trọng, vì thế Quốc hội đã ra Nghị quyết giao cho cơ quan KTNN kiểm toán toàn diện Chương trình phát hành, quản lý và sử dụng vốn TPCP năm 2013.
Từ sự tín nhiệm này, lãnh đạo KTNN đã chỉ đạo toàn ngành phối hợp chặt chẽ, triển khai quyết liệt ngay từ khâu chuẩn bị nhằm đánh giá hiệu quả của toàn bộ các dự án có sử dụng nguồn vốn TPCP do các Bộ, ngành, địa phương thực hiện trong năm 2013. Theo đại diện lãnh đạo KTNN chuyên ngành II - đơn vị chủ trì dự thảo Đề cương kiểm toán, ngay từ khi KTNN chưa công bố Kế hoạch kiểm toán 2014, đơn vị đã chủ động nghiên cứu, thu thập tài liệu liên quan đến việc phân bổ, giải ngân, sử dụng... nguồn vốn TPCP năm 2013 nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng Đề cương kiểm toán.
Về cách thức tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán, KTNN dự kiến thành lập Đoàn kiểm toán với 21 tổ kiểm toán. Trong đó, KTNN chuyên ngành II là đơn vị chủ trì, đồng thời tổ chức 5 tổ, thực hiện kiểm toán tổng hợp tại Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Kho bạc Nhà nước, Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT và kiểm toán 12 tỉnh,thành phố có sử dụng nguồn vốn TPCP. Còn KTNN chuyên ngành Ia sẽ thành lập 1 tổ thực hiện kiểm toán Bộ Quốc phòng, KTNN chuyên ngành III thành lập 1 tổ để kiểm toán Bộ Y tế và 2 tỉnh, Vụ Tổng hợp thành lập 1 tổ thực hiện kiểm toán tại 3 tỉnh; 13 KTNN khu vực thành lập 13 tổ để kiểm toán 39 tỉnh,thành phố (mỗi tổ 3 tỉnh,thành phố).
Đề xuất phương án lựa chọn nhân sự - theo đại diện KTNN chuyên ngành II, Tổ trưởng tổ kiểm toán phải là lãnh đạo cấp Phòng trở lên, hoặc kiểm toán viên chính; thành viên tổ phải là là những kiểm toán viên có kinh nghiệm chuyên môn vững vàng và vốn kiến thức xã hội nhất định; cơ cấu một tổ phải đảm bảo cân đối giữa số lượng kỹ sư và cán bộ tài chính, kế toán. Để cuộc kiểm toán đạt chất lượng tốt, cần phải thành lập Tổ Tham mưu giúp việc cho lãnh đạo Đoàn kiểm toán. Tổ Tham mưu giúp việc sẽ kiểm soát hoạt động kiểm toán, từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán của Đoàn, kế hoạch kiểm toán chi tiết của tổ, theo dõi tiến độ kiểm toán, thẩm định báo cáo kiểm toán, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo kết luận, kiến nghị kiểm toán của các tổ đạt được sự thống nhất trong toàn đoàn, tạo thuận lợi cho công tác tổng hợp báo cáo kiểm toán. Đặc biệt, cuộc kiểm toán sẽ được triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo KTNN.
Tăng cường kiểm soát chất lượng
Bày tỏ sự đồng tình với những đề xuất trên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, cần phải có thêm sự vào cuộc ngay từ đầu của Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán. Trước khi báo cáo kiểm toán của các tổ được tổng hợp vào Báo cáo kiểm toán chung của toàn đoàn thì phải có ý kiến của Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán. Bên cạnh đó, sau khi thành lập Đoàn kiểm toán cần phải triển khai công tác tập huấn chuyên môn. Trong quá trình kiểm toán, phải có sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm phục vụ cho các cuộc kiểm toán tương tự trong những năm tiếp theo. Để tránh sự chồng chéo trong quá trình kiểm toán tại các địa phương, tổ kiểm toán các dự án đầu tư và tổ kiểm toán Chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn TPCP cần phối hợp để cùng triển khai kiểm toán tại các tỉnh,thành phố, đồng thời có sự phối hợp trong yêu cầu cung cấp thông tin.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đánh giá cao sự đầy đủ và chi tiết của dự thảo Đề cương kiểm toán. Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Đoàn kiểm toán phải bám sát đề cương để triển khai thực hiện; kết quả cuộc kiểm toán phải trung thực, phản ánh được những vấn đề trong quá trình triển khai các dự án có sử dụng nguồn vốn TPCP tại các Bộ, ngành, địa phương; kịp thời phát hiện tham ô, tham nhũng (nếu có); đánh giá chất lượng và hiệu quả của các công trình, sự hợp lý của những dự án đề xuất tăng quy mô... Từ đó đúc rút những bài học kinh nghiệm cần lưu ý, tập trung khi đầu tư nguồn vốn TPCP vào lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của nguồn vốn TPCP. Qua kiểm toán cũng kịp thời phát hiện và góp ý đối với việc mở rộng nguồn vốn này cho các Bộ, ngành, địa phương có phù hợp hay không.
Về quá trình triển khai kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, cần phải xây dựng kế hoạch, thời gian phù hợp cho từng tổ kiểm toán. Trong kế hoạch nên chia 3 đợt. Trong đó đợt 1 chọn mỗi đầu mối kiểm toán làm thí điểm một cuộc với quy mô vừa phải. Sau đó rút kinh nghiệm kịp thời để triển khai các đợt tiếp theo. Nhân lực phải được bố trí một cách linh hoạt, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao. Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ đạo Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán phải thành lập riêng một tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán để thực hiện kiểm soát độc lập đối với Chuyên đề TPCP nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán./.
Với cuộc kiểm toán Chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn TPCP năm 2013, quy mô vốn TPCP được kiểm toán rất lớn. Dự kiến, KTNN sẽ kiểm toán chi tiết tại 56 trên tổng số 62 tỉnh,thành phố được phân bổ vốn TPCP (duy nhất tỉnh Bình Dương không sử dụng nguồn vốn này). Trong đó, 13 tỉnh,thành phố có quy mô sử dụng nguồn vốn TPCP trên 1.000 tỷ đồng; 7 tỉnh có quy mô từ 800 tỷ đến dưới 1.000 tỷ đồng; 8 tỉnh có quy mô 500 tỷ đến dưới 800 tỷ đồng; 15 tỉnh có quy mô 300 tỷ đến dưới 500 tỷ đồng; 12 tỉnh có quy mô 200 tỷ đến dưới 300 tỷ đồng; 1 tỉnh có quy mô dưới 200 tỷ đồng. Còn 7 tỉnh,thành phố có quy mô vốn TPCP trên dưới 100 tỷ đồng, KTNN sẽ không thực hiện kiểm toán. Song song với đó, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán tại 4 Bộ có sử dụng nguồn vốn TPCP lớn, gồm Bộ Giao thông Vận tải (13.000 tỷ đồng), Bộ Quốc phòng (3.159 tỷ đồng), Bộ NN&PTNT (5.700 tỷ đồng), Bộ Y tế (201 tỷ đồng) và 3 cơ quan tổng hợp là Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Kho bạc Nhà nước./.
Theo Báo Kiểm toán số 10/2014