(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 30/12, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước (KTNN) – 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, KTNN đã có buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả kiểm toán các chương trình Dự án giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012.
Tham dự buổi làm việc, về phía đoàn giám sát có bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát; ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát; các thành viên trong đoàn. Về phía KTNN có ông Nguyễn Hữu Vạn - Tổng Kiểm toán Nhà nước; ông Vũ Văn Họa - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị trong ngành.
Tại buổi làm việc, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa đã báo cáo Đoàn giám sát kết quả kiểm toán của KTNN liên quan đến các chương trình, dự án giảm nghèo từ 2005-2012. Theo đó, KTNN đã kiểm toán 37 chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo, bao gồm, kiểm toán 2 chương trình giảm nghèo toàn diện (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bằng dân tộc và miền núi – Chương trình 135; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP - Chương trình 30a), kiểm toán 5 chương trình, dự án có liên quan trực tiếp đến người nghèo và 30 chương trình, dự án liên quan đến phát triển nông thôn. Đặc biệt trong năm 2012 - 2013, KTNN đã thực hiện kiểm toán toàn diện Chương trình 30; Chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo - Chương trình 167; Chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo giai đoạn 2010 - 2012.
Cũng theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa, qua kiểm toán cho thấy các chương trình, dự án về giảm nghèo là những chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, tạo được phong trào sâu rộng trong toàn xã hội, đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội từ trung ương đến địa phương. Công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện được các bộ, ngành, địa phương triển khai với tinh thần trách nhiệm cao. Qua đó, việc cải thiện tỷ lệ hộ nghèo ở những vùng kinh tế khó khăn đã có những bước tiến đáng kể.
Tuy nhiên qua kiểm toán cũng cho thấy, việc giảm nghèo chưa thật sự bền vững, số hộ tái nghèo còn cao. Việc đào tạo nghề ở nhiều địa phương chưa gắn với tạo việc làm. Tình trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế xảy ra tại hầu hết các địa phương…
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị của KTNN đã trả lời những câu hỏi của Đoàn giám sát về những chính sách, dự án có kết quả thực hiện tốt nhất so với mục tiêu đề ra ban đầu; những chính sách, dự án còn nhiều sai phạm tại địa phương; các lĩnh vực thường xảy ra sai sót dẫn đến các kiến nghị xử lý tài chính của KTNN; kết quả việc thực hiện các kiến nghị của KTNN. KTNN cũng đưa ra những trao đổi, đánh giá về thực trạng vấn đề giáo dục, đào tạo, dạy nghề cho lao động tại các vùng khó khăn; kết quả của công tác đào tạo gắn với việc làm; thực trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế ở nhiều nơi cũng như sự tương xứng giữa kết quả của công tác giảm nghèo so với nguồn lực bỏ ra.
Thể hiện sự đồng tình với những thông tin mà KTNN cung cấp, bà Trương Thị Mai cho biết, kết quả kiểm toán của KTNN khi kiểm toán các chương trình, dự án giảm nghèo thể hiện trong báo cáo cũng gần với kết quả khảo sát của Đoàn giám sát tại các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua.
Phân tích hiệu quả của các chương trình, dự án giảm nghèo hiện nay, bà Trương Thị Mai cho rằng, hiện Nhà nước đang cùng một lúc thực hiện quá nhiều các chương trình giảm nghèo cho cùng một đối tượng, gây chồng chéo và phân tán nguồn lực, dẫn đến kết quả không cao. Do đó cần điều chỉnh rút bớt số lượng các chương trình này, tập trung đầu tư trọng điểm vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Bà Mai cũng mong muốn, trong thời gian tới, KTNN và Đoàn giám sát sẽ có sự phối hợp công tác chặt chẽ hơn nữa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết, trong thời gian tới KTNN sẽ đẩy mạnh loại hình kiểm toán hoạt động bên cạnh kiểm toán tuân thủ và kiểm toán báo cáo tài chính để có thể đưa ra các phân tích, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của mỗi cuộc kiểm toán. Điều đó sẽ giúp ích nhiều hơn cho công tác chỉ đạo, điều hành của Quốc hội và Nhà nước đối với kinh tế-xã hội của đất nước. Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Đoàn giám sát, tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn có thể tiếp cận các số liệu kiểm toán cần thiết, hoàn thành công việc của mình./.