Những trụ cột trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

23/12/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nguyễn Thị Đào - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam

5 trụ cột trong phòng chống tham nhũng

Thứ nhất, cải cách về thể chế, pháp lý: các doanh nghiệp cho biết rằng họ thường xuyên gặp khó khăn với các luật lệ, chính sách và bị trì hoãn quá trình thực hiện do nhiều điều luật mâu thuẫn nhau. Do vậy, Chính phủ cần phải cải thiện vấn đề luật pháp này để dỡ bỏ những rào cản và giải quyết tham nhũng bởi các quan chức gây ra. Chúng tôi đề nghị các luật lệ ban hành cần phải điều chỉnh sao cho đơn giản, thỏa đáng và phù hợp với đối tượng được hướng tới. Trước khi ban hành luật, Chính phủ cần phải có sự đối chiếu, kiểm tra, thử nghiệm trước, đồng thời phải được nghiên cứu kỹ càng nhằm đảm bảo những chi phí phù hợp và tránh thất thoát nguồn lực.

Thứ hai, việc thu thuế và sử dụng thuế phải hiệu quả hơn. Khi thu được nhiều thuế hơn, Nhà nước sẽ tăng được lương cho các cán bộ, công nhân viên cũng như tăng thêm phúc lợi xã hội.

Thứ ba, thành lập Ban phòng chống tham nhũng với quyền lực đủ để điều tra và xử lý các vụ việc tham nhũng lớn.Cơ quan này cần phải có quyền lực nhất định và hoạt động độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các quyền lực khác.

Thứ tư, bảo đảm việc khiếu nại tố cáo hành vi tham nhũng. Những người tố cáo cần được các cơ quan liên quan bảo đảm quyền lợi, khen thưởng bằng nhiều hình thức và họ phải được bảo vệ.Bên cạnh đó, cần phải có những hình thức cụ thể để khuyến khích việc tố cáo tham nhũng và xây dựng cơ chế để bảo vệ hoạt động khiếu nại, tố cáo này không bị lạm dụng, tránh để những người vô tội bị ảnh hưởng.

Thứ năm, các phong trào phòng, chống tham nhũng cần sự tiếp sức của truyền thông đại chúng để phổ cập và nâng cao nhận thức của người dân.Thực tế cho thấy, ở nhiều nước Châu Á, các phong trào phòng, chống tham nhũng đã được tổ chức và đã đóng vai trò rất lớn trong việc giảm thiểu tham nhũng.

Giải pháp cho 4 lĩnh vực có khả năng tham nhũng cao nhất hiện nay

Hải quan là ngành tồn tại nhiều kẽ hở tham nhũng bởi các doanh nghiệp vẫn thường hối lộ các cán bộ hải quan để đẩy nhanh quá trình xuất nhập khẩu và bỏ qua những sai phạm về luật lệ. Hiện nay, các chỉ số về kiểm soát hải quan ở Việt Nam so với các nước khác còn thấp.Mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp để kiểm soát tham nhũng trong ngành hải quan nhưng thực tế các biện pháp này chưa đem lại hiệu quả. Ngay cả đường dây nóng được lập ra để kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng cũng không hoạt động như mong đợi. Bởi vậy, chúng tôi khuyến nghị rằng cần phải đơn giản hóa quy trình hải quan để phù hợp với thông lệ quốc tế; nâng cao năng lực và đào tạo các cán bộ hải quan để họ hoạt động tốt hơn; hiện đại hóa và tự động hóa các hoạt động hải quan để các hàng hóa xuất, nhập khẩu và các quy trình kiểm tra được lưu lại trong hồ sơ dữ liệu một cách rõ ràng, giảm việc tiếp xúc trực tiếp dẫn tới cơ hội tham nhũng giữa cán bộ hải quan và doanh nghiệp; thưởng cho các cán bộ hải quan đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc khi họ đạt được các tiêu chí và hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng, hiệu quả; khi phát hiện các hành vi tham nhũng cần tiến hành điều tra làm rõ.

Đối với ngành Thuế, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang cố gắng tìm mọi cách để giảm việc đóng thuế bằng hình thức hối lộ để cán bộ thuế bỏ qua những sai phạm trong việc tính thuế và nộp thuế. Ngân hàng Thế giới cho rằng, ngành thuế là một trong những ngành có hoạt động tham nhũng phổ biến hiện nay.Liên quan đến ngành thuế, dễ dàng thấy rằng các luật lệ về thuế rất phức tạp, đây chính là cơ hội cho các cán bộ thuế gây nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Cần phải củng cố và điều chỉnh lại các luật lệ thuế sao cho các luật này trở nên rõ ràng, minh bạch, giảm thiểu những kẽ hở và có những cơ chế quyết liệt để trừng phạt các cán bộ thuế có hành vi tham nhũng. Cũng như hải quan, ngành thuế cần phải hiện đại hóa và tự động hóa để minh bạch tất cả các khoản nộp thuế, mọi thông tin về người nộp thuế và những rủi ro về thuế cũng cần được nêu ra.Bên cạnh đó, ngành thuế cũng phải thiết lập đường dây nóng để người nộp thuế được tư vấn, tìm hiểu thông tin trước khi nộp thuế cũng như phản ánh về tình trạng tham nhũng. Trong một số trường hợp, cần phải có một bên giám sát, kiểm tra để các cơ quan thuế có thể tìm hiểu về những hành vi vi phạm thuế. Cơ quan kiểm tra, giám sát này có thể thông báo trực tiếp lên Chính phủ về những sai phạm trong ngành thuế mà họ phát hiện được.

Riêng những cơ quan cấp phép, có thể thấy hiện nay các cơ quan này còn rất quan liêu, phức tạp, cồng kềnh và vô hình chung đã tạo ra môi trường thuận lợi cho tham nhũng. Bởi vậy, đối với những cơ quan này cần phải có sự giám sát chặt chẽ và sự điều tiết phù hợp để hạn chế việc chồng chéo và đơn giản hóa các thủ tục làm việc. Hiện nay, đã có nhiều biện pháp cải cách hành chính để giảm thiểu các quy chế, quy trình trong cấp phép, tuy nhiên sự phức tạp vẫn còn phổ biến.Theo chúng tôi, cần phải có sự minh bạch hóa và công khai tất cả các quy trình liên quan đến cấp phép ở tất cả các khâu. Quá trình cấp phép cũng phải được đơn giản hóa càng nhiều càng tốt. Đồng thời, cũng nên bỏ bớt quy trình cấp phép đối với một số ngành và chỉ giữ lại những yêu cầu cấp phép thật sự cần thiết.Theo đó, tất cả những thông tin về quy trình cấp phép cần phải được thể hiện rõ bằng văn bản để tránh những mâu thuẫn và tranh cãi không cần thiết.

Trong quản lý đất đai, các doanh nghiệp thường trả tiền để có được các thông tin về quy hoạch đất đai và chi phí này không phải là nhỏ. Điều này đã dẫn đến hành vi tham nhũng trong quản lý đất. Giá đất ở mỗi tỉnh khác nhau nên tính minh bạch trong việc cấp đất và bồi thường đất đai cần phải rõ ràng. Giá đất bồi thường được tính thấp hơn giá đất trên thực tế nên vẫn thường xảy ra nhiều bất cập. Liên quan đến khuôn khổ luật pháp đối với đất đai hiện nay, có thể thấy rằng các luật định còn chưa chặt chẽ, nhiều lỗ hổng tạo cơ hội cho các quan chức chính quyền hoặc cán bộ quản lý lợi dụng gây khó dễ. Bởi vậy, Chính phủ cần phải đưa ra các cơ chế minh bạch trong quản lý đất đai như: minh bạch hóa quy hoạch đất đai, các quyết định cấp đất, thu hồi đất…; hệ thống hóa và tự động hóa quản lý đất đai, giá đất… Điều này có thể tốn nhiều thời gian nhưng hãy tiến hành từng bước để hình thành một cơ sở dữ liệu tổng thể giúp cho việc quy hoạch đất đai hiệu quả hơn; yêu cầu trách nhiệm giải trình và minh bạch trong quá trình giải quyết đất đai và cần phải có biện pháp xử phạt đối với những trường hợp cán bộ quản lý cố tình kéo dài thời gian giải quyết…

Nguyễn Ly (ghi)

Theo Báo Kiểm toán số cuối tháng 11/2013

Xem thêm »