Kế hoạch Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2013-2017: Cầu nối quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020

05/12/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Website KTNN trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước về Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017

Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn

Thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước, xin đồng chí vui lòng cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc ban hành Kế hoạch chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2013-2017?

Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đến năm 2020 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt vào tháng 4 năm 2010. Để triển khai thực hiện Chiến lược này, KTNN đã xây dựng Kế hoạch hành động nhằm xác định mục tiêu và các hoạt động chính mà KTNN cần thực hiện từ năm 2010 đến năm 2020. Mặc dù đã đạt được các thành quả nhất định nhưng qua hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 cho thấy: còn một số hoạt động quan trọng và ưu tiên cao thuộc Chiến lược chưa được thực hiện; mức độ thực hiện các nội dung của một số hoạt động chưa đầy đủ, toàn diện, có những hoạt động mới chủ yếu tập trung vào chỉ tiêu số lượng, chưa chú ý nhiều đến chất lượng; tính liên kết giữa các hoạt động chưa tạo được sự đồng bộ để cùng hướng tới mục tiêu, mục đích của chiến lược...; một số hoạt động thực hiện còn chậm, phải giãn tiến độ hoặc chưa triển khai thực hiện. Do vậy, KTNN đã xây dựng Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 nhằm lựa chọn một số hoạt động quan trọng, mang tính ưu tiên cao thuộc Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 để tập trung nguồn lực thực hiện. Đồng thời, thống nhất hành động, trách nhiệm trong toàn ngành trong tổ chức thực hiện các nội dung của Chiến lược.

Bên cạnh đó, được xây dựng trên cơ sở hướng dẫn của Cơ quan Sáng kiến của INTOSAI (IDI-INTOSAI) nên các mục tiêu, hoạt động xác định trong Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.

Xin đồng chí cho biết những nội dung chính của Kế hoạch chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2013-2017?

Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 đã xác định tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, mục đích, mục tiêu, dự án và các chỉ số đo lường chính theo tiêu chuẩn của các Cơ quan Kiểm toán tối cao. Trong đó, 8 mục đích chiến lược chính là những nội dung cơ bản nhất, đột phá nhất của Kế hoạch chiến lược; vừa là những hoạt động quan trọng, ưu tiên cao trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, vừa là những giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong hoạt động của KTNN. Thứ nhất là vấn đề nâng cao địa vị pháp lý và hiệu lực hoạt động của KTNN Việt Nam. Thứ hai là vấn đề phát triển hệ thống tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ về số lượng, cơ cấu, chất lượng, tính chuyên nghiệp hóa; thứ ba là tăng cường năng lực của KTNN Việt Nam trong việc áp dụng thực hiện chuẩn mực quốc tế (ISSAI). Vấn đề thứ tư là tăng cường năng lực của KTNN Việt Nam trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán; thứ năm là nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán. Thứ sáu là tăng cường giá trị và lợi ích trong việc đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công; thứ bảy là phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu. Vấn đề cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng là tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của KTNN.

Các mục đích chiến lược trên đều có sự thống nhất với các hoạt động chính thuộc Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020; tuy nhiên, một số mục đích chiến lược được cụ thể hóa thể hiện sự quan tâm và ưu tiên cao của KTNN và khẳng định quyết tâm thực hiện định hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, năng lực, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN trong giai đoạn 2013-2017.

Vậy theo đồng chí, đâu là vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong số 8 mục đích chiến lược của Kế hoạch chiến lược?
Trong số 8 mục đích chiến lược xác định trong Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017, ưu tiên thứ nhất là tăng cường năng lực đội ngũ kiểm toán viên về số lượng, chất lượng, cơ cấu và tính chuyên nghiệp, trong đó tập trung nhiều vào: (i) tiếp tục sắp xếp, củng cố và tăng cường năng lực cho các đơn vị tham mưu (đặc biệt là Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và KSCLKT, Vụ Pháp chế), đội ngũ làm công tác xây dựng pháp chế, chế độ, tổng hợp, kiểm soát chất lượng kiểm toán, thanh tra, kiểm tra; (ii) sắp xếp, kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực các đơn vị sự nghiệp (Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ và Trung tâm Tin học); (iii) tuyển dụng, sắp xếp, điều chỉnh cơ cấu, tăng cường chất lượng đội ngũ kiểm toán viên; đổi mới công tác quản lý, đánh giá cán bộ dựa trên kết quả công việc; (iv) đổi mới tích cực và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, xây dựng đội ngũ giảng viên, tổ chức và quản lý đào tạo, bồi dưỡng)…

Thứ hai, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán, trong đó tập trung: (i) xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống chuẩn mực kiểm toán theo hướng áp dụng ISSAI; (ii) nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch kiểm toán năm và trung hạn; (iii) nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán; (iv) triển khai áp dụng phương pháp và kỹ thuật kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; (v) tăng cường và mở rộng loại hình kiểm toán hoạt động.

Thứ ba, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý và kiểm toán, coi đây là hoạt động đặc biệt ưu tiên, trong đó tập trung: (i) tiếp tục xây dựng và phát triển hạ tầng CNTT; (ii) đẩy nhanh việc xây dựng và ứng dụng có kết quả các phần mềm quản lý, đặc biệt là các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán; (iii) phát triển nguồn nhân lực làm công tác CNTT, tăng cường nhân lực có trình độ kỹ thuật CNTT cho hoạt động kiểm toán và nâng cao trình độ và kỹ năng sử dụng CNTT cho đội ngũ kiểm toán viên.

Ngoài ra, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN là ưu tiên cao, trong đó tập trung vào: (i) sửa đổi, bổ sung Luật KTNN và các Luật liên quan; (ii) tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản cụ thể hóa Luật KTNN.

Thưa đồng chí, việc thực hiện Kế hoạch chiến lược sẽ gặp những thách thức gì và KTNN cần thực hiện những giải pháp gì để triển khai có hiệu quả Kế hoạch này?

Khi thực hiện Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2107, thách thức lớn nhất chính là tâm lý ngại đổi mới cũng như sức ỳ của cán bộ, kiểm toán viên nhà nước. Phần lớn cán bộ, kiểm toán viên làm việc theo thói quen và kinh nghiệm nên điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, hoạt động có tính mới như việc áp dụng ISSAI, phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và trọng yếu hay tăng cường kiểm toán hoạt động vào thực tiễn kiểm toán của KTNN.
Hạn chế về năng lực và nguồn lực của KTNN cũng là một thách thức lớn khi thực hiện Kế hoạch chiến lược này. Năng lực và nguồn lực của KTNN là có hạn nhưng tại một thời điểm có thể vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm toán vừa phải tập trung nhân lực và trí tuệ cho các mục tiêu ưu tiên của chiến lược.

Với các thách thức chính trên, để thực hiện thành công các mục đích, mục tiêu chiến lược đề ra trong Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, các thành viên Ban Chỉ đạo, thủ trưởng các đơn vị cần thực sự quan tâm đến Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017; nắm chắc mục đích, mục tiêu, nội dung các hoạt động, các chỉ số đo lường và tiến độ thực hiện; chủ động và quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện Kế hoạch chiến lược. Đồng thời chú ý cải cách hành chính, giảm thiểu sự chồng chéo, tăng cường ứng dụng CNTT, tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực trong tổ chức thực hiện. Hàng năm, các đơn vị chủ trì phải xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ trách nhiệm tham gia của các đơn vị, cá nhân có liên quan, tiến độ thực hiện trình Ban Chỉ đạo về triển khai các nhiệm vụ được phân công.

Thứ hai, nội dung các mục tiêu, dự án, hoạt động của Kế hoạch chiến lược cần được cụ thể hóa vào kế hoạch công tác, chương trình công tác hàng năm của từng đơn vị và toàn ngành, mục đích làm cho các nội dung hoạt động chiến lược được thể hiện hòa vào các hoạt động thường xuyên, đồng thời các hoạt động thường xuyên phải gắn kết với các hoạt động thuộc Kế hoạch chiến lược.

Thứ ba, trong quá trình thực hiện các hoạt động cần chú ý hướng vào kết quả (chỉ tiêu/chỉ số đo lường chính) các hoạt động, tránh sa vào quản lý vi mô; báo cáo chia sẻ thông tin thường xuyên về tiến độ và những vấn đề phát sinh. Có sự thống nhất, phối hợp tất cả các hoạt động, đảm bảo thực hiện thành công các hoạt động ưu tiên và cùng hướng tới mục đích, mục tiêu của Kế hoạch chiến lược, trong đó ưu tiên hướng tới mục tiêu nâng cao tính chuyên nghiệp, năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán.

Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 để tất cả cán bộ, kiểm toán viên ở các đơn vị cũng như toàn ngành hiểu rõ nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của Kế hoạch chiến lược để thu hút tập trung được nguồn lực toàn ngành cho việc thực hiện Kế hoạch chiến lược.

Cuối cùng, tập trung tăng cường tìm kiếm các nhà tài trợ, ưu tiên và bố trí các nguồn kinh phí cho các hoạt động của Kế hoạch chiến lược./.



Xem thêm »