Ngày làm việc thứ 13, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận những nội dung quan trọng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

06/11/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 6/11/2013, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp giải trình, tiếp thu, chỉnh lý ý kiến thảo luận tổ của các vị đại biểu Quốc hội và Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành một số điểm của Hiến pháp (sửa đổi).


Phần lớn các đại biểu Quốc hội đều tán thành với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và cho rằng dự thảo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có nhiều điểm mới so với bản trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Các đại biểu Quốc hội cũng góp nhiều ý kiến vào một số nội dung quan trọng của dự thảo.

Đại đa số ý kiến tán thành với quy định về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định tại điều 4 của dự thảo đồng thời khẳng định rõ nét hơn quan điểm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Về chính quyền địa phương, qua thảo luận có hai ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như dự thảo. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định cụ thể hơn, xác định rõ hơn mô hình chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt trong Hiến pháp phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hồng Sơn đề nghị sửa Điều 111 theo phương án 2 theo đề nghị của Chính phủ đó là chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính địa phương của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phù hợp với đặc điểm của đô thị, nông thôn, hải đảo. HĐND, UBND được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thành phố, thị xã thị trấn, xã thuộc huyện, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. UBND được thành lập ở phường thuộc quận; phường, xã thuộc thành phố và thị xã”.

Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là những quy định về việc thu hồi đất của nhân dân để thực hiện các dự án phát triển KT-XH. Mặc dù trong bản dự thảo mới nhất, việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội đã được sửa lại theo hướng chặt chẽ hơn như phải “thật cần thiết”, “minh bạch” và phải được bồi thường, việc quản lý đất cũng được quy định theo pháp luật và quy hoạch. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội vẫn bày tỏ sự băn khoăn về những quy định này là chưa đủ chặt chẽ và làm hạn chế quyền của nhà nước. Các đại biểu đề nghị Hiến pháp cần thể hiện rõ thu hồi đất đáp ứng lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hay thu hồi phục vụ các loại hình kinh tế khác. “Tôi đề nghị khoản 1 điều 54 chỉ quy định đất đai được quản lý theo pháp luật là đủ, không quy định thêm nội dung quản lý theo quy hoạch, bởi nếu quy định thêm theo quy hoạch là trùng lắp. Quy hoạch chỉ có giá trị pháp lý khi được phê duyệt bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.  - đại biểu Tô Văn Tám phát biểu.

Đại biểu Mã Điền Cư cho rằng “Khoản 3 điều 54 dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định quan điểm cơ chế và nguyên tắc thu hồi đất còn chưa rõ ràng và chặt chẽ đó là Hiến pháp quy định Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KT-XH nhưng phát triển kinh tế xã hội cho mục đích gì, phục vụ lợi ích của ai thì không rõ ràng, do đó đại biểu Mã Điền Cư đề nghị trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cần quy định rõ quan điểm chuyển dịch đất đai, giữa chuyển dịch đất đai bắt buộc và chuyển dịch đất đai tự nguyện.

Đại biểu Phùng Văn Hùng đề nghị không bổ sung quy định quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội lãnh đạo công tác của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội mà giữ nguyên như Hiến pháp hiện hành bởi lẽ về nguyên lý các đại biểu Quốc hội đều có quyền ngang nhau và Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. “Bằng lá phiếu của mình cử tri ủy quyền cho Quốc hội thay mình quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Mỗi đại biểu Quốc hội lá phiểu ngang nhau khi bầu, biểu quyết một vấn đề gì dù lớn hay nhỏ của đất nước. Nguyên lý này được áp dụng cho tất cả các cơ quan của Quốc hội. Chính vì vậy mà trong các tài liệu văn bản về tổ chức và hoạt động Quốc hội của nhiều nươc chúng ta hiếm khi tìm thấy cụm tư “lãnh đạo”. Việc giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội thẩm quyền lãnh đạo công tác của Hội động dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tôi e rằng chúng ta đã hành chính hóa bộ máy Quốc hội, dễ làm hạn chế tính đại diện tính độc lập, chủ động của các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội là các cơ quan chức năng của Quốc hội thực hiện nhiệm vụ quyền hạn do Quốc hội giao không thể quy định tính chất điều hành lãnh đạo như cơ quan hành chính nhà nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ do Quốc hội phân công, Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội cần được đảm bảo vị thế độc lập trong việc thực hiện thẩm tra các dự án Luật.” – ông Hùng nhấn mạnh.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng thì cho rằng dự thảo sửa đổi Hiến pháp chưa quy định rõ ràng về việc kiểm soát giữa 3 cơ quan lập pháp hành và tư pháp, dù đây là điểm rất mới của dự thảo Hiến Pháp lần này. Ông Đáng nói: “tự trong bản chất quyền lực nhất là quyên lực nhà nước cho dù đã có sự thống nhất cao, có sự phân công rõ ràng, có quan hệ phối hợp chặt chẽ thì nguy cơ lạm quyền tiến quyền vẫn có thể xảy ra nếu như cơ chế kiểm soát của các co quan nhà nước không được triển khai nghiêm túc chặt chẽ. Do vậy, tôi tán thành giữ hai chữ “kiểm soát” trong nguyên lý quyền lực nhà nước tại khoản 3 điều 2 của dự thảo Hiến pháp tuy nhiên lại có sự khập khễnh trong các nội dung liên quan. Vấn đề kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp hành pháp tư pháp chưa được thể hiện rõ nét trong các chương điều khác”. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cũng cho rằng dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng không nên quy định cứng nhắc là Quốc hội họp hai kỳ mỗi năm mà có thể họp nhiều kỳ trong năm.

Liên quan đến quy định về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đại biểu Phùng Văn Hùng cho rằng “Tại khoản 1 điều 108 cần bổ sung thêm nhiệm vụ kiểm toán dự toán ngân sách nhà nước cho cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Theo ông Hùng, đây là việc làm hết sức cần thiết và đã được một số nước đưa vào áp dụng. Việc phân bổ nguồn lực NSNN là trách nhiệm quan trọng của Quốc hội trong khi rất ít đại biểu Quốc hội có kiến thức chuyên môn sâu về lĩnh vực tài chính ngân sách. Hoạt động kiểm toán sẽ phân tích đánh giá tính hiệu quả cũng như tính tuân thủ pháp luật của dự toán NSNN bao gồm cả dự toán thu và dự toán chi báo cáo trước Quốc hội để Quốc hội quyết định. Làm được việc này sẽ góp phần tích cực nâng cao hiệu quả cân đối thu chi và sử dụng NSNN. Cũng theo ông Hùng, tại khoản 2 điều 118 cần ghi rõ nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội trong khi nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao đều được ghi rõ trong Hiến pháp thì ko có lý do gì chúng ta lại không bổ sung nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước vào trong Hiến pháp để có sự  thống nhất. Ở nhiều nước Tổng Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội bầu và là nhà chuyên môn thuần túy phi đảng phái để đảm bảo tinh khách quan trong hoạt động. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán là 7 năm. Như vậy hoạt động của Tổng kiểm toán luôn được 2 nhiệm kỳ khác nhau của Quốc hội giám sát.”

Qua ý kiến thảo luận của các đại biểu hầu hết các đại biểu Quốc hội tán thành quan điểm của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là không quy định nội dung thành lập Hội đồng bảo Hiến trong dự thảo. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội rất phong phú với nhiều lập luận lý lẽ rất xác đáng sâu sắc. Sau phiên họp tại Hội trường, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu và giải trình với Quốc hội./.
 
Ha Linh










Xem thêm »