Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng NSNN

04/11/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Chưa bao giờ vấn đề ngân sách lại làm “nóng” nghị trường trong phiên thảo luận như tại kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XIII). Đó là bởi tình hình tài chính quốc gia đang đứng trước thực trạng đáng quan ngại, trong đó nổi lên là tình trạng hụt thu NSNN; chi thường xuyên gia tăng; chi đầu tư phát triển dàn trải, kém hiệu quả. Trong bối cảnh đó, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thu, chi ngân sách được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra khi thảo luận về vấn đề này.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị việc phát hành trái phiếu Chính phủ cần có danh mục đầu tư cụ thể để Quốc hội làm căn cứ xem xét, quyết định

Kiểm soát chi chặt chẽ, chống thất thu
 
Theo báo cáo của Chính phủ, thu cân đối NSNN năm 2013 ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán. Như vậy, sau nhiều năm vượt thu, đây là năm đầu tiên số thu NSNN cả năm ước không đạt dự toán thu cân đối ngân sách, ảnh hưởng lớn tới việc điều hành ngân sách và cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN.
 
Trong khi thu NSNN giảm nhiều nhưng chi đầu tư phát triển vẫn tăng; phân bổ, bố trí vốn xây dựng cơ bản chưa khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, phân bổ vốn không đúng cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao; còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị thiếu kiên quyết trong cắt, giảm đầu tư công; khởi công dự án mới trái quy định.
 
Bên cạnh đó, việc ban hành nhiều chế độ, chính sách mới làm tăng chi NSNN, song chưa cân đối với nguồn lực NSNN; một số chế độ, chính sách chi an sinh xã hội triển khai chậm hoặc khi trình Quốc hội phê chuẩn dự toán chi NSNN nhưng chưa xác định rõ đối tượng thụ hưởng dẫn đến dư chi NSNN, có khả năng tăng số chi chuyển nguồn lớn sang năm sau.  
 
Trong bối cảnh hụt thu lớn, Chính phủ  đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán, theo đó, cắt, giảm một số khoản chi và nâng mức bội chi từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP; thực hiện cơ chế thu vào NSNN 75% tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia; thu cổ tức của Nhà nước tại các DNNN chưa nộp tập trung vào Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)...
 
Thảo luận về vấn đề này, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều tán thành với việc cần thiết phải tăng bội chi ngân sách lên 5,3% GDP, nhưng đề nghị Chính phủ phải có phương án phân bổ vốn, giám sát chặt chẽ, đầu tư một cách hiệu quả.  
 
Đi sâu phân tích về tình trạng sử dụng ngân sách, nhiều đại biểu đã bày tỏ bức xúc về tình trạng chi tiêu còn lãng phí, kỷ cương điều hành ngân sách chưa nghiêm. Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội): “Năm 2013 chi hành chính vẫn rất lớn, chi đầu tư phát triển vẫn dàn trải, lãng phí. Đặc biệt, kỷ cương, kỷ luật trong tài chính ở một số địa phương, có nơi, có ngành còn bị buông lỏng.Trong đầu tư phát triển, nhiều địa phương chưa cân đối được nguồn lực đã khởi công, như vậy là dàn trải chồng lên dàn trải”.
 
Bên cạnh việc siết chặt chi tiêu, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hụt thu một phần là do thất thu lớn với những biểu hiện như doanh nghiệp trốn thuế; cán bộ Thuế “bắt tay” với doanh nghiệp để hưởng lợi… Các đại biểu đề nghị, cần có cơ chế quản lý nhằm tăng cường chống thất thu, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong thu ngân sách.
 
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng chỉ ra rằng, tình trạng thu ngân sách không đạt dự toán, một mặt cho thấy tình hình tài chính của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, mặt khác cho thấy công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế mặc dù đã được tăng cường nhưng chưa thường xuyên. Qua kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hầu hết đều phát hiện phải truy thu thuế. Điều này cho thấy, nếu làm quyết liệt thì dư địa thu vẫn còn. Do đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN các khoản thu từ nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu.

Làm rõ hiệu quả của các công trình đầu tư bằng TPCP
 
Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, trên cơ sở rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư của các dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) và các nhu cầu cấp bách theo đề nghị của các Bộ, ngành và địa phương; Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành bổ sung 170 nghìn tỷ đồng vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 (không bao gồm 75 nghìn tỷ đồng đã có trong kế hoạch 2012-2015).  
 
Cho ý kiến về vấn đề này, đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng ý cho rằng, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, việc phát hành bổ sung TPCP là cần thiết, song nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát lại danh mục và mức phân bổ nguồn vốn này cho các dự án, công trình. Chính phủ cần báo cáo Quốc hội lộ trình thực hiện và làm rõ hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án, công trình sử dụng nguồn vốn này; chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu kỷ cương trong sử dụng vốn TPCP.
 
Đặc biệt, nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc đến vấn đề trả nợ. Theo báo cáo của Chính phủ, với phương án phát hành bổ sung thêm 170 nghìn tỷ đồng TPCP, dư nợ công, dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2015 cũng như cuối 2016 vẫn đảm bảo an toàn theo quy định, có khả năng huy động và cân đối được nguồn trả nợ. Tuy nhiên, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) cho rằng, theo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, mặc dù nợ công chưa vượt giới hạn cho phép nhưng trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn. Đề nghị cần có những phân tích dài hạn về khả năng trả nợ nhằm kéo dãn nợ công trong tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó, việc phát hành bổ sung TPCP cần có danh mục đầu tư cụ thể để Quốc hội xem xét, quyết định nhằm mang lại hiệu quả nhanh nhất và cao nhất, bảo đảm nguồn vốn này sẽ đầu tư cho những dự án thực sự cấp thiết cho đời sống của nhân dân./.

Theo Báo Kiểm toán số 44/2013

Xem thêm »