Kế hoạch chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2013-2017: Tăng cường đổi mới toàn diện đáp ứng ngày càng cao vai trò giám sát tài chính công

28/10/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong xu hướng phát triển hiện nay, vị trí, vai trò của các cơ quan kiểm tra tài chính công đối với việc nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ về quản lý tài chính - ngân sách, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện cải cách tài chính công, hội nhập quốc tế, công khai minh bạch và đẩy mạnh cải cách hành chính ngày càng được chú trọng và nâng cao.

Hoạt động nghiệp vụ của Kiểm toán Nhà nước (Ảnh: TTXVN)

 
Sau hơn 19 năm hoạt động, với tư cách là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Việt Nam (KTNN) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước. Kết quả kiểm toán của KTNN được sử dụng ngày càng nhiều hơn trong quản lý, điều hành, giám sát, phê chuẩn, quyết định những vấn đề tài chính - ngân sách và hoàn thiện chính sách pháp luật.

KTNN đã xây dựng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt vào tháng 4 năm 2010. Với mục tiêu xác định giá trị cốt lõi để phát triển KTNN là “Minh bạch - Chất lượng - Hiệu quả và không ngừng gia tăng giá trị”, việc thực hiện Chiến lược sẽ góp phần tăng cường hơn nữa tính hiệu quả, tính chuyên nghiệp và nâng cao hiệu lực hoạt động của KTNN, phù hợp với xu thế phát triển của các Cơ quan Kiểm toán Tối cao trên thế giới. Trong hơn một năm qua, thực hiện Thoả thuận hợp tác về Chương trình Xây dựng và thực hiện Kế hoạch chiến lược của IDI-ASOSAI 2011-2013, KTNN đã xây dựng Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013 - 2017, nhằm lựa chọn và thực hiện một số hoạt động quan trọng, mang tính ưu tiên cao thuộc Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.

Hoàn thiện thể chế, nâng cao địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước

Tháng 11 năm 2011, tại Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ, Lãnh đạo KTNN Việt Nam đã ký Thoả thuận hợp tác về Chương trình Xây dựng và thực hiện Kế hoạch chiến lược của IDI-ASOSAI 2011-2013. Chương trình hợp tác IDI-ASOSAI về việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu kế hoạch chiến lược nhằm tăng cường năng lực trong việc lập kế hoạch chiến lược ở 7 Cơ quan Kiểm toán tối cao được lựa chọn trong khu vực ASOSAI. Các cơ quan này bao gồm Áp-ga-ni-xtan, Băng la đét, Cam pu chia, Lào, Mông Cổ, Phi lip pin và Việt Nam.

Theo khuôn khổ Chương trình hợp tác IDI-ASOSAI, việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch chiến lược của 7 cơ quan KTNN nói trên được thực hiện trên cơ sở vừa học vừa làm và bắt đầu từ khâu đánh giá nhu cầu, lập Kế hoạch chiến lược, kế hoạch hoạt động đến giám sát và đánh giá.

Kết quả đánh giá nhu cầu về năng lực của cơ quan KTNN theo hướng dẫn của IDI-ASOSAI đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đó là: Thứ nhất, thể chế về tổ chức và hoạt động KTNN chưa đầy đủ và đồng bộ, địa vị pháp lý của KTNN chưa được quy định trong Hiến pháp như hầu hết các nước trên thế giới, Luật KTNN chưa tương thích với Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và một số luật khác; Thứ hai, hệ thống tổ chức của KTNN đang trong quá trình hoàn thiện; đội ngũ kiểm toán viên còn thiếu về số lượng, cơ cấu chưa phù hợp, chất lượng đội ngũ còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ; chất lượng của công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ; hệ thống tài liệu phục vụ cho đào tạo, bồi dưỡng chưa hoàn thiện; đội ngũ giảng viên cơ hữu chưa được hình thành; Thứ ba, hệ thống chuẩn mực, quy trình động kiểm toán còn thiếu nhiều, so với thông lệ quốc tế còn có khoảng cách, việc áp dụng các chuẩn mực kiểm toán chưa thống nhất; Thứ tư, việc xây dựng KHKT trung hạn mới thực hiện bước đầu nên còn thiếu kinh nghiệm; đội ngũ cán bộ KTV bố trí tham gia xây dựng kế hoạch chưa đủ về số lượng và hạn chế về chất lượng; cả KHKT trung hạn và KHKT năm đều chưa được xây dựng gắn liền với các trọng yếu kiểm toán và các phương pháp tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro kiểm toán; cơ sở dữ liệu về các đầu mối được kiểm toán phục vụ cho công tác xây dựng KHKT trung hạn, KHKT năm, KHKT của cuộc kiểm toán chưa được thiết lập; Thứ năm, công tác kiểm soát chất lượng còn những hạn chế, bất cập cả về chính sách và thực tế vận hành; hiệu lực, hiệu quả kiểm soát chưa cao; việc kiểm soát chất lượng kiểm toán chủ yếu do Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán tự thực hiện trong quá trình kiểm toán. Sự kiểm tra, đánh giá độc lập một cách toàn diện về chất lượng kiểm toán còn hạn chế; Thứ sáu, loại hình kiểm toán hoạt động mới được triển khai thực hiện trong một số năm gần đây, song, do chưa có quy trình hướng dẫn cụ thể về kiểm toán hoạt động và vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, nên chưa có điều kiện đánh giá, phân tích để giải đáp nhiều vấn đề về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công; Thứ bảy, KTNN chưa có các quy định, tài liệu hướng dẫn cho hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu một cách đầy đủ, phù hợp và khả thi. Trong nhiều cuộc kiểm toán, việc chọn mẫu kiểm toán còn dàn trải, thiếu trọng tâm; mục tiêu, nội dung kiểm toán còn chung chung, chưa tập trung vào những vấn đề chủ yếu; Thứ tám, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của KTNN còn hạn chế, thiếu đồng bộ; máy tính trang bị cho cho cán bộ, kiểm toán viên chưa đầy đủ; thiếu các phần mềm chuyên ngành để hỗ trợ kiểm toán viên thực hiện kiểm toán cũng như các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, kiểm soát và chỉ đạo điều hành nội bộ; đội ngũ làm công tác CNTT năng lực còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm kiểm toán, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Chính vì các hạn chế đó, dẫn đến chất lượng kiểm toán so với yêu cầu quản lý của Quốc hội, Chính phủ và của mỗi cấp chính quyền địa phương chưa thật sự đạt được kỳ vọng mong muốn, mới góp được một phần nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật cũng như hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công; hiệu lực kiểm toán chưa cao, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm theo kiến nghị kiểm toán chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời.

Để khắc phục những hạn chế trên, Kiểm toán Nhà nước tiến hành xây dựng Kế hoạch Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2013-2017 nhằm xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, mục đích, mục tiêu, các hoạt động và các nguồn lực cần thiết để hiện thực hóa các nội dung chính trong Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020.

Kế hoạch Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2013-2017 được xây dựng trên cơ sở phù hợp với các hoạt động trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020; đồng thời cụ thể hóa một số hoạt động ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2013-2017.

Đó là: Nâng cao địa vị pháp lý và hiệu lực hoạt động của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam; Phát triển hệ thống tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ về số lượng, cơ cấu, chất lượng, tính chuyên nghiệp hóa; Tăng cường năng lực của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong việc áp dụng thực hiện chuẩn mực quốc tế (ISSAIs); Tăng cường năng lực của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng Kế hoạch kiểm toán; Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán; Tăng cường giá trị và lợi ích trong việc đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công; Phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; Tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo KTNN, thực hiện thắng lợi Kế hoạch chiến lược

Để thực hiện thành công Kế hoạch Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2013 - 2017, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tập trung ưu tiên các hoạt động sau:
Một là, tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương có liên quan trình Quốc hội bổ sung một số quy định về vị trí pháp lý, tính độc lập của cơ quan KTNN, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng KTNN vào Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; hoàn thiện các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các văn bản luật và dưới luật.

Hai là, hoàn thiện và phát triển hệ thống tổ chức bộ máy theo hướng đồng bộ, tinh gọn và hiệu quả. Xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở đảm bảo về số lượng, cơ cấu hợp lý và chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Ba là, kịp thời nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện và hiện đại hóa các chuẩn mực kiểm toán, quy trình, phương pháp kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Từng bước thực hiện chức năng kiểm toán hoạt động, chú trọng hơn đến kiểm toán theo chuyên đề chuyên sâu; tổ chức triển khai thực hiện kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro. Coi đây là nhiệm vụ cấp thiết, yêu cầu bắt buộc các KTNN chuyên ngành, khu vực phải thực hiện hàng năm.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động kiểm toán. Tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành của mỗi cấp lãnh đạo và vào hoạt động chuyên môn. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Đề án ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của KTNN với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đầy đủ, phần mềm kiểm toán cần thiết, khả năng ứng dụng kỹ thuật để hiện đại hoá công nghệ kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN.

Năm là, đổi mới quản lý hoạt động kiểm toán. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên. Ban hành đầy đủ, đồng bộ hệ thống chuẩn mực, quy chế hoạt động, quy trình kiểm toán và triển khai thực hiện. Phân định rõ trách nhiệm của mỗi cấp trong hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán. Khen thưởng, động viên kịp thời những người có trình độ chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp tốt; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

Sáu là, đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về lĩnh vực kiểm toán: Tiếp tục duy trì, củng cố các mối quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế nhằm tranh thủ trợ giúp về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm kiểm toán nhằm từng bước nâng cao chất lượng hoạt động.

Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo KTNN đối với việc thực hiện Kế hoạch chiến lược. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều nội dung và hình thức khác nhau để toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của Kế hoạch chiến lược và nâng cao ý thức trách nhiệm trong triển khai thực hiện Kế hoạch chiến lược; tạo sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực và quyết tâm cao của toàn ngành trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch chiến lược./.

Hà Linh

Xem thêm »