Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước

23/05/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoann.gov.vn) – Xác định công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử có tầm quan trọng hàng đầu đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ Kiểm toán nhà nước (KTNN), xây dựng lực lượng Kiểm toán viên nhà nước (KTV), tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, KTV trong toàn Đảng bộ, mới đây Đảng ủy KTNN đã ban hành đề án “Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước”.
 

Một Hội nghị chuyên đề "Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Đảng ủy KTNN tổ chức

 
Đề án được xây dựng với mục tiêu:

Tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của quần chúng, đảng viên và cấp ủy các cấp trong công tác chính trị tư tưởng, phát huy sức mạnh tổng hợp, đổi mới phương thức thực hiện các nhiệm vụ của công tác chính trị tư tưởng, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tăng cường nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Tăng cường thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” trong toàn Đảng bộ và cơ quan.

Tạo đột phá mạnh mẽ về chính trị, tư tưởng, văn hóa ứng xử trong cơ quan, trong đó đề cao ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của KTV trong hoạt động công vụ, đảm bảo tất cả các hoạt động của KTV theo hướng “Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng” nhằm tăng cường, củng cố uy tín và tạo niềm tin của KTV cho công chúng, xã hội, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước.

Để đạt các mục tiêu đã đề ra, Đề án đã đưa ra 05 hoạt động cần triển khai: Đổi mới về công tác giáo dục chính trị tư tưởng; Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TW; Tăng cường việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” trong Đảng bộ; Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong việc chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Kết hợp nêu gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị tại đơn vị theo Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương; Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa ứng xử cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đoàn viên trẻ.

Để cụ thể hóa từng hoạt động, Đề án đã nêu lên các trọng tâm rõ ràng, cụ thể trong từng hoạt động.

Đề án cũng đưa ra 8 giải pháp để triển khai thực hiện thành công Đề án:

Tập trung nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng thông qua sinh hoạt chi bộ kể cả chi bộ sinh hoạt tạm thời đối với đoàn kiểm toán, phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, chủ động nắm bắt, giải quyết kịp thời các vấn đề tư tưởng ngay từ khi mới phát sinh và ngay từ cấp chi bộ. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở chi bộ theo chuyên đề hàng năm;

Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy chế, quy định của ngành đảm bảo hiệu quả, không hình thức, xa thực tế. Tăng cường thông tin đối thoại và chất vấn trong Đảng, chủ động, kịp thời định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng; Nâng cao bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp với các hình thức truyên truyền, giáo dục, thi đua, khen thưởng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động công vụ nhất là hoạt động kiểm toán; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI);

Quán triệt Đề án đến từng đảng bộ, chi bộ trong toàn Đảng bộ, cụ thể hóa các công việc của Đề án vào chương trình hành động, chương trình công tác năm của Đảng bộ;

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án;

Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước hết là bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác chính trị tư tưởng. Cấp ủy đảng và người đứng đầu cần nắm chắc tình hình tư tưởng; phân tích và định hướng tư tưởng, chỉ đạo xử lý các tình huống tư tưởng một cách nhanh chóng, kịp thời. Tăng cường hoạt động nắm bắt dư luận xã hội có tác động lớn tới tư tưởng của cán bộ, đảng viên;

Chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo hướng lấy công tác chính trị tư tưởng làm nội dung hàng đầu, mở rộng dân chủ, kịp thời phê bình, góp ý hoặc trao đổi, mở rộng những vấn đề liên quan đến tư tưởng chính trị, quan hệ xã hội, phẩm chất, đạo đức, lối sống của đảng viên trong chi bộ, trong cơ quan.

Công tác chính trị tư tưởng tiến hành đồng thời với công tác tổ chức và cán bộ của ngành. Trong đó, phải tiến hành đồng bộ với việc tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt, sử dụng, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách cán bộ ở từng đơn vị. Cần tập trung củng cố tổ chức bộ máy, kiện toàn lực lượng làm công tác tuyên giáo bảo đảm về số lượng, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có uy tín trong cán bộ, đảng viên và quần chúng.

Phân công trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Đề án:

Đảng ủy KTNN: Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng trực thuộc tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt đến từng đảng viên, công chức về vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong việc tăng cường công tác giáo dục chính trị, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử của kiểm toán viên; Chỉ đạo cấp ủy các đơn vị thực hiện kiểm tra, giám sát ngay tại chi bộ; Cụ thể hóa các nội dung của Đề án vào kế hoạch công tác quý, năm của Ban chấp hành và hàng tháng của Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN; Lựa chọn các vấn đề, các nội dung của các nghị quyết, chương trình của Đảng để quán triệt, cụ thể hóa vào kế hoạch công tác của ngành; Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN và các đồng chí lãnh đạo KTNN được phân công phụ trách các lĩnh vực công tác chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án; Định kỳ hàng năm Đảng ủy KTNN tiến hành đánh giá kết quả đạt được và tiến độ triển khai thực hiện Đề án; tiến hành sơ kết việc thực hiện Đề án vào năm 2017 (năm thứ ba của nhiệm kỳ) và tổng kết thực hiện Đề án vào năm 2020 (năm kết thúc nhiệm kỳ); Hàng năm Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và xử lý nghiêm tổ chức đảng không triển khai nghiêm túc việc thực hiện Đề án.

Ban Tuyên giáo Đảng ủy: Căn cứ mục tiêu, nội dung của Đề án để tham mưu cho Đảng ủy KTNN cụ thể hóa kế hoạch thực hiện Đề án vào kế hoạch, chương trình công tác hàng năm của Đảng ủy KTNN và Đảng bộ KTNN đồng thời tham mưu cho Đảng ủy KTNN lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc triển khai Đề án đảm bảo thống nhất, gắn kết với hoạt động của ngành; Quán triệt nội dung của Đề án đến từng cán bộ, đảng viên trong đơn vị, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trên cơ sở các mục tiêu, nội dung của Đề án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp ủy viên của đơn vị phụ trách thực hiện Đề án; Phối hợp với các ban xây dựng Đảng, Văn phòng Đảng - Đoàn thể tham mưu cho Thường trực Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN chỉ đạo triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi tiến độ thực hiện Đề án, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm, tiến hành sơ kết việc thực hiện Đề án vào năm 2017 (năm thứ ba của nhiệm kỳ), tổng kết kết quả thực hiện Đề án vào năm 2020 trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Các ban tham mưu của Đảng ủy KTNN: Phối hợp với đơn vị chủ trì Đề án là Ban Tuyên giáo Đảng ủy KTNN, Văn phòng Đảng - Đoàn thể xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tổ chức quán triệt, học tập về tăng cường công tác giáo dục chính trị, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử của KTV; Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy KTNN tham mưu cho Đảng ủy KTNN xây dựng chương trình, nội dung kiểm tra, giám sát hàng năm của Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy KTNN đối với việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Văn phòng Đảng - Đoàn thể: Giúp Thường trực, Ban Thường vụ Đảng ủy đôn đốc, theo dõi tiến độ triển khai thực hiện Đề án và cấp ủy đảng các đơn vị trực thuộc; Phối hợp với Ban Tuyên giáo tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Đề án vào giữa nhiệm kỳ và tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án vào cuối nhiệm kỳ; Tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và xử lý nghiêm tổ chức đảng không triển khai nghiêm túc việc thực hiện Đề án.

Cấp ủy các đơn vị: Cụ thể hóa các nội dung công việc của Đề án vào chương trình công tác hàng năm, hàng quý của cấp ủy; Phổ biến và quán triệt việc thực hiện Đề án đến toàn thể đảng viên, công chức và người lao động trong đơn vị nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và cam kết thực hiện của từng cá nhân, tập thể trong quá trình thực hiện Đề án. Cấp ủy các đảng ủy, chi ủy trực thuộc, nhất là bí thư cấp ủy cần nắm chắc mục tiêu, nội dung các hoạt động của Đề án để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện Đề án đạt chất lượng, hiệu quả; Phân công 01 đồng chí trong cấp ủy trực tiếp phụ trách việc triển khai thực hiện Đề án; Chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN về kết quả và tiến độ triển khai thực hiện Đề án. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề án tại Báo cáo Tổng kết công tác Đảng với Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN (qua Văn phòng Đảng - Đoàn thể), đồng thời kiến nghị, đề xuất (nếu có). Tiến hành sơ kết việc thực hiện Đề án vào năm 2017 (năm thứ ba của nhiệm kỳ) và tổng kết thực hiện Đề án vào năm 2020 (năm kết thúc nhiệm kỳ).

Trách nhiệm mỗi Đảng viên: Thường xuyên tự giác học tập, nghiên cứu để nắm vững đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đảng viên; Là tấm gương cho quần chúng noi theo trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống. Thực hiện đúng các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử để quần chúng noi theo. Mọi chuyển biến về tư tưởng, nhận thức phải xuất phát từ cán bộ đảng viên để quần chúng học tập, noi theo; Có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống và văn hóa ứng xử nghề nghiệp đến quần chúng, nhất là đối với thế hệ trẻ; Căn cứ vào chương trình, kế hoạch của cấp ủy đơn vị, mỗi đảng viên xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện Đề án, làm cơ sở cho việc đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên hàng năm của cấp ủy các đơn vị.

Đề án “Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước” là 1 trong 4 đề án vừa được Đảng ủy Kiểm toán nhà nước ban hành theo Nghị quyết số 65-NQ/ĐU về việc ban hành 04 Đề án của Chương trình 2 về “Lãnh đạo xây dựng Đảng bộ Kiểm toán nhà nước trong sạch, vững mạnh”. /.

Hải Vân

Xem thêm »