Kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10)

20/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Phụ nữ kiểm toán với bình đẳng giới. Hiện nay, cùng với sự phát triển xã hội, quan niệm về bình đẳng giới ngày càng được nhìn nhận hoàn chỉnh hơn với những yêu cầu, biện pháp tốt hơn để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Mục tiêu này lần đầu tiên được Chính phủ đưa vào trong các mục tiêu phát triển xã hội Việt Nam đến năm 2010 tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên Niên Kỷ của Liên hiệp quốc.

Đồng thời được đưa vào dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 của Việt Nam. Đây là dấu hiệu rất đáng mừng vì mục tiêu bình đẳng giới đã được các cấp quản lý vĩ mô quan tâm hơn.

Trong thực tế còn những quan điểm chưa chính xác về khái niệm ”Bình đẳng giới”, cho rằng bình đẳng giới chỉ là sự bình đẳng nam - nữ, là nam nữ ngang nhau về mọi phương diện hay đặt vấn đề ưu tiên cho phụ nữ; không công bằng trong bình đẳng giới nghĩa là không công bằng giữa nam giới và nữ giới, là “trọng nam khinh nữ”… Theo quan điểm mới về bình đẳng giới thì mọi người, dù là nam hay nữ, với tư cách là cá nhân đều có quyền bình đẳng và cần được tạo cơ hội để phát huy tiềm năng sẵn có của mình, cũng như có quyền thụ hưởng bình đẳng trong quá trình phát triển chung. Nói đến thiên chức phụ nữ, nhiều người nhầm lẫn giữa thiên chức sinh học của người phụ nữ (mang thai, sinh con, nuôi con bằng sữa mẹ) với các trách nhiệm xã hội gán cho phụ nữ ( nuôi con, chăm sóc con cái, nội trợ và chăm lo gia đình...). Những trách nhiệm này có thể nam giới hoặc nữ giới đảm nhiệm, tuỳ thuộc hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp, sự thoả thuận của cả đôi bên. Theo quan niệm truyền thống về giới, nam giới cũng chịu nhiều áp lực như trụ cột về tình cảm, về kinh tế trong gia đình, về gánh vác nhiệm vụ xã hội và chia sẻ trách nhiệm công việc với phụ nữ. Đặc điểm giới tính khác nhau nên nam giới thường gắn với sự mạnh mẽ, sự cương quyết - phái “mạnh” còn nữ giới gắn với sự dịu dàng, tinh tế - phái “yếu”. Nam giới và nữ giới đều có những mặt mạnh và yếu tuỳ thuộc từng lĩnh vực. Do đó, nếu các cá nhân dù là nam giới hay nữ giới, có khả năng và nguyện vọng được thực hiện công việc nào đó thì cần được tạo điều kiện và cơ hội để phát huy như nhau.

Cùng với xu hướng phát triển của thời đại, phụ nữ giờ đây tham gia vào thị trường lao động và tự chủ về kinh tế ngày càng tăng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Đã có nhiều biện pháp tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận bình đẳng giới, nâng cao vai trò kiểm soát trong các vấn đề cho phụ nữ như phụ nữ và việc làm, phụ nữ và nạn đói nghèo, phụ nữ và đào tạo, phụ nữ và sức khoẻ, bạo lực với phụ nữ, phụ nữ và xung đột vũ trang, phụ nữ và kinh tế, phụ nữ trong bộ máy quyền lực và ra quyết định v.v... Ngày nay nhận thức về nhu cầu hài hoà giữa việc làm với trách nhiệm đối với gia đình của phụ nữ được mọi tầng lớp trong xã hội nhìn nhận thông thoáng hơn, điều này tác động tích cực đến các biện pháp nâng cao vai trò của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực: kinh tế, xã hội, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, kể cả trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và ra quyết định. Theo số liệu thống kê của Tổng cục thống kê năm 2003 tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế của lao động nữ là 68,5% so với nam là 75,8%. Như vậy tỷ lệ nữ tham gia hoạt động kinh tế ở nước ta đạt mức cao, thể hiện việc bình đẳng giới trong lao động và việc làm. Các con số thống kê này còn thể hiện cơ hội của phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận việc làm, việc sử dụng thời gian và thu nhập, tiền lương của hai giới có sự chênh lệch không cao.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực trong vấn đề bình đẳng giới đó vẫn còn tồn tại không ít trở ngại để phụ nữ có cơ hội được xoá bỏ hoàn toàn mọi sự phân biệt đối xử trong xã hội. Việc đưa quan điểm giới lồng ghép vào quá trình xây dựng chính sách vĩ mô vẫn chưa được thừa nhận một cách rộng rãi. Nhiều phụ nữ có kỹ năng và kinh nghiệm nhưng vẫn chịu thiệt thòi do khoảng cách giới trong tuyển dụng, trong đề bạt, trong việc đảm nhiệm các công việc chăm sóc gia đình. Việt Nam là đất nước có nền văn hoá, phong tục tập quán, truyền thống chịu ảnh hưởng nhiều của Nho giáo và Phật giáo nên tư tưởng trọng nam khinh nữ và thói quen gia trưởng là những trở ngại lớn trong việc nâng cao bình đẳng giới.

Cùng với phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Kiểm toán Nhà nước hiện nay với số lượng hơn 200 nữ công chức cũng có nhiều tâm tư muốn được chia sẻ, được cảm thông và ghi nhận. Với số lượng chiếm khoảng 1/3 tổng số cán bộ toàn ngành, nữ KTNN đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành. Với đặc thù nghề nghiệp, chị em phải đương đầu với những áp lực trong cả công việc cơ quan lẫn gia đình và ngoài xã hội; đối với cơ quan là trách nhiệm và hiệu quả công việc, đối với các đơn vị kiểm toán là phải phát hiện được những sai sót, góp phần chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, đối với bản thân phải vững vàng trước không ít cám dỗ luôn đeo bám xung quanh. Để giữ được đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi nữ cán bộ phải rèn luyện bản lĩnh để vượt qua, để luôn giữ mình trung thực khách quan, để không đánh mất chính mình. Trong gia đình với những đợt công tác kéo dài 2-3 tháng xa nhà thì việc đảo lộn nếp sinh hoạt thường ngày cùng với nỗi nhớ gia đình, người thân có lẽ là điều bận tâm và suy nghĩ nhất đối với chị em. Không có điều kiện thường xuyên chăm sóc gia đình và người thân cũng như sự chăm sóc của người thân đối với bản thân cũng là những điều thiệt thòi đáng kể đối với chị em. Những khi gặp khó khăn trong công việc, cuộc sống hay tình cảm, những lời khuyên, lời động viên của bạn bè đồng nghiệp, người thân hay sự quan tâm của lãnh đạo đã tiếp sức không nhỏ để nữ cán bộ mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Trong khoảng thời gian hơn 10 năm thành lập ngành đến nay bằng việc lồng ghép giới trong kế hoạch kiểm toán, nữ cán bộ Kiểm toán Nhà nước đã được các đồng chí lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện sắp xếp công việc hợp lý, hợp tình để chị em phát huy được hết vai trò nữ cán bộ cũng như thiên chức trong gia đình. Với nỗ lực bản thân, nhiều chị em đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ quan đồng thời vẫn thu xếp công việc gia đình êm thấm. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những điều tiếng chưa hay với một số chị em trong cách giao tiếp, ứng xử với các đơn vị kiểm toán cũng như trong quan hệ đồng nghiệp. Chúng ta đều biết rằng “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”, hy vọng nữ Kiểm toán Nhà nước sẽ mãi chỉ có “tiếng lành đồn xa”…

Vẫn biết, một lúc khoác trên vai nhiều trách nhiệm nên chị em đã tự ý thức phải phấn đấu rèn luyện nâng cao năng lực cho bản thân để cân đối được yêu cầu công việc xã hội và trách nhiệm gia đình. Với lòng yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp của ngành, phụ nữ KTNN không ngừng phấn đấu góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp hơn và không những “giỏi việc nước, đảm việc nhà” mà còn luôn giữ được vẻ đẹp “công, dung, ngôn, hạnh” của người phụ nữ Việt Nam./.

Xem thêm »