Hội đồng Khoa học KTNN xét duyệt đề cương, thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2018

03/01/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chiều 02/01/2018, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức họp xét duyệt đề cương và thuyết minh đề tài cấp Bộ năm 2018.

Toàn cảnh buổi họp

Tham gia xét duyệt có 05 để tài sau: (1) Xây dựng và hoàn thiện mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp kiểm toán hoạt động trong quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý trong kiểm toán ngân sách; (2) Giải pháp nâng cao chất lượng sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN trong hoạt động thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội; (3) Cẩm nang hướng dẫn Chuẩn mực kiểm toán hoạt động của KTNN; (4) Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hành vi gian lận báo cáo tài chính để xác định rủi ro, trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp nhà nước do KTNN thực hiện; (5) Vai trò của KTNN trong việc thực hiện công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Thông qua cuộc họp, Hội đồng đã nhận xét góp ý để Ban chủ nhiệm các đề tài hoàn thiện đề cương và thuyết minh đề tài.
 
Đề tài 1: “Xây dựng và hoàn thiện mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp kiểm toán hoạt động trong quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý trong kiểm toán ngân sách”
 
Đề tài do Ths. Trần Minh Khương và Ths. Trần Văn Hòe - KTNN khu vực XII làm đồng chủ nhiệm

Sau khi nghe đại diện Ban chủ nhiệm trình bày tóm tắt ý tưởng và nội dung nghiên cứu. Hội đồng đã đưa ra những ý kiến góp ý như sau:

Đề tài nghiên cứu có tính cấp thiết, tuy nhiên tên đề tài quá rộng, nên là tổ chức kiểm toán hoạt động trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đầu tư…. Tính cấp thiết cần làm rõ được phần tổng quan nghiên cứu xem chủ đề này hiện nay đã được nghiên cứu đến đâu từ đó xác định được mục tiêu nghiên cứu của đề tài. Đối tượng nghiên cứu không chỉ dừng lại ở chính sách pháp luật mà quan trọng là nghiên cứu việc quản lý, sử dụng tài sản công; phạm vi nghiên cứu quản lý và sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư và ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương) là rất rộng, khó khả thi để xây dựng được tiêu chí kiểm toán hoạt động và đạt được mục tiêu nghiên cứu vì vậy cần thu hẹp lại phạm vi về ngân sách bộ ngành hay ngân sách địa phương, và xác định nội dung kiểm toán, cách thức tổ chức cuôc kiểm toán này (khi nào lồng ghép, khi nào làm cuộc kiểm toán hoạt động độc lập). Phương pháp nghiên cứu cần xem xét lại? Việc đưa lý luận chung chung về kiểm toán hoạt động là không cần thiết, cần đưa ra được tính đặc thù. Chương 1, mục 1.2.3 nên bỏ, mục 1.1.3 Quy trình kiểm toán hoạt động cần bám vào Chuẩn mực kiểm toán hoạt động, mục 1.3 bỏ từ “tổ chức” đỡ phức tạp. Chương 2, mục 2.3 chuyển sang Chương 1 hoặc Chương 3 thì hợp lý hơn. Chương 3, việc trình bày nguyên tắc vẫn chung chung chưa thể hiện được tính đặc thù, cần có mục tiêu, phương hướng cụ thể. Rà soát lại nhiều mục khá trùng lắp như: Mục 3.2 nên bỏ tránh trùng lặp mục 3.3. Mục 3.4.3 nên bỏ. Chương 3 cần có định hướng kiểm toán trong thời gian tới về nội dung và phạm vi, tổ chức kiểm toán như thế nào (lồng ghép thì thế nào, độc lập thì thế nào?).

GS, TS. Đoàn Xuân Tiên đã kết luận như sau:
Tên đề tài, Xây dựng và hoàn thiện mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp kiểm toán hoạt động trong quản lý và sử dụng tiền và tài sản công trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (đi sâu vào chi đầu tư, chi hoạt động, chi sự nghiệp).

Mục đích để ban hành tài liệu hướng dẫn về kiểm toán ngân sách, có thể thu hẹp lại phạm vi ngân sách địa phương. Hiện nay KTNN chưa có văn bản nào hướng dẫn sâu, cụ thể về 3e và đang lúng túng trong thực tiễn kiểm toán nên đề tài vừa mang tính xây dựng, vừa mang tính hoàn thiện (đi sâu vào nội dung kiểm toán hoạt động; tiêu chí kiểm toán hoạt động; phương pháp thu thập bằng chứng để đánh giá kiểm toán hoạt động).

Kết cấu có thể 2 chương hoặc 3 chương. Xuất phát điểm phải khái quát từ vấn đề quản lý, sử dụng tài sản ở cấp ngân sách địa phương. Những đặc thù ngân sách địa phương và những vấn đề đặt ra. Tiếp theo mới đến vấn đề kiểm toán. Chương 2 chủ yếu tập trung vào thực trạng về kiểm toán hoạt động, chỉ ra tồn tại, hạn chế và nguyên nhân (đã có tiêu chí chưa, phương pháp thu thập bằng chứng ra sao? Kết quả kiểm toán đến đâu? Lập dự toán, quản lý điều hành như thế nào?). Tổ chức kiểm toán (trường hợp lồng ghép thì ra sao mà trường hợp cuộc kiểm toán độc lập thì ra sao?). Chương 3 gắn với 4 vấn đề mục tiêu, nội dung, tiêu chí, phương pháp thu thập bằng chứng.
 
Đề tài 2: “Giải pháp nâng cao chất lượng sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN trong hoạt động thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội”.
 
Đề tài do TS. Lê Đình Thăng và TS. Nguyễn Hữu Hiểu - Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán làm đồng chủ nhiệm.

Sau khi nghe đại diện Ban chủ nhiệm trình bày tóm tắt ý tưởng và nội dung nghiên cứu. Hội đồng đã đưa ra những ý kiến góp ý như sau: Nên chỉnh sửa lại tên để làm rõ được thẩm quyền của KTNN hay của đối tượng sử dụng báo cáo. Ban đề tài cần đi sâu vào quy trình thẩm tra, phê chuẩn quyết toán xem vị trí của báo cáo kiểm toán ở đâu trong suy nghĩ của các cơ quan và đại biểu dân cử? Có thể có trường hợp báo cáo kiểm toán chất lượng tốt nhưng vẫn không được sử dụng thì ra sao? Ngoài ra, Ban đề tài cần làm rõ chất lượng cung cấp thông tin gồm: nội dung cung cấp thông tin, cách thức cung cấp thông tin và thời gian cung cấp thông tin.

GS, TS. Đoàn Xuân Tiên đã kết luận như sau:

Tên đề tài: cân nhắc việc sử dụng khái niệm “chất lượng” hay “tính hữu dụng”. Quan trọng nhất là thực trạng việc sử dụng kết quả kiểm toán để thẩm tra, phê chuẩn quyết toán trong giai đoạn hiện nay. Chủ yếu là tập trung vào những hạn chế và nguyên nhân theo quy trình thẩm tra, phê chuẩn quyết toán. UBTCNS, UBTVQH, các Đại biểu Quốc hội, các Bộ, ban ngành, địa phương hiện nay đang nghiên cứu báo cáo kiểm toán như thế nào để biểu quyết thẩm tra và phê chuẩn quyết toán. Từ đó chỉ ra nguyên nhân. Phần về giải pháp, mới chỉ đề cập nhiều đến chất lượng báo cáo kiểm toán (nên gom lại); chú trọng giải pháp phối hợp giữa KTNN với các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn Đại biểu của Quốc hội.

Phương pháp nghiên cứu: một trong những phương pháp bắt buộc phải sử dụng trong đề tài là ý kiến của những người sử dụng báo cáo kiểm toán thông qua phiếu điều tra khảo sát các Ủy ban của QH, các Đại biểu Quốc hội. Mời thêm các chuyên gia của các Ủy ban của Quốc hội tham gia thành viên đề tài.
 
Đề tài 3: “Xây dựng Cẩm nang hướng dẫn Chuẩn mực kiểm toán hoạt động của KTNN”.
 
Đề tài do Ths. Hoàng Thị Vinh Thúy - Vụ Tổng hợp làm chủ nhiệm.

Sau khi nghe đại diện Ban chủ nhiệm trình bày tóm tắt ý tưởng và nội dung nghiên cứu. Hội đồng đã đưa ra những ý kiến góp ý như sau: Tên đề tài nên chỉ là Cẩm nang hoặc Hướng dẫn, có thể sửa lại tên đề tài “Xây dựng Cẩm nang kiểm toán hoạt động của KTNN” và phải có các nội dung về sự cần thiết, mục đích, yêu cầu của Cẩm nang. Mục tiêu nghiên cứu là ban hành được Cẩm nang kiểm toán hoạt động. Kết cấu 2 Chương là phù hợp, tuy nhiên cần ngắn gọn trong việc trình bày lại Chuẩn mực. Cần làm rõ mục đích, yêu cầu của Cẩm nang là gì? Việc lựa chọn chủ đề kiểm toán không hề dễ dàng về mặ khoa học. Mục 1.4 là hết sức cần thiết, vấn đề là Ban đề tài vận dụng được như thế nào để thể hiện trong đề tài.

GS, TS. Đoàn Xuân Tiên đã kết luận như sau:

Tên đề tài: Xây dựng Cẩm nang kiểm toán hoạt động của KTNN

Tập trung sâu vào việc xây dựng Cẩm nang hướng dẫn nên Chương 1 chỉ đánh giá qua về Chuẩn mực 300 và 3000, từ đó đưa ra hạn chế là chưa có hướng dẫn cụ thể cho KTV. Tiếp theo là kinh nghiệm quốc tế. Chương 2 cần làm rõ một số nội dung như: Sự cần thiết và mục đích xây dựng cẩm nang; mức độ chi tiết, phạm vi của Cẩm nang ở lĩnh vực nào (ngân sách, đầu tư, doanh nghiệp); Nội dung Cẩm nang theo quy trình kiểm toán (theo 4 giai đoạn) chứ không phải hướng dẫn Chuẩn mực.
 
Tên đề tài 4: “Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hành vi gian lận báo cáo tài chính để xác định rủi ro, trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp nhà nước do KTNN thực hiện”
 
Đề tài do NCS. Lăng Trịnh Mai Hương và Ths. Nguyễn Thu Giang làm đồng chủ nhiệm

Sau khi nghe đại diện Ban chủ nhiệm trình bày tóm tắt ý tưởng và nội dung nghiên cứu. Hội đồng đã đưa ra những ý kiến góp ý như sau: Tên đề tài chưa rõ, việc xác định hành vi gian lận để xác định rủi ro, trọng yếu có vẻ ngược về mặt lý thuyết, từ đó mới xác định rõ được đối tượng nghiên cứu, không phải là đánh giá hành vi mà nên là nhận diện hành vi. Tính cấp thiết của đề tài chưa xác định được khoảng trống để đề xuất nghiên cứu, việc nhận định các đề tài của KTNN về đánh giá rủi ro còn thiếu tính khoa học là khá chủ quan. Ban đề tài cần xoay lại mục tiêu nghiên cứu, vì đã là gian lận thì đương nhiên là trọng yếu. Các mục trong đề cương được trình bày thiếu logic và chưa phù hợp giữa các chương. Chương 1 nên bỏ vấn đề rủi ro, trọng yếu và bổ sung các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ gian lận. Chương 2 trọng tâm là tiêu chí đánh giá nhưng chưa được đề cập. Việc sử dụng từ ngữ còn khá lộn xộn (bên ngoài thì là doanh nghiệp nhưng bên trong lại sử dụng từ công ty). Ngoài ra, cần làm rõ đối tượng doanh nghiệp tập trung nghiên cứu? vì doanh nghiệp có vốn nhà nước thì rất nhiều. Xác định rõ sản phẩm của đề tài là gì? Bên cạnh đó, có thành viên Hội đồng cũng cho rằng không phải cứ gian lận là trọng yếu. Nên nhận diện rồi mới đánh giá.

GS, TS. Đoàn Xuân Tiên đã kết luận như sau:

Tên đề tài: Nhận diện, đánh giá các sai sót và gian lận báo cáo tài chính để xác định rủi ro, trọng yếu trong kiểm toán tài chính doanh nghiệp do KTNN thực hiện.

Kết cấu nên thành 2 chương (ghép chương 1 và chương 2). Hệ thống hóa được các biểu hiện hành vi gian lận. Thực trạng việc đánh giá các sai sót, gian lận do KTNN phát hiện thời gian qua. Chương 2 khong chỉ dừng lại ở việc xây dựng bộ tiêu chí (định lượng, định tính) mà còn có cả thủ tục đánh giá. Sản phẩm: Tài liệu tham khảo có tính chất hướng dẫn cho KTV trong quá trình kiểm toán gắn với rủi ro, trọng yếu.
 
Đề tài số 5: “Vai trò của KTNN trong việc thực hiện công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước”.
 
Đề tài do Ths. Lê Tùng Lâm và Ths. Trịnh Minh Thắng làm đồng chủ nhiệm.

Sau khi nghe đại diện Ban chủ nhiệm trình bày tóm tắt ý tưởng và nội dung nghiên cứu. Hội đồng đã đưa ra những ý kiến góp ý như sau: Tên đề tài cần làm rõ sao cho đảm bảo tính pháp lý (vai trò hay tổ chức) vì nếu xét về mặt tổ chức kiểm toán thì hiện nay chưa được đảm bảo tính pháp lý để thực hiện. Mục 1.3.3 là nội dung chính của đề tài nhưng lại chưa có nội dung. Phạm vi nghiên cứu cần mở rộng để tránh trùng lặp không chỉ dừng lại ở cổ phần hóa mà cả vấn đề thoái vốn. Các nội dung các mục đang trình bày trùng lắp và khá lộn xộn. Nếu Ban đề tài đi theo hướng xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa thì sẽ trùng lặp với 01 đề tài cấp Cơ sở năm 2018 do KTNN CN VI thực hiện.

GS, TS. Đoàn Xuân Tiên đã kết luận như sau:

Ban đề tài nghiên cứu theo một trong hai hướng: Một là trao đổi với KTNN Chuyên ngành VI để nâng cấp đề tài lên thành cấp Bộ. Hai là đi vào vai trò của KTNN trong vấn đề thoái vốn.

Mục tiêu nghiên cứu là đề xuất các giải pháp để nâng cao vai trò … Đánh giá sâu về chức năng nhiệm vụ, quy trình, nội dung, phạm vi, đối tượng, phương pháp kiểm toán có liên quan đến cổ phần hóa. Trên cơ sở đó chỉ ra hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế thông qua kiểm toán.


 

Xem thêm »