Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công an toàn, bền vững

27/02/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2018 là năm, Ngành Tài chính phấn đấu thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vượt khoảng 3% dự toán, giữ bội chi NSNN ở mức không quá 3,7% GDP, tăng cường kỷ - luật kỷ cương tài chính, quản lý nợ công an toàn, bền vững. Theo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2018 đã được Quốc hội thông qua, tổng số thu NSNN dự toán năm 2018 là 1.319.200 tỷ đồng. Tổng số chi NSNN là 1.523.200 tỷ đồng. Mức bội chi NSSN là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP, gồm: Bội chi ngân sách trung ương là 195.000 tỷ đồng, tương đương 3,54%GDP; bội chi ngân sách địa phương là 9.000 tỷ đồng, tương đương 0,16%GDP. Tổng mức vay của NSNN, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của NSNN là 363.284 tỷ đồng.

Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công an toàn, bền vững

Đối với thu NSNN, các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng làm nền tảng tăng thu nội địa. Đối với các thành phố lớn đã được giao cơ chế tài chính đặc thù, đề nghị triển khai nghiêm túc để nhanh chóng phát triển các địa bàn này thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Tăng cường quản lý thu, hoàn thiện chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thu, hạn chế tối đa các chính sách miễn giảm, giãn thuế, tạo chuyển biến rõ nét trong chống thất thu thông qua triển khai hoá đơn điện tử. Xử lý và ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, quản lý chặt chẽ việc xác định giá tính thuế, phát hiện, ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế, tăng cường thu từ khu vực kinh tế phi chính thức, quyết tâm hoàn thành vượt dự toán thu NSNN 2018. Đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội về việc hoàn thiện chính sách thu, cơ cấu lại thu NSNN, đảm bảo hiệu quả bền vững theo các mục tiêu đề ra.
 
Đối với chi NSNN, phân bổ ngay và hết dự toán 2018 được giao từ đầu năm theo đúng thứ tự ưu tiên, đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý NSNN. Tiết kiệm các khoản chi thường xuyên gắn với việc thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả theo Nghị quyết 18 của Trung ương. Theo các văn bản pháp luật về cơ chế giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công trên cơ sở dự toán NSNN được giao, các Bộ, ngành trung ương tự cân đối bố trí nguồn tăng lương 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội. Thực hiện nghiêm kỷ luật kỷ cương ngân sách, chủ động điều hành NSNN chặt chẽ. Trường hợp thu NSĐP khó khăn phải chủ động sắp xếp lại các khoản chi, sử dụng nguồn dự phòng, dự trữ tài chính, các nguồn tài chính khác để đảm bảo cân đối ngân sách trong phạm vi dự toán Quốc hội đã quyết định. Khẩn trương tổ chức lại, đổi mới cơ chế quản lý các quỹ ngoài ngân sách.
 
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ đang dự thảo Luật sửa đổi 6 Luật thuế: Thuế TNDN, thuế TNCN, thuế TTĐB, thuế GTGT, thuế tài nguyên, Luật thuế xuất khẩu/thuế nhập khẩu theo hướng khắc phục các bất cập hiện nay; giảm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp; tăng thuế suất thuế GTGT; thu hẹp diện ưu đãi...; góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh, đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí thuế; cơ cấu lại thu NSNN.
 
Trong quản lý, điều hành, Chính phủ chủ trương thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; giảm dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017, 2018 cho các đơn vị sự nghiệp công lập các lĩnh vực giáo dục, y tế theo lộ trình tăng học phí và tính chi phí lương vào giá dịch vụ y tế; tăng tỷ trọng chi đầu tư.... Việc tổ chức điều hành bám sát dự toán, hạn chế bổ sung ngoài dự toán; quản lý chặt chẽ nguồn dự phòng ngân sách, ưu tiên tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, các nhiệm vụ cấp bách của quốc phòng, an ninh,...
 
Trong năm 2017, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2018-2020, làm cơ sở để thảo luận, xác định dự toán NSNN năm 2018, tiếp tục thực hiện mục tiêu cơ cấu lại NSNN, tăng tỷ trọng thu nội địa, tăng tỷ trọng chi đầu tư, đảm bảo kiểm soát chi tiêu trong khả năng nguồn lực trung hạn, vay nợ phù hợp với khả năng trả nợ của nền kinh tế, kiểm soát bội chi, nợ công theo các mục tiêu đề ra.
 
Về cân đối ngân sách và vay nợ công, Bộ đề nghị thực hiện chi tiêu trong khả năng cân đối của NSNN và dự toán được giao, các địa phương chỉ vay trong phạm vi dự toán, phù hợp khả năng trả nợ trong giới hạn quy định. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay, tạo chuyển biến căn bản trong quản lý và sử dụng nợ công.
 
Về quản lý nợ công nhằm đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang khẩn trương xây dựng khung khổ pháp lý, chính sách, cơ chế về tài chính - ngân sách bám sát các chủ trương, nhiệm vụ chủ yếu tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 51-NQ/CP. Trình Quốc hội ban hành Luật quản lý nợ công (sửa đổi), trên cơ sở: Xác định rõ phạm vi nợ công; thống nhất đầu mối quản lý về nợ công; thu hẹp đối tượng và siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ, đối tượng vay lại vốn vay nước ngoài; tăng cường quản lý sử dụng vốn vay lại và vốn vay có bảo lãnh Chính phủ; tăng cường các công cụ và biện pháp quản lý rủi ro, về báo cáo, công khai thông tin, kế toán kiểm toán về nợ công...; xây dựng và triển khai các công cụ quản lý nợ chủ động thực hiện mục tiêu tổ chức huy động vốn với chi phí thấp gắn liền với mức độ rủi ro hợp lý, đảm bảo khả năng trả nợ, đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước; siết chặt quản lý bảo lãnh Chính phủ; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay của NSĐP trên cơ sở tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, minh bạch hoạt động vay nợ của địa phương.
 
Được biết, đến 31/12/2017, dư nợ công khoảng 61,3%GDP, trong đó: nợ chính phủ khoảng 51,6%GDP, nợ được Bảo lãnh Chính phủ khoảng 9,1%GDP trong giới hạn quy định.
 
Hiện Bộ đang đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công, không thực hiện cấp mới bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án vay vốn, không phát hành TPCP kỳ hạn dưới 5 năm... Toàn bộ khối lượng TPCP phát hành năm 2017 thực hiện qua kênh đấu thầu trên thị trường, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
 
Chí Kiên
 
 
 

Xem thêm »