Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm kiểm toán nợ công”

01/04/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 30/3/2018, tại Hà Nội, Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán (Trường) phối hợp với Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành II tổ chức buổi Tọa đàm: “Trao đổi kinh nghiệm kiểm toán nợ công”. PGS.TS Nguyễn Đình Hòa – Phó Giám đốc phụ trách Trường và – Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Nguyễn Minh Giang đồng chủ trì buổi Tọa đàm.

PGS. TS Nguyễn Đình Hòa - Phó Giám đốc phụ trách Trường phát biểu khai mạc Tọa đàm

Dự buổi Tọa đàm có đại diện Lãnh đạo, Kiểm toán viên một số các KTNN chuyên ngành, khu vực, các đơn vị sư nghiệp, tham mưu của KTNN.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa cho biết:  Vấn đề nợ công thời gian gần đây được Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội rất quan tâm, đặc biệt đối với vấn đề trần nợ công và công tác quản lý nợ công thế nào để đem lại hiệu quả… Là cơ quan chuyên môn giúp Quốc hội, Chính phủ trong việc kiểm tra, giám sát tài chính công, tài sản công, KTNN có vai trò quan trọng trong việc đánh giá, xem xét hiệu quả của việc sử dụng nợ công, nhằm giúp Tổng Kiểm toán nhà nước có tiếng nói trên Nghị trường Quốc hội và minh bạch nền tài chính quốc gia…

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung, trao đổi nhiều nội dung liên quan đến vấn đề nợ công như: Nâng cao chất lượng trong kiểm toán nợ công;  Hoạt động cấp tín dụng tại Ngân hàng phát triển Việt Nam có liên quan đến nợ công;  Kiểm toán nợ chính quyền địa phương trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công…

Theo đại diện của KTNN khu vực I, thực trạng công tác quản lý, sử dụng nợ chính quyền địa phương những năm qua cho thấy, các địa phương báo cáo chưa đầy đủ, chính xác số liệu của nợ chính quyền địa phương. Số liệu về nợ chính quyền địa phương của các Đoàn kiểm toán lấy tại Sở Tài chính và Sở KH&ĐT nhiều khi còn chênh lệch, chưa khớp nhau. Nợ chính quyền địa phương ngày càng tăng, nhiều địa phương không có khả năng trả nợ (thu điều tiết hàng năm không đủ chi thường xuyên) nhưng vẫn được Bộ Tài chính và các đơn vị cho vay với số lượng ngày càng lớn, vượt định mức quy định của Bộ Tài chính. Qua thực tế kiểm toán tại một số tỉnh cho thấy tình trạng "tạm ứng" hoặc "ứng trước dự toán" để bố trí vốn cho một số dự án lớn kéo dài nhiều năm không thu hồi tạm ứng…

Kết quả kiểm toán thời gian qua cho thấy thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa khâu huy động vốn (đề xuất danh mục, lựa chọn dự án, xác định cơ chế sử dụng vốn vay, công tác vận động, đàm phán, ký kết điều ước quốc tế) với tổ chức thực hiện và trả nợ vay, dẫn đến bị động trong việc cân đối nguồn trả nợ cũng như khuyến khích sử dụng vốn vay hiệu quả, tiết kiệm; việc tổng hợp số liệu nợ công theo một đầu mối thống nhất còn khó khăn, dẫn đến còn sai sót; Công tác tổ chức và quản lý nợ công vẫn chưa được tập trung thống nhất theo quy định của Luật Quản lý nợ công…

Ngoài ra, KTNN cũng đã chỉ ra một số những tồn tại, bất cập trong các quy định, chính sách liên quan tới một số khía cạnh cụ thể của công tác quản lý nợ công, đồng thời đưa ra những kiến nghị sửa đổi và hoàn thiện chính sách. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã đưa ra một số ý kiến mang tính cảnh báo đối với tình hình vay nợ của Chính phủ và việc quản lý, sử dụng nợ công, tạo được sự quan tâm của Quốc hội, các cơ quan chức năng và dư luận, công chúng đến tình hình vay nợ của đất nước; góp phần thúc đẩy các cơ quan quản lý nợ có biện pháp quản lý tốt hơn.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong hoạt động kiểm toán nợ công, song chất lượng kiểm toán nợ công của KTNN còn nhiều hạn chế. Để nâng cao chất lượng kiểm toán nợ công, các ý kiến cho rằng, KTNN cần xây dựng quy chế phối hợp giữa KTNN với các cơ quan được giao quản lý nợ công, như Bộ Kế hoach và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… để có thể thường xuyên cập nhật kịp thời các thông tin liên quan đến nợ công. Bên cạnh đó, KTNN cần xây dựng sổ tay hướng dẫn kiểm toán nợ công nhằm hướng dẫn Kiểm toán viên trong quá trình kiểm toán nợ công được đầy đủ, thuận lợi và hiệu quả đặc biệt là đối với các Kiểm toán viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm toán nợ công. “Để nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm toán viên thực hiện nhiệm vụ kiểm toán nợ công, KTNN cần thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, các lớp bồi dưỡng để thông qua đó trao đổi kinh nghiệm, đưa ra các phương pháp, cách thức tiếp cận để nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm toán viên, đáp ứng yêu cầu đối với việc kiểm toán nợ công” – đại diện Vụ Tổng hợp phát biểu ý kiến.

Đồng tình với ý kiến của Vụ Tổng hợp, đại diện KTNN khu vực XII nhấn mạnh, từ kinh nghiệm được rút ra qua các cuộc kiểm toán, để việc kiểm toán nợ chính quyền địa phương trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đạt được kết quả, cần thực hiện tốt một số nội dung: Phân biệt rõ các khoản nợ chính quyền địa phương; Đánh giá việc xây dựng hạn mức vay, lập kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương; Việc phản ánh, phân bổ nguồn vốn vay; Đánh giá việc thực hiện vay, trả nợ của chính quyền địa phương; Kiểm toán về tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của từng khoản vay; Việc tổng hợp, lập và gửi báo cáo về nợ chính quyền địa phương…

Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Nguyễn Minh Giang phát biểu kết luận Tọa đàm

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Nguyễn Minh Giang cảm ơn các đại biểu đã có nhiều ý kiến về kiểm toán nợ công. “Việc kiểm toan nợ công của Ngành tới đây sẽ được triển khai áp dụng theo Đề cương kiểm toán năm 2016. Cách thức kiểm toán nợ công sẽ thực hiện theo chuyên đề riêng về nợ công hoặc theo chức năng, nhiệm vụ thông qua các Dự án cụ thể… Ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến tham gia tại buổi Tọa đàm hôm nay, báo cáo Lãnh đạo KTNN để có hướng chỉ đạo về vấn đề kiểm toán nợ công thống nhất trong toàn Ngành” – ông Nguyễn Minh Giang nói./.

M.Thúy
 

Xem thêm »